Tập trung giải quyết tình trạng quá tải ở các bệnh viện phía Nam

Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện tuyến cuối và đầu ngành tập trung đẩy mạnh thực hiện đề án bệnh viện vệ tinh 1816 và luân phiên cán bộ nhằm hạn chế tình trạng quá tải ở các bệnh viện.
Tập trung giải quyết tình trạng quá tải ở các bệnh viện phía Nam ảnh 1Dòng người chờ xếp hàng khám chữa bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Thành phố Hồ Chí Minh sáng 7/7. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Đề án bệnh viện vệ tinh 1816, luân phiên cán bộ trong ngành y tế là những giải pháp lâu dài nhằm hạn chế tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến cuối sẽ được Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện tuyến cuối và chuyên khoa đầu ngành đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới.

Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết sau khi thực hiện khảo sát vấn đề giảm tải bệnh viện tại ba bệnh viện (Chợ Rẫy, Thống Nhất và Y dược Thành phố Hồ Chí Minh) trực thuộc Bộ Y tế đóng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ngày 7/7.

Bệnh viện Chợ Rẫy là bệnh viện hạng đặc biệt, trực thuộc Bộ Y tế, đảm nhận công tác khám chữa bệnh cao nhất của Bộ Y tế tại khu vực phía Nam. Đây là một trong những bệnh viện có tỷ lệ quá tải cao nhất nước hiện nay với tỷ lệ lên đến 134%, người bệnh điều trị nội trú phải nằm ngoài hành lang vì không đủ giường.

Theo thiết kế, bệnh viện chỉ có thể đáp ứng 1.800 giường nhưng hiện tại đã phải tăng lên 2.400 giường. Mỗi ngày có khoảng 4.000 lượt bệnh nhân đến khám, trong đó 30% là bệnh nhân vượt tuyến bảo hiểm y tế.

Ngoài ra, mỗi ngày Bệnh viện Chợ Rẫy phẫu thuật hẹn trước cho 100 bệnh nhân, phẫu thuật cấp cứu cho 50 bệnh nhân. Số phòng mổ không đáp ứng kịp số lượng bệnh nhân.

Để giải quyết tình trạng quá tải, bệnh viện đã phải tăng số bàn khám, các khoa điều trị nội trú của bệnh viện đều tận dụng khu vực hành lang để kê thêm giường, băng ca nhằm giảm tình trạng bệnh nhân nằm ghép.

Trong khi đó, Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh là mô hình Viện-trường lớn nhất cả nước. Trung bình, bệnh viện tiếp nhận khám ngoại trú cho khoảng 5.500 lượt bệnh nhân/ngày vào đầu tuần và 4.800-5.000 lượt/ngày vào cuối tuần. Trong đó, tỷ lệ bệnh nhân thanh toán thẻ bảo hiểm y tế chỉ chiếm khoảng 20%.

Sau khi đưa vào sử dụng cơ sở mới khang trang hơn, bệnh viện đã nâng số bàn khám từ 41 bàn lên 68 bàn khám, không gian chờ đời khám bệnh của bệnh nhân cũng được mở rộng.

Bệnh viện cũng đã triển khai một số giải pháp giảm tải ở khoa khám bệnh như ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, xây dựng bệnh án điện tử, xây dựng hệ thống chuyển mẫu tự động, sử dụng thẻ khám bệnh có mã vạch, thư ký y khoa.

Tuy không xảy ra tình trạng quá tải như Bệnh viện Chợ Rẫy, song tại đây số lượng bệnh nhân các tỉnh, thành khu vực phía Nam đổ về khám ngoại trú khá đông, chiếm đến 80%.

Đánh giá tình hình quá tải tại hai bệnh viện trên, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho rằng, người dân khi có bệnh tin tưởng chất lượng khám chữa bệnh của bệnh viện nên mới vượt tuyến. Tuy nhiên, có tới 40% ca khám bệnh có thể xử lý ngay tại các cơ sở y tế tuyến dưới. Với tình hình bệnh nhân vượt tuyến như hiện nay, nếu không thực hiện phân tuyến, phân luồng tốt thì các bệnh viện tuyến trên sẽ luôn trong tình trạng quá tải.

Sau khi đi kiểm tra việc thực hiện giảm tải của các bệnh viện, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, các bệnh viện này đã thực hiện tốt các giải pháp cải tiến quy trình và thủ tục trong khám bệnh, rút ngắn thời gian chờ, tránh gây phiền hà và tăng sự hài lòng của người bệnh, đặc biệt đối với người bệnh bảo hiểm y tế khi đến khám tại bệnh viện.

Tuy nhiên, tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến cuối và chuyên khoa đầu ngành ở khu phía Nam hiện vẫn khá căng thẳng. Trong thời gian, tới bên cạnh việc tập trung nâng cao chất lượng y tế tuyến dưới thông qua các đề án vệ tinh, 1816, Bộ Y tế chủ trương đưa thương hiệu tuyến trên về tuyến dưới bằng cách cử bác sỹ tuyến trên luân phiên thường xuyên ở các phòng khám của bệnh viện tuyến dưới.

Bộ Y tế cũng đồng thời yêu cầu các bệnh viện tuyến trên đánh giá bệnh nhân chuyển tuyến, vượt tuyến xem những trường hợp nào chuyển hợp lý, những trường hợp nào không cần thiết để phản hồi lại cho y tế tuyến dưới.

Các bệnh viện cũng cần ra soát lại hồ sơ bệnh nhân chuyển tuyến để thành lập các khoa, phòng khám vệ tinh tại tỉnh, thành có số lượng bệnh nhân tới khám ngoại trú đông. Tại đây, các bác sỹ có chuyên môn giỏi sẽ thực hiện luân phiên tới bệnh viện vệ tinh chỉ vài ngày, nhưng sẽ đảm bảo bàn khám lúc nào cũng có bác sỹ khám chữa bệnh tại bệnh viện vệ tinh.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị các bệnh viện chuẩn bị nguồn nhân lực tốt để thực hiện hiệu quả đề án vệ tinh 1816 và luân phiên cán bộ y tế.

Bộ Y tế cũng cho biết, trong thời gian tới sẽ tập trung nguồn lực, đặc biệt là vốn đầu tư để giải quyết tình trạng quá tải ở các bệnh viện trực thuộc Bộ khu vực phía Nam.

Trừ các ca cấp cứu, đối với các ca mổ, bệnh viện cần thực hiện tất cả các thủ thuật xét nghiệm trong một ngày, rồi hẹn bệnh nhân thời gian mổ để hạn chế tình trạng nằm viện chờ mổ cũng như tiết kiệm chi phí cho bệnh nhân.

Giai đoạn hậu phẫu, bệnh viện có thể phối hợp với các bệnh viện tư nhân, bệnh viện tuyến dưới hỗ trợ giảm tải theo một cơ chế phối hợp thỏa thuận giữa hai bên và có sự đồng ý của bệnh nhân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục