Tăng cường phối hợp phòng chống dịch cúm gia cầm lây sang người

Bộ Y tế nhấn mạnh thời gian tới do điều kiện thời tiết thuận lợi cho virus cúm phát triển và lây lan và sự giao lưu đi lại qua biên giới rất lớn nên nguy cơ dịch cúm xâm nhập, lây lan rất cao.
Tăng cường phối hợp phòng chống dịch cúm gia cầm lây sang người ảnh 1Nhân viên Thú y tiêm vắcxin phòng cúm gia cầm. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Theo Bộ Y tế ngày 11/11, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết tình hình dịch bệnh cúm A (H5N1), A (H5N6), A (H7N9) vẫn liên tục ghi nhận tại Trung Quốc, Lào, Campuchia.

Từ đầu năm đến nay, tại Trung Quốc đã ghi nhận 4 trường hợp mắc cúm A (H5N6), 5 trường hợp mắc cúm A (H5N1) và 2 trường hợp mắc cúm A (H7N9). Năm 2015, Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nhiễm cúm A (H5N1), A (H5N6), A (H7N9) trên người, tuy nhiên đã ghi nhận một số ổ dịch cúm A (H5N1), A (H5N6) trên đàn gia cầm tại một số tỉnh.

Bộ Y tế nhấn mạnh thời gian tới do điều kiện thời tiết, khí hậu thuận lợi cho virus cúm phát triển và lây lan; đồng thời sự giao lưu đi lại, làm ăn, buôn bán qua biên giới rất lớn cùng với nhu cầu sử dụng gia cầm, sản phẩm gia cầm tăng mạnh nên nguy cơ dịch cúm xâm nhập, lây lan rất cao.

Để chủ động phòng, chống lây nhiễm cúm từ gia cầm lây sang người, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tăng cường giám sát, điều tra phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch cúm trên gia cầm; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thực hiện ngăn chặn nhập lậu qua biên giới, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển và buôn bán gia cầm, các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; thông báo kịp thời tình hình dịch cúm gia cầm cho ngành y tế để phối hợp giám sát, phát hiện sớm không để lây lan sang người.

Các địa phương chỉ đạo Sở Y tế tăng cường giám sát và lấy mẫu bệnh phẩm từ các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính nặng, viêm phổi nặng do vi rút, đặc biệt các trường hợp có tiền sử tiếp xúc với gia cầm bị bệnh để phát hiện sớm các chủng virus cúm độc lực cao; đồng thời triển khai kịp thời các biện pháp cách ly, điều trị và các biện pháp phòng chống dịch.

Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng chống dịch bệnh cúm, vận động người dân hạn chế tiếp xúc với gia cầm ốm, chết và chất thải từ gia cầm; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, chỉ ăn thịt gia cầm, các sản phẩm gia cầm đã được nấu chín kỹ, không sử dụng gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi có các biểu hiện hoặc dấu hiệu của bệnh cúm cần đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị.

Sở Công thương phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Cục Hải quan, Sở Công an, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh tăng cường công tác quản lý thị trường, ngăn chặn và thực hiện bắt giữ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới; xử lý nghiêm các hộ kinh doanh trái phép, không để hiện tượng buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường, đặc biệt tại các chợ đầu mối.

Bộ Y tế tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố để chỉ đạo triển khai các biện pháp cần thiết phòng chống hiệu quả đối với các chủng cúm gia cầm lây sang người./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục