Tham nhũng ở Trung Quốc

Tham nhũng đường sắt ở Trung Quốc: Những nỗi đau

Người thân các nạn nhân trong vụ tai nạn tàu cao tốc ở Ôn Châu năm ngoái cho rằng thủ phạm chính là nạn tham nhũng ở nước này.
Hơn một năm sau vụ đụng tàu ở Trung Quốc khiến cha mẹ thiệt mạng và anh trai bị tật nguyền, Leo Cao, một người Mỹ gốc Trung Quốc, vẫn còn cảm thấy đau đớn và tức giận. Bởi anh tin rằng, thủ phạm giết người thực sự chính là nạn tham nhũng trong ngành đường sắt ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Leo rời Trung Quốc từ năm 10 tuổi, khi cha mẹ anh đóng cửa hàng máy móc nhỏ của họ và sang Mỹ tìm kiếm cuộc sống tốt hơn. Chuyến đi trở lại Trung Quốc của anh, lần đầu tiên sau 20 năm xa quê, là để nhận diện thi thể cha mẹ. Gia đình Cao đã trở thành công dân Mỹ và đã lao động hết sức vất vả để lập nghiệp tại quê hương mới. Cả bố và mẹ Leo đều làm công việc lao công tại sân bay La Guardia ở New York và đã để dành tiền để thi thoảng có những chuyến trở lại thăm quê.
Biểu tượng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới
Trước khi lên toa tàu số hai của đoàn tàu cao tốc D301 ở Bắc Kinh với đích tới là quê nhà họ ở tỉnh Phúc Kiến, ông Erxing Cao đã rút điện thoại di động ra và tự hào chụp ảnh đoàn tàu hình viên đạn. Đoàn tàu này là một phần của mạng lưới đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới, được Bắc Kinh xem là biểu tượng phát triển của Trung Quốc. Vài giờ sau đó, người đàn ông 56 tuổi đã nằm chết trong đống đổ nát. Ông thiệt mạng ngay lập tức do bị va đập rất mạnh vào đầu, khi đoàn tàu chở ông đâm vào một đoàn tàu khác. "Cha tôi là người say mê với việc chứng kiến Trung Quốc phát triển và trở thành cường quốc. Nhưng chính sự phát triển này đã giết chết ông" - Leo Cao nói.
Tham nhũng đường sắt ở Trung Quốc: Những nỗi đau ảnh 1
Hiện trường vụ tai nạn đường sắt bi thảm một năm về trước (Nguồn: AFP)
Mẹ Cao, Zeng Rong Chen, 56 tuổi, được xác nhận qua đời ở bệnh viện. Một chiếc ví có chứa 10.000 USD tiền mặt bà mang theo bên mình đã biến mất. Các thành viên gia đình sợ rằng nạn hôi của diễn ra sau tai nạn có thể đã khiến bà không được điều trị kịp thời. "Tôi rất ghét khi phải nghĩ rằng những thứ gì mẹ tôi mang theo có thể đã góp phần khiến bà thiệt mạng, nếu như có chuyện gì đó không hay đã xảy ra từ điểm tai nạn và bệnh viện" - Leo nói. [Toàn cảnh vụ tai nạn lật tầu cao tốc ở Trung Quốc] Cha mẹ anh nằm trong số 40 người thiệt mạng tại vụ tai nạn ở gần Ôn Châu vào ngày 23/7 năm ngoái và đây và vụ tai nạn tồi tệ nhất ở Trung Quốc kể từ năm 2008. Nó cũng khiến người ta chú ý nhiều hơn về việc phát triển đất nước với tốc độ cao của Trung Quốc và bên cạnh nó là nạn tham nhũng.
Tham nhũng cá nhân, tham nhũng trong bộ máy
Trung Quốc có hơn 7.700 km đường sắt cao tốc và đang có kế hoạch tăng con số này lên gấp đôi trong năm 2015. Một tuyến đường mới nối thành phố Đại Liên và Cáp Nhĩ Tân sẽ khai trương trong ngày 1/12, tiếp theo đó là tuyến đường nữa nối Bắc Kinh với Quảng Châu.
Tham nhũng đường sắt ở Trung Quốc: Những nỗi đau ảnh 2
Hệ thống đường sắt đầy tham vọng của Trung Quốc (đồ họa AFP)
Một báo cáo của chính quyền về vụ đâm tàu ở Ôn Châu đã đổ lỗi cho vấn đề thiết kế và quản lý tồi. Bộ trưởng đường sắt khi đó là Lưu Chí Quân, kiến trúc sư của hệ thống đường sắt cao tốc, đã bị quy trách nhiệm gây ra những sai phạm và sự cố an toàn. Ông này đã bị cách chức chỉ 5 tháng sau vụ tai nạn và vài ngày trước đại hội Đảng diễn ra đầu tháng 11, ông đã bị khai trừ Đảng do "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng." [Bạc Hy Lai và Lưu Chí Quân bị khai trừ khỏi Đảng] Việc khai trừ đã mở đường để Lưu bị truy tố, do đã nhận hối lộ một khoản tiền lớn để đổi lấy việc giao các hợp đồng béo bở cho các nhà thầu đưa hối lộ. Sau đại hội, Tổng bí thư Tập Cận Bình nói rằng tham nhũng có thể "giết chết" Trung quốc nếu không được xử lý. Nhưng dù các quan chức Trung Quốc đã lên tiếp cam kết việc giải quyết vấn đề tham nhũng, người ta vẫn chưa thể nhổ tận gốc tham nhũng ở bộ máy cầm quyền cao nhất, ngoại trừ một số nhân vật đã ngã ngựa. Leo thấy ngoài tham nhũng cá nhân, tham nhũng trong các bộ máy cũng là thủ phạm gây ra vụ tai nạn ở Ôn Châu. "Tham nhũng giết chết cha mẹ tôi"  - anh nói với AFP - "Tôi chẳng có thù ghét cá nhân gì với ông ấy (Lưu) cả. Vấn đề nằm ở cả hệ thống. Hệ thống tín hiệu đã đi vào hoạt động mà chưa được thử nghiệm và chuyện đó chỉ xảy ra khi người ta đã đưa tiền hối lộ."
Ai phải chịu trách nhiệm?
Gần 200 người đã bị thương trong vụ tai nạn, trong số đó có anh trai của Leo là Henry Cao, 33 tuổi. Điều cuối cùng mà Henry còn nhớ trước vụ va chạm là việc con tàu đã giật lên rất mạnh, giống như khi xảy ra động đất vậy. "Con tàu rung chuyển, ánh sáng tắt ngúm, rồi tôi cảm thấy như mình đang rơi và tôi đã cầu nguyện. Rồi tôi rơi vào một trạng thái lơ mơ. Tôi cảm thấy mình như bị mắc kẹt trong sự đau đớn, nhưng không thể thoát ra được" - Henry kể. Hậu quả của vụ tai nạn là Henry mất một phần lá lách, bị dập mất một quả thận và nhiều thương tật khác. Giờ đây anh còn bị chấn thương tinh thần và mới bị cắt mất một phần ruột vì biến chứng. "Nhìn anh ấy khiến tim tôi tan nát. Anh ấy chỉ còn lại có nửa con người mà tôi biết trước đây, về cả thể xác và tinh thần" - Leo nói và cho biết anh đang tìm kiếm sự bồi thường thỏa đáng từ phía nhà chức trách.
Tham nhũng đường sắt ở Trung Quốc: Những nỗi đau ảnh 3
Leo Cao (trái) vẫn đang đi tìm công lý cho cha mẹ mình (Nguồn: AFP)
Bộ đường sắt Trung Quốc đã đề nghị đền bù 145.000 USD cho mỗi người thân đã khuất trong gia đình anh, bằng với mức của các nạn nhân Trung Quốc, dựa trên mức 20 năm thu nhập ở tỉnh Chiết Giang, nơi tai nạn xảy ra. [Biển thủ 74 triệu USD tiền đền bù của dân] Bộ cũng đề nghị bồi thường 85.000 USD cho Henry Cao, dựa trên thu nhập của anh có được từ việc điều hành một công ty kinh doanh, vốn đã phá sản sau khi anh bị thương nặng. "Chúng tôi là một gia đình nhỏ ở Mỹ. Cha mẹ tôi là những lao công. Chúng tôi không tìm kiếm điều gì quá hoang đường cả. Điều tôi đang cố tìm kiếm là sự đền bù thỏa đáng cho anh trai tôi" - Leo nói - "Chúng tôi là một gia đình nhập cư đang theo đuổi Giấc mơ Mỹ và chúng tôi đã gần như đạt được nó cho tới khi tai nạn xảy ra". Leo giờ đang tìm cách đâm đơn kiện Bộ Đường sắt qua một tòa án ở Thượng Hải, dù anh biết mình sẽ thua. "Tham nhũng giết chết cha mẹ tôi. Thật không may, tôi không thể đưa những người đó ra tòa vì đã phạm tội tham nhũng" - anh nói./.
Linh Vũ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục