Theo TTXVN/ Reuters/ AP, truyền thông nhà nước Triều Tiên (KCNA) cho biết nước này đã phóng một tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm (SLBM), động thái mà các nhà phân tích cho là có thể nhằm đẩy nhanh việc triển khai tàu ngầm mang theo tên lửa.
Thông báo từ KCNA được đưa ra một ngày sau khi quân đội Hàn Quốc nói rằng họ có bằng chứng xác nhận Triều Tiên đã phóng SLBM ở ngoài khơi bờ biển phía Đông, hành động mới nhất trong loạt thử nghiệm tên lửa của nước này.
Tờ The Korea Times (Thời báo Hàn Quốc) dẫn thông báo từ Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết Triều Tiên đã phóng SLBM từ Sinpo, tỉnh Nam Hamgyong, vào lúc 10h17’ sáng 19/10 (giờ địa phương).
Bất an trong khu vực
Hội đồng An ninh quốc gia Hàn Quốc tiến hành họp khẩn ngay sau thông báo của JCS, đồng thời bày tỏ "vô cùng đáng tiếc" về vụ việc, lưu ý rằng Triều Tiên đã phóng tên lửa "bất chấp các cuộc thảo luận đang diễn ra" giữa các bên liên quan (Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga) và các nước láng giềng khác về tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Người phát ngôn Nhà Xanh sau đó tuyên bố: “Các thành viên của Hội đồng An ninh quốc gia một lần nữa nhấn mạnh tính cấp thiết của việc ổn định tình hình trên bán đảo Triều Tiên đồng thời thúc giục Triều Tiên quay trở lại đàm phán.”
Quân đội Hàn Quốc không thông tin chi tiết song có nhiều nguồn cho rằng tên lửa đã bay trong khoảng 430-450km ở độ cao 60km. Trong khi đó, nhiều nguồn tin quốc phòng Hàn Quốc nhận định quân đội Triều Tiên đã phóng tên lửa từ một bệ nổi hoặc một sà lan chìm, song cũng không loại trừ khả năng được phóng từ một tàu ngầm.
[Hội đồng Bảo an họp khẩn cấp về việc Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo]
Giáo sư Kim Dong-yup, làm việc tại Đại học Nghiên cứu về Triều Tiên nói: "Có hai khả năng xảy ra. Trước hết Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo Pukguksong-3 từ một tàu ngầm mà nước này đã đưa vào thử nghiệm từ tháng 10/2019. Kịch bản thứ hai, mà tôi nghĩ có nhiều khả năng hơn, là vụ phóng thử tên lửa Pukguksong-4 hoặc Pukguksong-5 được thực hiện thử nghiệm từ một sà lan. Hai loại tên lửa này cũng đã được Bình Nhưỡng tiết lộ tại cuộc duyệt binh gần đây nhằm thể hiện những thành tựu quân sự để bù đắp nhiều khó khăn kinh tế bắt nguồn từ đại dịch COVID-19 và các lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế."
Phía Mỹ cũng lên tiếng chỉ trích Triều Tiên về vụ phóng tên lửa. Tuyên bố của Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có đoạn: "Quân đội Mỹ coi vụ phóng tên lửa của Triều Tiên ngày 19/10 là hành động gây mất ổn định, song đó không phải là mối đe dọa tức thì đối với Mỹ hoặc các đồng minh."
Quân đội Nhật Bản cho biết phân tích ban đầu cho rằng Triều Tiên đã phóng đi 2 tên lửa đạn đạo. Thủ tướng Fumio Kishida nói rằng các quan chức đang xác thực xem có đúng các tên lửa này được phóng từ tàu ngầm hay không.
Ông Kishida đã phải gián đoạn chuyến đi vận động tranh cử trước cuộc bầu cử lập pháp Nhật Bản vào cuối tháng này và quay trở lại Tokyo vì vụ việc liên quan đến Triều Tiên.
Ông đã yêu cầu chính phủ sửa đổi chiến lược an ninh quốc gia để thích ứng với các mối đe dọa ngày càng tăng từ Triều Tiên, bao gồm cả việc phát triển khả năng tấn công phủ đầu các mục tiêu quân sự của Bình Nhưỡng.
Phó chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihiko Isozaki cho biết Tokyo đã phản đối gay gắt vụ phóng của Triều Tiên thông qua các kênh thông thường - cụ thể là qua Đại sứ quán Nhật Bản ở Bắc Kinh. Nhật Bản và Triều Tiên không có quan hệ ngoại giao chính thức.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nhấn mạnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã ở một giai đoạn quan trọng và kêu gọi tìm kiếm cam kết mới hướng đến giải pháp ngoại giao về vấn đề này.
Một chặng đường dài
Theo KCNA, tên lửa đạn đạo “mới” được phóng từ cùng tàu ngầm tham gia vụ phóng năm 2016. Reuters cho biết Triều Tiên sở hữu hạm đội tàu ngầm khá cũ kỹ và chưa thể triển khai các tàu ngầm tên lửa đạn đạo khác ngoài tàu lớp Gorae thường dùng trong các cuộc thử nghiệm.
Các bức ảnh do KCNA công bố cho thấy thiết bị được phóng có vẻ mỏng hơn, nhỏ hơn so với các thiết kế tên lửa đạn đạo trước đó của Triều Tiên và có thể là một mô hình lần đầu tiên được trưng bày tại triển lãm quốc phòng ở Bình Nhưỡng vào tuần trước.
Tên lửa đạn đạo nhỏ hơn đồng nghĩa với việc chứa được nhiều tên lửa này hơn trên tàu ngầm, dù tầm hoạt động của chúng có thể ngắn hơn. Tuy nhiên có khả năng một Triều Tiên trang bị vũ khí hạt nhân đang tiến gần hơn tới việc khởi động một chiến dịch tàu ngầm tên lửa đạn đạo (SSB).
Joseph Dempsey, nhà nghiên cứu quốc phòng tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, viết trên Twitter: “Dù một thiết kế SLBM nhỏ hơn của Triều Tiên có thể cho phép họ mang theo nhiều tên lửa hơn trên mỗi tàu ngầm, thiết kế này cũng có thể giúp tháo gỡ nhiều thách thức đối với SSB, chẳng hạn như có thể tích hợp hoặc chuyển đổi dễ dàng hơn từ các tàu ngầm đã có từ trước.”
Tuy nhiên, những phát triển sẽ chỉ có một số tác động mang tính giới hạn đến kho vũ khí của Bình Nhưỡng cho đến khi nước này đạt được nhiều tiến bộ hơn trong dự án tàu ngầm lớn mà nước này đang xây dựng.
Dave Schmerler, nhà nghiên cứu cấp cao làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin tại California bình luận: “Có vẻ như họ đang cố gắng đa dạng hóa các lựa chọn về tàu ngầm của mình… Đây là một tiến triển đáng lưu ý, song với thực tế chỉ có một tàu ngầm hoạt động trên biển và chỉ phóng được 1 hoặc 2 tên lửa, điều này không có ý nghĩa nhiều.”
Theo tuyên bố từ KCNA, tên lửa đạn đạo mới được trang bị các công nghệ dẫn đường điều hướng tân tiến, như “cánh cơ động và đầu đạn trượt qua.” KCNA nhấn mạnh: “(SLBM) sẽ đóng góp đáng kể, đưa công nghệ quốc phòng lên tầm cao mới và nâng cao năng lực vận hành dưới nước của hải quân.”
Ông Schmerler cho rằng không rõ KCNA nhắc đến “cánh cơ động” nghĩa là gì song cụm từ “trượt qua” có thể là cách để thay đổi hướng của tên lửa nhằm giúp khó phát hiện và đánh chặn hơn.
Trong nhiều năm, Triều Tiên đã nỗ lực để sở hữu và phát triển thành công SLBM, mảnh ghép quan trọng tiếp theo trong kho vũ khí của Kim Jong-un, bao gồm một loạt tên lửa di động và ICBM với tầm bắn có khả năng tiếp cận các mục tiêu trên đất Mỹ.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng sẽ mất nhiều năm, nguồn lực lớn và những cải tiến công nghệ mạnh mẽ để quốc gia bị trừng phạt nặng nề này có thể chế tạo ít nhất một số tàu ngầm có thể di chuyển kín đáo và thực hiện các cuộc tấn công khả thi./.