Thách thức của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực với châu Âu

Các thành viên RCEP bao gồm 10 nước ASEAN cùng Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc, chiếm khoảng 1/3 dân số thế giới và 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.
Thách thức của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực với châu Âu ảnh 1(Ảnh: freshplaza.com)

Theo trang mạng của Viện nghiên cứu Trung Quốc Mercator (MERICS), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới này sẽ tác động đáng kể đến chuỗi giá trị toàn cầu và thương mại của châu Âu với Trung Quốc cũng như các nước thành viên khác. Do đó, Liên minh châu Âu (EU) cần bắt kịp và hoàn thành các thỏa thuận trong khu vực.

Các thành viên RCEP bao gồm 10 nước ASEAN cùng Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc, chiếm khoảng 1/3 dân số thế giới và 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.

Trong năm 2020, trung bình mỗi quốc gia thành viên xuất khẩu 48% tổng kim ngạch xuất khẩu của họ đến 14 nước còn lại trong RCEP. Theo MERICS, hiệp định này dường như được thiết lập để thúc đẩy thương mại trong khu vực - đặc biệt với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của mọi thành viên - đồng thời có tác động đáng kể đến chuỗi giá trị toàn cầu và thương mại của châu Âu với châu Á.

"Mạng lưới" FTA của Trung Quốc

Ngay sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cách đây 20 năm, Trung Quốc đã bắt đầu tiến hành đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA). Với việc WTO đang lâm vào khủng hoảng, bị chỉ trích về hoạt động tư pháp và xây dựng luật lệ trên thực tế trong bối cảnh các cuộc đàm phán đa phương bị đình trệ, Trung Quốc - giống như hầu hết các nước khác - đã sử dụng các FTA để thúc đẩy hoạt động và quy định thương mại.

Trung Quốc đã ký 15 FTA song phương và 3 FTA đa phương với 24 quốc gia. Mục đích của nước này là tiếp tục tự do hóa và phát triển cơ chế quản lý của mình. Cho đến năm 2016, Trung Quốc đã sử dụng các FTA để đảm bảo một cách song phương việc các đối tác FTA chấp nhận quy chế kinh tế thị trường của WTO. RCEP bao gồm các yếu tố tương đồng trong các FTA của Trung Quốc - xóa bỏ hoặc cắt giảm thuế quan, điều chỉnh hạn ngạch thương mại, tự do hóa dịch vụ và cải thiện việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

[RCEP được kỳ vọng là 'luồng gió mới' thúc đẩy kinh tế toàn cầu]

Tuy nhiên, có 2 điểm đáng được quan tâm đặc biệt trong RCEP. Thứ nhất, hiệp định này đề ra nguyên tắc "cộng gộp" như một phần của Quy tắc xuất xứ chung (ROO). Điều này sẽ có tác động lớn vì nó cho phép hàng hóa ở một nước thành viên được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất ở một nước thành viên khác, cuối cùng coi nước chế biến thành phẩm là xuất xứ.

RCEP vẫn yêu cầu chứng nhận, kêu gọi xem xét thêm và thực hiện thống nhất ROO trên toàn khu vực để khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng. Tùy thuộc vào việc thực hiện, quy tắc mới có khả năng làm giảm đáng kể chi phí và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của chuỗi giá trị.
Một điểm khác là vấn đề thương mại kỹ thuật số. Phạm vi của lĩnh vực tương đối mới trong các FTA này bao gồm hợp tác, giao dịch không giấy tờ, xác thực điện tử, bảo vệ người tiêu dùng, an ninh mạng... RCEP có những điều khoản thương mại điện tử, thương mại kỹ thuật số và giới hạn mà Trung Quốc sẵn sàng đồng ý.

Trong khi đó, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), không bao gồm Trung Quốc, có nội dung bao quát hơn về các vấn đề như vị trí của máy chủ, việc chuyển giao thông tin xuyên biên giới hoặc giải quyết tranh chấp.

Trung-Nhật-Hàn hưởng lợi lớn từ RCEP

Trong khi tất cả các thành viên RCEP khác đều có mối liên hệ thông qua các FTA trước đây, thì đối với RCEP, đây là một hiệp định lần đầu tiên kết nối Trung Quốc và Nhật Bản cũng như Hàn Quốc và Nhật Bản với nhau. Ba nền kinh tế lớn nhất Đông Á hiện đã ràng buộc lẫn nhau thông qua một hiệp định thương mại và có thể hưởng lợi lớn.

Theo một nghiên cứu của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE), cả ba nước này dự kiến sẽ được hưởng 83% lợi ích từ RCEP.

Mặc dù vậy, RCEP vẫn bị xem là một hiệp định ít thực chất hơn CPTPP. RCEP bị gọi là "hiệp định rập khuôn" vì có nhiều điều khoản dựa trên các hiệp định trước đây của ASEAN với Australia, New Zealand, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Tuy nhiên, RCEP đã mất 9 năm để chính thức có hiệu lực. ASEAN dường như gặp khó khăn trong việc phối hợp các quan điểm thương thuyết chung, các nhà đàm phán Nhật Bản bị cáo buộc là quá tham vọng về tiêu chuẩn và phạm vi quy định, trong khi Ấn Độ rất cảnh giác về việc cạnh tranh với Trung Quốc và cuối cùng đã từ bỏ thỏa thuận. Do đó, phạm vi bao phủ của RCEP rất hạn chế trong một số lĩnh vực như mua sắm của chính phủ, buôn bán nông sản, các tiêu chuẩn lao động và môi trường.

RCEP được một số người kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt tác động “rối như canh hẹ” của các hiệp định thương mại chồng chéo ở châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, RCEP đã bị các thỏa thuận khác giữa chính các thành viên "qua mặt."

Ví dụ, phạm vi quy định và tự do hóa trong các hiệp định đối tác kinh tế giữa Australia với Nhật Bản và CPTPP, trong đó có 7 thành viên RCEP tham gia ký kết, là thực chất hơn nhiều. Các hiệp định chồng chéo làm tăng chi phí giao dịch của các nhà xuất khẩu và nhập khẩu, đồng thời yêu cầu đánh giá cẩn thận từng hiệp định, sự khác biệt về thủ tục chứng nhận phức tạp, tiêu chuẩn và các yêu cầu hành chính khác cũng có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng các hiệp định thương mại.

Nguy cơ "thất thế" của các sản phẩm châu Âu

Các công ty châu Âu sản xuất và gia công nguồn cung trên khắp châu Á có thể được hưởng lợi từ ROO mới, đồng thời cải thiện môi trường cho các chuỗi giá trị. Tuy nhiên, việc giảm chi phí thương mại giữa các thành viên RCEP cũng có thể dẫn đến chuyển hướng thương mại và ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các sản phẩm châu Âu ở châu Á.

Để giảm bớt những thiệt hại có thể xảy ra, EU nên cải thiện hợp tác kinh tế với các thành viên RCEP. EU hiện chỉ có các FTA với Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Việt Nam.

Với khả năng mở rộng CPTPP và một FTA tiềm năng giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, EU nên ký kết các thỏa thuận với Australia và New Zealand, tìm kiếm thỏa thuận với Ấn Độ, Indonesia và các thành viên ASEAN khác hoặc thậm chí tham gia CPTPP. EU nên tạm dừng phê chuẩn Hiệp định toàn diện về đầu tư với Trung Quốc để đẩy nhanh quá trình đàm phán các hiệp định khác.

Bằng cách đó, họ sẽ có lợi hơn nhiều trong việc đạt được mục tiêu cân bằng và đa dạng hóa các mối quan hệ kinh tế với Đông Á và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục