Syria có thể bị IAEA "thanh sát đặc biệt"

Ngày 26/2, các nước chủ trương không phổ biến vũ khí hạt nhân đã thúc giục Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tìm kiếm một quy chế "thanh sát đặc biệt" mang tính bắt buộc và chưa từng áp dụng đối với Syria, sau khi nước này không tự nguyện cho phép các thanh sát viên quốc tế tiếp cận những cơ sở bị nghi là lò phản ứng hạt nhân.

Ngày 26/2, các nước chủ trương không phổ biến vũ khí hạt nhân đã thúc giục Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tìm kiếm một quy chế "thanh sát đặc biệt" mang tính bắt buộc và chưa từng áp dụng đối với Syria, sau khi nước này không tự nguyện cho phép các thanh sát viên quốc tế tiếp cận những cơ sở bị nghi là lò phản ứng hạt nhân.

Lời kêu gọi trên được đưa ra vài ngày trước khi diễn ra cuộc họp của IAEA vào tuần tới, với chủ đề chính là vấn đề hạt nhân của Syria, sau khi có bằng chứng mới được cung cấp từ cuộc điều tra của IAEA tại Al-Kibar, một địa điểm của Syria bị Mỹ tình nghi là lò phản ứng hạt nhân bí mật.

Theo báo cáo của IAEA đưa ra tuần trước, những mảnh urani tìm thấy trong mẫu đất lấy tại địa điểm mà Syria cho phép thanh sát hồi tháng 6 năm ngoái là một bằng chứng quan trọng. Các bức ảnh chụp từ vệ tinh cũng cho thấy một công trình tương tự như một lò phản ứng hạt nhân.

Ngoài ra, các thanh sát viên IAEA lần đầu tiên còn tìm thấy tại nơi này một số mảnh than chì, thành phần chủ yếu trong lõi của các lò phản ứng hạt nhân.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn quá sớm để kết luận liệu những mảnh than chì này có liên quan đến chương trình hạt nhân của Syria hay không.

Theo các chuyên gia, qui chế thanh sát đặc biệt sẽ cho phép các nhân viên của IAEA quyền được đến bất kỳ vị trí nào tại những nước thành viên, thậm chí bên ngoài cả những nhà máy hạt nhân.

Trong trường hợp đề nghị "thanh sát đặc biệt" của IAEA không được Syria chấp nhận, Ban Giám đốc của 35 nước thành viên IAEA, tại cuộc họp sắp tới sẽ đưa ra những bằng chứng khẳng định Syria không tuân thủ hiệp ước về an toàn hạt nhân.

Cho đến nay, Syria vẫn khẳng định tất cả những mảnh urani mà các thanh sát viên IAEA tìm được ở Al-Kibar là tàn dư của những tên lửa mà Israel đã bắn vào căn cứ này trong các vụ pháo kích tháng 9/2007.

Damas cũng cho rằng phân tích của IAEA kết luận những mảnh urani không giống với loại dùng để chế tạo tên lửa là sai.

Hiện Damas vẫn từ chối các yêu cầu của IAEA cung cấp những tài liệu chứng minh rằng nước này không có hoạt động hạt nhân bí mật, hoặc cho phép các thanh sát Liên hợp quốc tiếp cận các căn cứ quân sự của Syria./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục