Tham vọng của Thủ tướng Ấn Độ Modi ở Viễn Đông

Báo chí Ấn Độ nhận định nhà lãnh đạo Modi vừa muốn đa dạng hóa quan hệ với Nga, vừa muốn ngầm thực hiện tham vọng tại vùng Viễn Đông.
Tham vọng của Thủ tướng Ấn Độ Modi ở Viễn Đông ảnh 1Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) tại cuộc gặp ở Vladivostok (Nga) ngày 4/9. (Ảnh: IRNA/TTXVN)

Theo hai trang mạng Indiatoday.in và Indiatimes.com, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã kết thúc chuyến thăm Nga hai ngày trong khuôn khổ tham dự Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF).

Đây là chuyến thăm lần thứ 4 của ông Modi đến Nga trên cương vị thủ tướng.

Tuy nhiên, chuyến thăm lần này của ông Modi lại khác biệt. Báo chí Ấn Độ nhận định nhà lãnh đạo Modi vừa muốn đa dạng hóa quan hệ với Nga, vừa muốn ngầm thực hiện tham vọng tại vùng Viễn Đông của Nga.

Tại EEF năm nay, Thủ tướng Modi đã tuyên bố đầu tư khoản tín dụng 1 tỷ USD để phát triển khu vực này.

[Nga-Ấn Độ mong muốn làm sâu sắc hơn nữa quan hệ song phương]

Theo Indiatimes, đây là lần đầu tiên Ấn Độ “phóng tầm mắt” của mình ra khỏi Moskva để hướng về Viễn Đông, khu vực nhiều tài nguyên của Nga. Đây là động thái đầy tham vọng nhằm đa dạng hóa quan hệ Nga-Ấn bên ngoài hợp tác quốc phòng trong những năm qua.

Tuy nhiên, không chỉ dừng lại có vậy, chuyến thăm này còn cho thấy tham vọng của Thủ tướng Modi.

Trước hết, đây là minh chứng đầu tiên của việc một thủ tướng Ấn Độ tham dự EEF. Vì sao? Vì diễn đàn này nhằm thu hút đầu tư và phát triển cho khu vực Viễn Đông của Nga.

Nằm giữa Thái Bình Dương và Hồ Baikal - hồ nước ngọt lớn nhất thế giới, và quan trọng hơn cả là có chung đường biên giới với Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản (về đường biển), cả Trung Quốc và Mỹ lâu nay “dòm ngó” khu vực này hòng có được tầm ảnh hưởng lớn hơn ở đây.

Nhận ra tầm quan trọng địa chiến lược của vùng Viễn Đông, Ấn Độ đã mở một tòa lãnh sự ở Vladivostok, thủ phủ của vùng Viễn Đông, hồi năm 1992.

Nga và Ấn Độ cũng đã nhất trí thiết lập “Con đường tơ lụa trên biển Vladivostok-Chennai.” Ở một góc độ nào đó, hành lang hàng hải này là sự đối trọng với Con đường tơ lụa trên biển đầy tham vọng của Trung Quốc (một phần của sáng kiến “Vành đai và Con đường").

Mục tiêu của con đường tơ lụa trên biển của Trung Quốc là nhằm kiểm soát trực tiếp tuyến hàng hải kết nối châu Á và châu Âu. Bản thân Nga lâu nay cũng lo ngại sự hiện diện gia tăng của Trung Quốc ở Viễn Đông.

Thủ tướng Ấn Độ tuyên bố: “Chúng ta đang mở ra một thời đại mới cho hợp tác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.” Trung Quốc đã và đang thúc đẩy sự hiện diện quân sự ở khu vục này.

Trong bài phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Modi đã khẳng định Viễn Đông sẽ trở thành nền tảng cơ bản của mối quan hệ Nga-Ấn bền chặt dựa trên những nguyên tắc trật tự dựa trên pháp trị, chủ quyền, tôn trọng tính toàn vẹn lãnh thổ và không can dự vào các vấn đề nội bộ của các nước khác.

Nhìn từ góc độ địa chiến lược, khoản tín dụng 1 tỷ USD nói trên không đơn thuần là khoản đầu tư từ Ấn Độ cho vùng Viễn Đông mà còn là để New Delhi đặt được “một chân” ở khu vực này.

Nhìn chung, việc Ấn Độ bỏ tiền đầu tư vào Viễn Đông là nhằm tăng cường vị thế của New Delhi ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương vốn nổi lên là khu vực cốt lõi của địa chiến lược tương lai./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục