Theo các nguồn thạo tin, Tập đoàn SoftBank của Nhật Bản đã chuẩn bị một kế hoạch tài chính nhằm quyền kiểm soát WeWork, trong bối cảnh startup về chia sẻ văn phòng này đang thực sự “khát” vốn.
Kế hoạch trên sẽ giúp SoftBank, dưới sự kiểm soát của tỷ phú Masayoshi Son, có được hơn 50% cổ phần của WeWork và hạn chế hơn nữa tầm ảnh hưởng của Giám đốc điều hành (CEO) đồng thời là người đồng sáng lập Adam Neumann.
Ông Neumann đã từ chức CEO của WeWork hồi tháng Chín trước những lùm xùm liên quan đến WeWork cũng như các vấn đề cá nhân. Startup này cũng hủy bỏ cả kế hoạch phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO0 của mình.
Các nguồn tin cho biết thêm, WeWork cũng đang cân nhắc một phương án khác để giải quyết nhu cầu tài chính ngắn hạn.
[Nhà đồng sáng lập WeWork bị loại ra khỏi danh sách tỷ phú của Forbes]
Cụ thể, như thông tin đã được đăng tải trước đó trên tờ Wall Street Journal, WeWork đã yêu cầu tổ chức một vòng gọi vốn vay để huy động tới 5 tỷ USD từ các nhà đầu tư khác. Một nguồn thạo tin cho hay WeWork đang cân nhắc để đưa ra phương án tốt nhất trong hai phương án nói trên.
SoftBank có thể cũng sẽ tham gia vào vòng gọi vốn do JPMorgan tổ chức. Hiện nắm giữ khoảng 29% cổ phần của We Company, SoftBank cũng có thể mua lại cổ phần không do ông Neumann nắm giữ.
We Company hiện được định giá ở mức 10 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với con số 47 tỷ USD chỉ vài tháng trước.
Còn theo nhiều nguồn tin, WeWork cần huy động được ít nhất 3 tỷ USD để trang trải nhu cầu vốn cho đến hết năm nay. Các cơ quan xếp hạng tín nhiệm đã hạ mức tín nhiệm nợ của WeWork xuống mức “rác” do tình trạng thiếu hụt tiền mặt.
Startup này đã ghi nhận khoản lỗ 1,9 tỷ USD trong năm 2018. Được thành lập năm 2010 với trụ sở ở New York, WeWork tự nhận mình là người đi đầu trong cách mạng thị trường bất động sản thương mại bằng việc cung cấp các không gian văn phòng chung, linh hoạt, và đã hoạt động ở 111 thành phố tại 29 quốc gia./.