Tài nguyên vùng bờ biển vẫn bị chia cắt sử dụng theo ngành

Vùng bờ biển là hệ thống tài nguyên “đa dụng” và chứa đựng yếu tố xuyên ranh giới, nhưng vẫn bị chia cắt sử dụng theo ngành, bỏ qua lợi ích dài hạn.
Tài nguyên vùng bờ biển vẫn bị chia cắt sử dụng theo ngành ảnh 1(Ảnh minh họa: Tràng Dương/TTXVN)

Ngày 17/10, tại thành phố Đà Nẵng, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế thông qua Sáng kiến Rừng ngập mặn cho tương lai phối hợp với Quỹ Hanns Seidel tổ chức hội thảo tham vấn về quản lý tổng hợp lưu vực sông và vùng bờ biển - cách tiếp cận “Từ đầu nguồn tới biển” cho lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn.

Các đại biểu tham dự hội thảo được giới thiệu cách tiếp cận "Quản lý lưu vực sông và vùng bờ biển dựa trên cách tiếp cận đầu nguồn tới rạng san hô”; Thực trạng và quản lý lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn; Thực trạng và các vấn đề quản lý vùng bờ biển Đà Nẵng, Quảng Nam...

Hội thảo cũng đã dành nhiều thời gian để thảo luận theo nhóm với các chuyên đề Quản lý tổng hợp lưu vực sông và quản lý vùng bờ biển; thảo luận chung về các giải pháp chính sách về quản lý tổng hợp lưu vực sông và vùng bờ biển...

Hội thảo là cơ hội để các sở, ngành, Viện nghiên cứu, Khu dự trữ sinh quyển, Khu bảo tồn, Công ty thủy điện và các bên liên quan thảo luận về thực trạng phát triển và quản lý tài nguyên nước trong lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn và các rào cản đối với phát triển bền vững lưu vực sông trong mối quan hệ với vùng bờ biển Đà Nẵng-Quảng Nam. Đồng thời nhìn nhận và phân tích các mâu thuẫn chủ yếu trong việc khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên trong lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn và vùng bờ biển Đà Nẵng-Quảng Nam.

Trên cơ sở đó, hội thảo đã đưa ra những khuyến nghị giải quyết các vấn đề xuyên lưu vực (từ đầu nguồn đến vùng bờ và biển) cho tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng và soạn thảo một tóm tắt chính sách về quản lý tổng hợp tài nguyên nước lưu vực sông gắn với quản lý tổng hợp vùng bờ biển Đà Nẵng-Quảng Nam.

Liên quan đến việc khai thác, sử dụng và quản lý vùng bờ biển Quảng Nam-Đà Nẵng, mặc dù đã có những nỗ lực để trở thành “điểm sáng” trong phát triển chuỗi đô thị miền Trung trong tương lai nhưng theo phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Chu Hồi, giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội, vùng bờ biển là hệ thống tài nguyên “đa dụng” và chứa đựng yếu tố xuyên ranh giới.

Tuy nhiên, phương thức sử dụng và quản lý các hệ thống tài nguyên này vẫn bị chia cắt theo ngành, vẫn bỏ qua lợi ích dài hạn. Mâu thuẫn lợi ích trong khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng bờ biển, cũng như tranh chấp không gian vùng bờ trong quá trình phát triển ở hai địa phương có chiều hướng gia tăng, trong khi vấn đề thể chế và cơ chế chính sách quản lý vùng bờ còn nhiều bất cập.

Về giải pháp quản lý, phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Chu Hồi cho rằng các địa phương vẫn áp dụng công cụ quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội truyền thống đối với vùng bờ nên chưa kết nối được quy hoạch sử dụng đất và sử dụng biển trong phạm vi vùng này dựa trên một khuôn khổ phát triển toàn diện, đặc biệt không tính đến và lồng ghép vào quy hoạch vùng bờ các tác động xấu từ trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn.

Ở Việt Nam, quản lý tài nguyên nước không được thực hiện ở cấp lưu vực, dẫn đến mâu thuẫn giữa các ngành, lĩnh vực và giữa người sử dụng nước ở thượng nguồn và hạ nguồn về quyền sở hữu, ưu tiên.

Tiến sỹ Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Tư vấn phát triển tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu cũng chia sẻ chức năng sống của một lưu vực sông cần được nhìn toàn diện và rõ ràng khi phát triển lưu vực sông từ đầu nguồn đến vùng bờ biển.

Tài nguyên nước của một con sông là tài sản, là nguồn sống của tất cả cộng đồng sống trên lưu vực và không thuộc quyền sở hữu hoặc ưu tiên cho bất cứ lợi ích của ngành dùng nước đơn lẻ nào.

Ông nhấn mạnh thêm trở ngại cho phát triển kinh tế-xã hội của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam không đến từ bản thân lưu vực Vu Gia-Thu Bồn. Sự phát triển thiếu bền vững mới chính là yếu tố làm suy giảm chức năng duy trì và sự sống của lưu vực.

Những năm qua, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế Việt Nam thông qua Sáng kiến Rừng ngập mặn cho tương lai phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam đã giới thiệu và áp dụng một số giải pháp theo cách tiếp cận dựa vào hệ sinh thái và tăng cường sức chống chịu của vùng ven biển nhằm giải quyết các thách thức về môi trường do tác động của phát triển và biến đổi khí hậu.

Một số hoạt động được thực hiện trong thời gian qua bao gồm các dự án nhỏ về phục hồi hệ sinh thái rạn san hô, phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, xây dựng không gian xanh - công viên ven biển tại thành phố Hội An, xử lý nước thải bằng công nghệ sạch và trồng rừng ngập mặn tại khu vực Cẩm Thanh…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục