Tây Ban Nha lo ngại về lập trường cứng rắn của Mỹ với Cuba

Tây Ban Nha lo ngại trước khả năng Washington kích hoạt toàn phần Đề mục III của Luật Helms-Burton sẽ gây những tác hại đối với các doanh nghiệp Tây Ban Nha và châu Âu.
Tây Ban Nha lo ngại về lập trường cứng rắn của Mỹ với Cuba ảnh 1Ngoại trưởng Tây Ban Nha Josep Borrell. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 3/4, Ngoại trưởng Tây Ban Nha Josep Borrell đã bày tỏ sự lo ngại của nước này và của Liên minh châu Âu (EU) nói chung trước động thái của Mỹ siết chặt bao vây cấm vận chống Cuba.

Thông cáo chính thức của Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha cho biết, trong cuộc gặp tại Washington với Cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng John Bolton, ông Borrell đã nhấn mạnh Madrid lo ngại trước khả năng Washington kích hoạt toàn phần Đề mục III của Luật Helms-Burton.

Ban hành năm 1996, Luật Helms-Burton là một trong những nền tảng pháp lý cho cuộc bao vây cấm vận của Mỹ chống Cuba, trong đó Đề mục III cho phép các công dân Cuba có tài sản bị chính quyền cách mạng quốc hữu hóa, sau khi nhập quốc tịch Mỹ được quyền khởi kiện tại các tòa án Mỹ đòi các doanh nghiệp của Cuba hay nước ngoài, phải bồi thường nếu sử dụng các tài sản bị tịch biên đó qua những thỏa thuận với chính phủ Cuba.

[Hạ nghị sỹ Mỹ khẳng định ủng hộ cải thiện quan hệ với Cuba]

Dù vậy, kể từ khi Luật Helms-Burton ra đời, tất cả các tổng thống Mỹ mỗi khi ký gia hạn điều luật này, đều miễn áp dụng Đề mục III theo thời hạn 6 tháng một.

Tuy nhiên, ngày 17/1 vừa qua, Tổng thống Donald Trump chỉ ký miễn áp dụng đề mục này trong thời hạn 45 ngày và tới ngày 4/3 áp dụng 1 phần và chỉ hoãn thi hành thêm 30 ngày nữa.

Ông Borrell đã bày tỏ sự không hài lòng trước những tác hại mà biện pháp này sẽ gây ra cho các doanh nghiệp Tây Ban Nha và châu Âu, cũng như cho quan hệ song phương giữa các nước đồng minh, đồng thời nhắc lại thỏa thuận giữa Mỹ và EU năm 1998 về việc miễn áp dụng Đề mục III theo chu kỳ 6 tháng/lần.

Ngoại trưởng Tây Ban Nha cũng tái khẳng định nguyên tắc phản đối việc áp dụng các luật mang tính trừng phạt của một quốc gia ở phạm vi ngoài lãnh thổ nước đó, coi điều này là đi ngược lại với luật pháp quốc tế.

Thông cáo trên cho biết, Ngoại trưởng Borrell cũng đã bày tỏ thông điệp tương tự đối với người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo và nghị sỹ thuộc cả 2 viện của Mỹ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục