Sức sống mới ở những làng nghề trong thành phố

Tại thành phố Hải Dương, những năm qua, một số làng nghề truyền thống vẫn được duy trì và thậm chí ngày càng hưng thịnh, mang lại cuộc sống no đủ cho người dân địa phương.
Sức sống mới ở những làng nghề trong thành phố ảnh 1Bên cạnh những nhà đầu tư máy móc hiện đại, tại Làng nghề bánh đa Lộ Cương, vẫn còn nhiều gia đình sản xuất quy mô nhỏ với phương pháp truyền thống. (Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN)

Sở Công Thương Hải Dương đang thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ các cơ sở sản xuất tại làng nghề ứng dụng công nghệ mới, hoàn thiện hạ tầng và di dời cơ sở vào cụm công nghiệp, giúp cải thiện và bảo đảm môi trường.

Theo số liệu từ Sở Công Thương Hải Dương, trên địa bàn tỉnh hiện có 66 làng nghề, thuộc các lĩnh vực đồ gỗ mỹ nghệ, chế biến nông sản thực phẩm, vật liệu xây dựng, gốm…

Khu vực làng nghề đang có nhiều đóng góp vào sức phát triển của ngành công nghiệp nông thôn Hải Dương, tạo việc làm với thu nhập ổn định cho nhiều lao động nông thôn.

Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, nguồn vốn đầu tư cho sản xuất hạn chế, công nghệ sản xuất lạc hậu, lao động thủ công vẫn chiếm hầu hết các công đoạn. Do đó, năng suất, chất lượng sản phẩm của làng nghề không cao, độ đồng đều thấp.

Hơn nữa, các làng nghề chưa được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung; nước thải xả trực tiếp, khiến môi trường làng nghề trên địa bàn không những bị ô nhiễm không khí, nước mà còn ô nhiễm tiếng ồn.

[Lễ công bố quyết định công nhận thành phố Hải Dương là đô thị loại 1]

Những năm qua, thông qua Chương trình khuyến công, Sở Công Thương Hải Dương đã thực hiện nhiều hoạt động góp sức cải thiện môi trường làng nghề. Trong đó, các đề án chuyển giao công nghệ, hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị mới được tích cực triển khai.

Chỉ riêng năm 2018, khuyến công Hải Dương đã triển khai 12 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến, hiện đại vào sản xuất và 1 đề án hỗ trợ trình diễn khoa học-kỹ thuật quy trình chế biến hàng nông sản xuất khẩu.

Các đề án hoàn thành đã giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề nâng cao năng lực sản xuất, giảm lãng phí nguyên liệu, hạn chế lượng chất thải ra môi trường.

[Giảm thiểu tình trạng gây ô nhiễm ở các làng nghề tại Hải Phòng]

Theo đại diện Sở Công Thương Hải Dương, năm 2019, hoạt động khuyến công tiếp tục thực hiện các nội dung hỗ trợ trực tiếp cũng như gián tiếp cho cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, từ đó gia tăng khả năng sản xuất, góp sức bảo đảm môi trường làng nghề.

Ngay từ đầu năm, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh đã tổ chức khảo sát thực tế tại cơ sở, tìm đối tượng đủ điều kiện để hỗ trợ xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất mới trong các lĩnh vực như chế biến nông- lâm-thủy sản thực phẩm; sản xuất hàng công nghiệp tiêu dùng; vật liệu xây dựng; lắp ráp và sửa chữa máy móc, thiết bị, dụng cụ cơ khí…; hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị, tiên tiến vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; xây dựng, sửa chữa, nâng cấp, hệ thống xử lý môi trường; ứng dụng sản xuất sạch hơn để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Sức sống mới ở những làng nghề trong thành phố ảnh 2Bên cạnh những nhà đầu tư máy móc hiện đại, tại Làng nghề bánh đa Lộ Cương, vẫn còn nhiều gia đình sản xuất quy mô nhỏ với phương pháp truyền thống. (Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN)

Sở Công Thương cũng sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp thu hút đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cụm công nghiệp, trong đó ưu tiên hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tập trung; di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm vào cụm.

Bên cạnh đó, tỉnh Hải Dương sẽ tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường; tạo cơ chế khuyến khích cộng đồng làng nghề tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý và khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường.

Tỉnh cũng sẽ công bố danh sách các làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên các phương tiện thông tin đại chúng; phổ biến, tuyên truyền các mô hình làng nghề thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường; tập trung quy hoạch các làng nghề, chuyển đổi ngành nghề sản xuất hoặc di dời vào khu, cụm công nghiệp tập trung.

Đối với các làng nghề phải chuyển đổi hoặc di dời, tỉnh Hải Dương sẽ đưa ra những cơ chế chính sách hỗ trợ kịp thời như miễn giảm tiền thuê đất, thuế sử dụng đất… trong đó, sẽ tập trung vào nhóm loại hình tái chế giấy, tái chế nhựa, tái chế kim loại, nhuộm, giết mổ gia súc, chế biến thực phẩm.

Để nâng cao ý thức, tỉnh cũng yêu cầu các cơ sở hoạt động trong các làng nghề chủ động đầu tư xử lý môi trường theo nguyên tắc “Người gây ô nhiễm phải trả tiền.”

Tuy nhiên, đối với các làng nghề truyền thống hoặc các làng nghề có đóng góp lớn cho địa phương, Ủy ban Nhân dân tỉnh sẽ hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư xử lý…

Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường làng nghề, Hải Dương cũng lồng ghép chương trình bảo vệ môi trường làng nghề với các chương trình khác như Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn để hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề sản xuất và xây dựng, cải tạo hệ thống cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường làng nghề như hệ thống tiêu thoát nước, các điểm thu gom, xử lý chất thải…

Đến năm 2020, Hải Dương phấn đấu 100% làng nghề mới được công nhận đáp ứng đầy đủ các điều kiện về bảo vệ môi trường; hoàn thành việc phân loại các hộ, cơ sở sản xuất trong làng nghề theo loại hình sản xuất và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

100% các cụm tiểu thủ công nghiệp, làng nghề tuân thủ đầy đủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường. 100% số làng nghề truyền thống, 50% số làng nghề thuộc nhóm A, 20% đến 30% số làng nghề thuộc nhóm B và nhóm C được đầu tư về quản lý và xử lý môi trường đạt quy chuẩn môi trường cho phép./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục