Thả tro nhang xuống sông Hồng: Việc tâm linh vô tình thành điều ác!

Sau ngày cung tiến ông Táo lên trời, một khúc sông Hồng tại khu vực gần cầu Chương Dương đã tràn ngập tàn tro, bàn thờ, trông chẳng khác gì cái rãnh nước đen ngòm, ô nhiễm.
Thả tro nhang xuống sông Hồng: Việc tâm linh vô tình thành điều ác! ảnh 1Một đoạn sông Hồng bị ô nhiễm sau ngày cung tiến ông Táo. (Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng)

Trong ngày cung tiễn ông Táo về trời, rất đông người dân Hà Nội theo thói quen đã kéo đến các sông, hồ phóng sinh cá chép, đốt chân nhang, thả tàn tro, bát hương, thậm chí cả bàn thờ xuống sông để cầu mong may mắn.

Nhiều người cho rằng việc làm tâm linh phải thế cho “các cụ mát mẻ,” thế nhưng sau một ngày phóng sinh, một khúc sông Hồng (đang mùa cạn) đã tràn ngập tàn tro, chẳng khác gì cái rãnh nước đen ngòm, khiến ông Táo nghẹt thở vì ô nhiễm.

Chung tay “bức tử” sông hồ

Gần 11 giờ trưa 23 tháng Chạp, rất đông người dân ở các quận Hoàn Kiếm, Long Biên đã có mặt tại khu vực cầu Chương Dương phóng sinh cá chép vàng xuống sông Hồng, với ý nghĩa để cung tiễn ông Táo về trời.

Tuy nhiên, để thả cá vừa mang ý nghĩa tâm linh và vừa bảo vệ môi trường, không phải ai cũng có ý thức đầy đủ. Thậm chí, nhiều người còn phóng sinh gây ô nhiễm, gây phản cảm, làm mất nét đẹp truyền thống.

Tại khu vực cầu Chương Dương, từ trên cầu, nhiều người cầm túi nilon, chậu, xô đựng cá chép đã đổ thẳng nước và cá xuống dòng sông, có người còn vứt luôn túi nilon, đổ cả tro, tàn nhang, chân hương và thậm chí cả bàn thờ cũ.

Việc đổ tro, tàn nhang, chân hương và bàn thờ từ trên cầu xuống dòng sông đã khiến tro bụi theo gió bay mù mịt. Phía dưới, một khúc sông Hồng lềnh bềnh tàn tro, bàn thờ, hoa cúc vùng, túi nilon, chẳng khác gì cái rãnh nước đen ngòm.

[Phóng sinh vào dịp Tết làm sao cho đúng để gặp nhiều may mắn]

Không những thế, nhiều người còn mang đồ lễ vàng mã cúng ông Công ông Táo ra đốt ngay tại bờ sông, gần sát chân cầu. Khói đen do đốt vàng mã kèm với túi ni-lon bay nghi ngút.

Sau khi đốt vàng mã, người dân tiếp tục bốc, đổ tro tàn xuống sông khiến nguồn nước càng thêm phần ô nhiễm.

Chia sẻ với phóng viên về việc làm trên, một người dân giãi bày: “Việc làm này không phải do ý thức người dân kém, mà đó là vấn đề về tâm linh. Cả năm hương khói rồi, cuối năm cũng nên thả xuống sông để cho bát hương được mát mẻ chứ.”

Có lẽ cũng vì lý do đó, nên tại khu vực cầu Long Biên, mặc dù hàng chục bạn trẻ thuộc nhóm tình nguyện viên “Thả cá, đừng thả túi nilon” đã có mặt từ sáng sớm để giúp người dân thả cá, tro, xuống sông Hồng bằng cách “đu dây.” Thế nhưng, nhiều người dân vẫn muốn tự làm việc tâm linh bằng chính đôi bàn tay của mình.

Không thể phủ nhận việc nhóm tình nguyện viên “Thả cá, đừng thả túi nilon” đã giúp người dân phóng sinh, làm việc tâm linh có ý thức và thân thiện với môi trường hơn, nhưng bằng cách này hay cách khác, tàn tro, bàn thờ vẫn được đổ xuống dòng sông, vô tình gây ô nhiễm nguồn nước.

Thả tro nhang xuống sông Hồng: Việc tâm linh vô tình thành điều ác! ảnh 2Nhiều bạn trẻ tham gia thu dọn túi nilon sau khi người dân phóng sinh tại khu vực cầu Long Biên. (Nguồn ảnh: TTXVN)

“Hồi chuông” cảnh tỉnh

Nhìn nhận thực trạng nêu trên, bà Nguyễn Ngọc Lý - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu môi trường và cộng đồng cho rằng, việc phóng sinh cá rồi thả luôn cả tàn tro, bàn thờ xuống sông, xuống hồ ở đây không thể gọi là việc tâm linh cần phải làm.

“Vấn đề này tôi đã có ý kiến rất nhiều lần rồi. Sau những gì đã xảy ra, tôi cho rằng, người ta đang chung tay bức tử sông hồ. Đây là một thực trạng đáng buồn, nhất là khi việc làm tâm linh vô tình đã trở thành điều ác,” bà Lý nhấn mạnh.

Vị Giám đốc Trung tâm nghiên cứu môi trường và cộng đồng cũng khẳng định, việc sông Hồng bị ô nhiễm nặng sau ngày cúng Táo quân là “hồi chuông” cảnh tỉnh, để thay đổi ý thức và cơ chế xử phạt đối với các hành vi làm bẩn môi trường.

Theo bà Lý, để làm được việc tâm linh mà vẫn đảm bảo được môi trường, trước tiên vẫn cần phải đẩy mạnh tuyên truyền để có sự đồng thuận của cộng đồng. Thứ hai, là phải có sự giám sát của các cơ quan quản lý, cũng như cơ chế xử phạt đối với hành vi vứt các vật khó phân hủy như bàn thờ xuống sông, hồ.

“Tôi cho rằng thay vì vứt bàn thờ, tàn hương xuống sông, người dân có thể đem đốt. Xét cho cùng đây cũng là một thứ rác, và sau khi đốt, tàn tro có thể đổ vào các gốc cây trong nhà, sẽ giúp cho đất tươi tốt hơn,” bà Lý chia sẻ thêm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục