Thảm kịch động đất ở Maroc: Công tác hỗ trợ y tế gặp vô vàn khó khăn

Tại tâm chấn của trận động đất, nơi chăm sóc những người bị thương trong thảm kịch kinh hoàng hiện là một căn lều dựng ở nền đất trống dưới cái nắng chói chang, với chỉ vỏn vẹn khoảng 10 giường.
Thảm kịch động đất ở Maroc: Công tác hỗ trợ y tế gặp vô vàn khó khăn ảnh 1Cảnh đổ nát sau thảm họa động đất ở Moulay, Maroc, ngày 11/9/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày thứ tư kể từ khi xảy ra thảm kịch động đất kinh hoàng tại Vùng núi Atlas của Maroc, các nhân viên cứu trợ, nhân viên y tế đang phải căng mình để cứu chữa cho những người bị thương.

Số thương vong tăng lên hơn 5.000 người

Theo số liệu cập nhật được Bộ Nội vụ Maroc công bố ngày 11/9, số nạn nhân thiệt mạng trong trận động đất mạnh vừa xảy ra ở quốc gia Bắc Phi này đã tăng lên 2.862 người, trong khi 2.562 người khác bị thương.

Hiện lực lượng cứu hộ sở tại cùng các đội cứu hộ nước ngoài đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm những người còn sống sót dưới đống đổ nát.

Tại cộng đồng Talat Nyacoub bị thiên tai tàn phá, 12 xe cứu thương, hàng chục xe của quân đội và cảnh sát đã được triển khai cùng khoảng 100 nhân viên cứu hộ Maroc tìm kiếm dấu hiệu của sự sống dưới những căn nhà đã sập.

[Động đất Maroc: Cuộc chạy đua tìm người sống sót của lực lượng cứu hộ]

Một đội cứu hộ của Tây Ban Nha gồm 30 lính cứu hỏa, 1 bác sỹ, 1 y tá và hai kỹ thuật viên đang phối hợp với lực lượng địa phương chuẩn bị tiến hành đào bới.

Cách đó khoảng 70km về phía Bắc, một đội cứu hộ Tây Ban Nha khác thuộc Đơn vị Quân sự Khẩn cấp (UME) đã dựng trại từ tối 10/9 ở rìa làng Amizmiz để chuẩn bị công tác tìm kiếm cứu nạn. Nhóm cứu hộ này sử dụng 4 chó cứu hộ và 1 camera siêu nhỏ để dò tìm nạn nhân.

Công tác hỗ trợ y tế gặp nhiều khó khăn

Tại thị trấn Amizmiz thuộc tỉnh Al-Haouz - tâm chấn của trận động đất, nơi chăm sóc những người bị thương trong thảm kịch kinh hoàng này hiện là một căn lều dựng ở nền đất trống dưới cái nắng chói chang, với chỉ vỏn vẹn khoảng 10 giường.

Công tác cứu chữa hiện gặp nhiều khó khăn do nguồn lực hạn chế. Những người bị thương vẫn tiếp tục đổ về từ những ngôi làng dưới chân dãy núi Atlas.

Thảm kịch động đất ở Maroc: Công tác hỗ trợ y tế gặp vô vàn khó khăn ảnh 2Lực lượng cứu hộ tìm kiếm nạn nhân mắc kẹt dưới đống đổ nát sau thảm họa động đất tại Amizmiz, Maroc, ngày 11/9/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)

Hoạt động sơ cứu, cấp cứu đều diễn ra dưới căn lều lớn màu xám này do có nhiều lo ngại rằng tòa nhà bệnh viện có thể sập nếu xuất hiện các dư chấn.

Giống như các ngôi làng ven núi khác bị ảnh hưởng của trận động đất có độ lớn 6,8, lở đất đã cản trở việc tiếp cận cơ sở y tế. Hệ thống thông tin liên lạc bị gián đoạn càng gây trở ngại cho công tác cứu trợ.

Bác sỹ Doha Hamidallah cho biết bệnh viện ở Amizmiz là bệnh viện địa phương và có thể cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế cơ bản như sơ cứu, khâu vết thương và băng bó các trường hợp gãy xương. Những ca nghiêm trọng hơn sẽ phải chuyển đến Bệnh viện Đại học Marrakesh cách đó khoảng 50km.

Đội ngũ nhân viên y tế địa phương cùng hàng chục y bác sỹ đến từ nhiều tỉnh/thành trên cả nước đã gồng mình thay phiên nhau phân loại, cấp cứu, sơ cứu cho hàng trăm bệnh nhân.

Tại thị trấn Anougal cũng thuộc tỉnh Al-Haouz, các nhóm cứu hộ đã được thành lập trong thời gian ngắn để tiếp cận những ngôi làng bị cô lập do động đất. Các binh sỹ đã lập một bệnh viện dã chiến lân cận.

Cách đó khoảng 35km về phía Đông, nhà chức trách đang triển khai một phòng khám tạm thời.

Bác sỹ quân y, Đại tá Youssef Qamouss, cho biết hơn 300 bệnh nhân đã được tiếp nhận điều trị. Một bệnh viện dã chiến khác đang được thiết lập tại làng Asni.

Bác sỹ John Johnson thuộc nhóm Bác sỹ Không Biên giới của Pháp cho biết Maroc đảm bảo được các vật tư cơ bản cho việc chăm sóc y tế ban đầu, song vẫn thiếu thuốc giảm đau và thuốc phòng uốn ván để điều trị cho các bệnh nhân chấn thương. Ông cũng lưu ý sẽ cần có các nhân viên y tế hỗ trợ về mặt tinh thần cho người bị thương trong thời gian tới.

Nhiều nước sẵn sàng hỗ trợ

Nhiều quốc gia và tổ chức trên thế giới đã bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Maroc khắc phục hậu quả của thảm họa động đất xảy ra tối 8/9 gây thương vong lớn nhất tại quốc gia này kể từ năm 1960.

Trong tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Liên minh châu Phi (AU) và Ủy ban châu Âu (EC), cùng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Ấn Độ Droupadi Murmu cam kết sẽ “huy động mọi phương diện từ kỹ thuật, tài chính và những sự hỗ trợ liên quan" để giúp đỡ Maroc khắc phục hậu quả thiên tai.

Thảm kịch động đất ở Maroc: Công tác hỗ trợ y tế gặp vô vàn khó khăn ảnh 3Lực lượng cứu hộ phân phát nhu yếu phẩm cứu trợ cho người dân tại khu vực chịu ảnh hưởng của động đất ở Amizmiz, Maroc, ngày 11/9/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)

Hiện một đội lính cứu hỏa tình nguyện của Pháp đã có mặt tại Maroc và Tổng thống Macron khẳng định sẵn sàng hỗ trợ tối đa nếu Maroc đề nghị.

Mỹ tuyên bố “sẵn sàng hỗ trợ đáng kể,” bao gồm việc cử các đội tìm kiếm và cứu hộ tới Maroc và viện trợ tài chính. Phó Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jon Finer nêu rõ: “Chúng tôi sẵn sàng giải ngân vào thời điểm thích hợp để có thể giúp người dân Maroc phục hồi và ứng phó thảm kịch kinh hoàng này.”

Tây Ban Nha ngày 10/9 đã cử 86 lính cứu hộ và 8 chó nghiệp vụ tới Maroc sau khi nhận được yêu cầu giúp đỡ chính thức từ Rabat.

Qatar cũng đang điều một đội cứu hộ tới quốc gia này. Thụy Sĩ đã đề nghị cung cấp lều tạm cho các nạn nhân động đất, thiết bị xử lý và phân phối nước, thiết bị vệ sinh và bộ dụng cụ vệ sinh.

Italy cũng đã đề xuất cử lực lượng bảo vệ dân sự và cứu hỏa của nước này tới Maroc, trong khi Giáo hội Công giáo Italy đã viện trợ 300.000 euro thông qua tổ chức phi chính phủ Caritas Italy.

Tương tự, Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị gửi 265 nhân viên cứu hộ và 1.000 lều tới Maroc, trong khi các nước Ba Lan, Israel, Iraq và Jordan khẳng định sẽ cung cấp mọi hình thức hỗ trợ có thể cho quốc gia này.

Trận động đất có độ lớn 6,8 xảy ra tối 8/9 đã san phẳng những ngôi làng trên các ngọn đồi của dãy núi Atlas.
Hầu hết nhà được xây bằng gạch bùn và gỗ hoặc gạch làm bằng than xỉ và ximăng, có kết cấu ít khả năng chống chịu động đất.
Theo truyền thông Maroc, hơn 18.000 hộ gia đình bị ảnh hưởng của đợt thiên tai này.
Chính phủ Maroc đã tuyên bố quốc tang 3 ngày kể từ 10/9./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục