Sức ép 'áo vàng' lại đè nặng lên Tổng thống Pháp Macron

Đúng lúc Tổng thống Macron cảm nhận, ông đã lấy lại được sức mạnh kiểm soát đối với phong trào biểu tình "áo vàng" nhưng cuộc bạo loạn bùng phát vừa qua là một lời nhắc nhở đối với nhà lãnh đạo Pháp.
Cuộc biểu tình của người “Áo vàng” tại thủ đô Paris của Pháp ngày 16/3 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Cuộc biểu tình của người “Áo vàng” tại thủ đô Paris của Pháp ngày 16/3 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Reuters đưa tin, vừa lúc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngỡ tưởng rằng ông đã lấy lại được sức mạnh kiểm soát đối với phong trào biểu tình "áo vàng" nhờ cuộc "đại thảo luận" cấp quốc gia của mình, thì cuộc bạo loạn bùng phát gần đây nhất là một lời nhắc nhở đối với nhà lãnh đạo Pháp rằng việc đưa chương trình cải cách của mình quay trở lại quỹ đạo sẽ không phải là việc dễ dàng.

Các cuộc thảo luận quốc gia cách đây 2 tháng nhằm hóa giải tình trạng bất ổn xã hội do phong trào "áo vàng" gây ra đã giúp ông Macron thiết lập lại mối liên kết với cử tri, làm gia tăng uy tín của ông và gạt bỏ bầu không khí ảm đảm bao phủ Điện Elysee, ngay cả khi một số người tham gia cho rằng các cuộc thảo luận kiểu này là vô ích.

Thế nhưng, cảnh tượng bạo loạn quay trở lại đại lộ Champ-Elysées, trung tâm Paris, hồi cuối tuần qua, đã đặt Macron trở lại tâm thế đầy lo lắng khi mà ông vừa mới cân nhắc các chính sách mới nhằm dịu lòng lực lượng "áo vàng."

Chuyên gia Bernard Sananes thuộc Viện Elabe bình luận: "Cảnh tượng hôm 16/3 vừa qua tại Champs-Elysees đe dọa những dấu hiệu xoa dịu ban đầu mà cuộc thảo luận quốc gia dường như đã thiết lập được."

Những người tổ chức cuộc biểu tình hôm đó đã gọi sự kiện này là một "tối hậu thư," tìm cách gia tăng sức ép đối với vị tổng thống 41 tuổi này khi Tổng thống Macron tốn hàng giờ đồng hồ để trao đổi qua ứng dụng trò chuyện trực diện trên điện thoại với các thị trưởng, sinh viên, công nhân...

"Cuộc thảo luận của ông ấy có thể đã kết thúc song chúng tôi vẫn biểu tình trên đường phố," công dân Pháp 43 tuổi thất nghiệp Agnes trả lời Reuters, đồng thời dọa sẽ tiếp tục biểu tình chặn đường phố nếu ông Macron không đáp ứng được các yêu cầu của họ. 

Cho dù đây có phải là đợt bạo loạn cuối cùng như vị bộ trưởng nội vụ nhận định hay là một dấu hiệu của một "cuộc khủng hoảng không hồi kết" như tờ Le Monde bình luận trong bài xã luận của họ, bầu không khí bạo loạn của ngày 16/3 vừa qua đã cho thấy một môi trường xã hội căng thẳng mà Tổng thống Macron phải đưa ra những quyết định nhằm định hình phần còn lại trong sự nghiệp chính trị với nhiệm kỳ 5 năm của mình.

[Pháp: Không xảy ra bạo loạn trong cuộc biểu tình 'Áo vàng' tại Paris]

Nhận biết được những mối đe dọa mà những kỳ vọng cao của người dân có thể gây ra, kèm theo đó là phạm vi hạn hẹp mà quỹ tài chính công của Pháp cho phép, ông Macron đã chỉ thị các bộ trưởng giảm nhẹ quy mô của các tuyên bố mà ông từng nhấn mạnh sẽ thực hiện được trước trung tuần tháng Tư tới.

"Liệu chúng ta có thể thực thi mọi đề xuất và đáp ứng được mọi kỳ vọng hay không? Câu trả lời là không vì chính trị sẽ đưa ra những lựa chọn," người phát ngôn chính phủ Benjamin Griveaux nói.

Tuy nhiên, các trợ lý của ông Macron thừa nhận rằng ông sẽ phải thay đổi cả phong cách của mình và cho phép tồn tại một nền dân chủ có sự tham gia nhiều hơn của người dân.

Giới chỉ trích nói rằng ông Macron đang quá thắt chặt kiểm soát trong khi cử tri lại giận giữ trước phong cách ngạo mạn và kiêu căng của ông.

Nguy cơ thất vọng

Lựa chọn tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý vẫn đang được thảo luận. Cuộc trưng cầu dân ý này được cho là có lợi thế giúp lôi kéo những người hoài cổ về phong cách thích tổ chức trưng cầu dân ý của cựu Tổng thống Pháp Charles de Gaulle, đồng thời đáp ứng được yêu cầu chính của lực lượng "áo vàng" về sự cần thiết có thêm nhiều cuộc bỏ phiếu lấy ý kiến người dân.

Tuy nhiên, các vấn đề mang tính chính sách vốn có thể được đưa vào một cuộc trưng cầu dân ý lại chưa được quyết định. "Điều tồi tệ nhất có thể sẽ là một kết cục với sự thất vọng to lớn," cố vấn của ông Macron nhận định, đồng thời nói rằng ông Macron cũng tỏ rõ rằng ông không muốn chứng kiến thời kỳ hậu thảo luận quốc gia vẫn nguyên trạng như thời kỳ trước thảo luận.

Chưa đầy 3 tháng trước khi diễn ra các cuộc bầu cử châu Âu mà trong đó lực lượng dân tộc chủ nghĩa chống châu Âu muốn sử dụng các cuộc bầu cử này như sự phô diễn lực lượng trên khắp lục địa, một cuộc trưng cầu dân ý thất bại có thể gây ra phản tác dụng và tạo dịp để các đối thủ của Tổng thống Macron thách thức tính hợp pháp của ông.

Sức ép 'áo vàng' lại đè nặng lên Tổng thống Pháp Macron ảnh 1Người biểu tình "Áo vàng" đốt phá cửa hàng trên đại lộ Champs-Elysees ở Paris của Pháp, ngày 16/3 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)

Các cuộc biểu tình chống chính phủ vừa qua cho thấy người dân Pháp khao khát bình đẳng, giữa người dân Paris và những bộ phận nghèo kém hơn ở những khu vực khác, cũng như giữa người nghèo và người giàu nói chung. Đó là lý do vì sao mà bạo loạn tồi tệ nhất kể từ tháng 11/2018 đã nhắm đến đại lộ Champs-Elysees và các cửa hàng sang trọng, những địa danh là biểu tượng của một Paris sang trọng, thành công và mang tính chất tư sản.

Giới phụ tá nói rằng giảm thiểu sự bất bình đẳng giữa các vùng và tạo công ăn việc làm có thu nhập cho những người nghèo nhất là một phần quan trọng trong tuyên bố tranh cử tổng thống của ông Macron hồi năm 2017.

Các hộ gia đình sẽ bắt đầu cảm nhận lợi ích mà các biện pháp được triển khai trong vòng 22 tháng qua. Có một vấn đề là trong thời gian đầu nhiệm kỳ, ông Macron đã chọc giận cử tri cánh tả khi đặt ưu tiên nhiều hơn đối với chính sách cắt giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp so với các biện pháp hỗ trợ giới công nhân thu nhập thấp.

Trong khi đó, với việc Pháp đang chịu một trong những gánh nặng thuế cao nhất trên thế giới, sẽ chẳng dễ dàng gì cho chính quyền ông Macron khi cấp vốn cho những biện pháp tốn kém nhằm giảm cảm giác bị cô lập ở những thị trấn nhỏ và vùng nông thôn bằng cách xây thêm nhiều bệnh viện hoặc mở cửa trở lại các trường học.

Điều này có nghĩa là cách thức đối phó của Macron sẽ có thể là sự kết hợp của các biện pháp mang tính biểu tượng nhằm đem lại tiếng nói lớn hơn cho người dân kèm theo đó là những thay đổi đối với hệ thống giáo dục và đào tạo.

Một cố vấn của Tổng thống thừa nhận: "Pháp đã đạt đến những giới hạn của sự giàu có lan rộng."

Tuy nhiên, người này cho rằng Pháp vẫn có khả năng lớn lao trong việc xử lý gốc rễ của tình trạng bất bình đẳng xã hội.

"Chúng tôi có thể đã đánh giá sai một số mục tiêu ngay từ ban đầu song giờ, chúng tôi đã nắm được tình hình và đẩy nhanh tốc độ (xử lý vấn đề)," cố vấn giấu tên này khẳng định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục