Thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó cho 19 tập đoàn, công ty

Thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó cho 19 tập đoàn, công ty

Tổ công tác đặc biệt còn gồm có Vụ Tổng hợp, Vụ Năng lượng, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ pháp chế, kiểm soát nội bộ, Vụ Công nghệ và Hạ tầng, Vụ Nông nghiệp, Vụ Công nghiệp, Văn phòng Ủy ban.
 Thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó cho 19 tập đoàn, công ty ảnh 1Tổ công tác sẽ hỗ trợ doanh nghiệp bảo đảm thực hiện phương châm “thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch Covid-19.”( Ảnh: Nam Khánh.)

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vừa quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trực thuộc bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Theo đó, Tổ công tác đặc biệt của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp do Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh làm tổ trưởng; Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh làm tổ phó.

Tổ công tác đặc biệt còn gồm có Vụ Tổng hợp, Vụ Năng lượng, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ pháp chế, kiểm soát nội bộ, Vụ Công nghệ và Hạ tầng, Vụ Nông nghiệp, Vụ Công nghiệp, Văn phòng Ủy ban, Trung tâm Thông tin.

Nhiệm vụ của Tổ công tác là chỉ đạo triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng; chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan, tích cực nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

[Gỡ khó cho dự án Nhà máy Nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu]

Định kỳ hàng tháng và khi cần thiết, tổ công tác đặc biệt kịp thời tổng hợp tình hình giải quyết khó khăn, vướng mắc cho 19 tập đoàn, tổng công ty, đề xuất Ủy ban, chủ tịch Ủy ban phương án giải quyết vấn đề phát sinh, báo cáo Thủ tướng những vấn đề vượt thẩm quyền.

Chủ tịch Ủy ban giao Vụ Tổng hợp là đơn vị thường trực của tổ công tác, có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các thành viên tổ công tác tham mưu giúp tổ trưởng, tổ phó triển khai thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động của tổ công tác.

Hiện, Ủy ban được giao quản lý vốn Nhà nước đối với các doanh nghiệp sau:

1. Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC);

2. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN);

3. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN);

4. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex);

5. Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem);

6. Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam;

7. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam;

8. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT);

9. Tổng công ty Viễn thông MobiFone;

10. Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba);

11. Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines);

12. Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines);

13. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam;

14. Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam VEC;

15. Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV);

16. Tổng công ty Cà phê Việt Nam;

17. Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood2);

18. Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood1);

19. Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục