Thanh tra Bộ GTVT thị sát các gầm cầu bị “xẻ thịt”

Ngày hôm nay (7/4), đoàn Thanh tra Bộ giao thông Vận tải và Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã tiến hành thị sát thực địa lại toàn bộ các khu gầm cầu bị “xẻ thịt” thành các điểm trông giữ đang được sử dụng, gây mất an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.

Trước đó, trong buổi làm việc giữa Bộ Giao thông và Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội thống nhất  giao cho thanh tra Bộ giao thông và Sở giao thông khảo sát lại toàn bộ các khu gầm cầu, chậm nhất đến 10/4 báo cáo với lãnh đạo hai đơn vị này xem xét.
Ngày hôm nay (7/4), đoàn Thanh tra Bộ giao thông Vận tải và Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã tiến hành thị sát thực địa lại toàn bộ các khu gầm cầu bị “xẻ thịt” thành các điểm trông giữ đang được sử dụng, gây mất an toàn giao thông và mỹ quan đô thị. Trước đó, trong buổi làm việc giữa Bộ Giao thông và Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội thống nhất  giao cho thanh tra Bộ giao thông và Sở giao thông khảo sát lại toàn bộ các khu gầm cầu, chậm nhất đến 10/4 báo cáo với lãnh đạo hai đơn vị này xem xét. Tại khu vực gầm cầu Thăng Long, hiện nay, theo đánh giá của đoàn Thanh tra, ở một số vị trí gầm cầu đang là nơi trông giữ phương tiện của Công ty Quản lý Đường sắt Hà Thái và một số vị trí khác do người dân tự ý lấn chiếm dựng kho lán, bày bán kinh doanh gây mất an toàn cho công trình cầu, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị. Ngoài ra, dưới gầm cầu đường sắt đang có hàng chục nghìn m2 đất đang bị các hộ dân chiếm dụng làm cửa hàng, nơi bán bia, thậm chí xây nhà ở từ nhiều năm qua nhưng chưa bị xử lý. Đoạn gầm cầu đường sắt đi qua hai xã Xuân Đỉnh (Từ Liêm), Hải Bối (Đông Anh) cũng bị lấn chiếm toàn bộ phần diện tích gầm cầu và hành lang từ trụ N38 đến N48 đã biến thành chợ cóc, làm nơi kinh doanh vật liệu xây dựng của người dân bản địa. Khảo sát của đoàn thanh tra dưới chân cầu Vĩnh Tuy cũng cho thấy, từ trụ cầu T4 – T13, hàng loạt hàng rào sắt được quây xung quanh dưới thành chân cầu nhằm phục vụ mục đích trông giữ xe. Không những thế, xe tải xếp thành từng dãy nép sát vào hàng rào chạy dọc bên đường nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Ngay dưới chân cầu, thiết bị trang vật tư máy móc của trạm trộn bê tông Thịnh Liệt được che chắn tôn vây kín gầm cầu...
Thanh tra Bộ GTVT thị sát các gầm cầu bị “xẻ thịt” ảnh 1
Gầm cầu Vĩnh Tuy được phân lô thành các điểm trông giữ ôtô. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Tại khu vực gầm cầu Long Biên, len lỏi qua các con đường nhỏ dẫn vào khu vực gầm cầu tuyến đường sắt, ghi nhận của đoàn thanh tra cũng cho thấy, ở khu vực gầm cầu phía Nam cũng đang tồn tại các nhà lán, kho chứa hàng quán buôn bán, kinh doanh, điểm trông giữ các loại xe tải chuyên chở hoa quả gây mất an toàn cho công trình cầu, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị, mất trật tự an ninh khu vực.
Tình trạng trên cũng xảy ra trên tuyến đường cầu cạn Pháp Vân – Thanh Trì. Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải, khu vực gầm cầu gồm 193 khoang với tổng diện tích 193.838m2 được giao cho Công ty khai thác điểm đỗ phụ trách trông giữ xe với 72 khoang có tổng diện tích 61.300m2, phần diện tích không sử dụng được để trông giữ xe là 121 khoang bao gồm khu vực phía bờ Bắc, ngoài bãi sông Hồng hiện đang quây rào tạm để chống lấn chiếm, chống đổ phế thải. Ghi nhận của phóng viên cho thấy, hàng chục nghìn mét vuông đều được “phân lô” bằng hàng rào lưới sắt để cho thuê kinh doanh làm điểm trông giữ xe, sửa chữa ôtô. Cá biệt, đoạn qua nút giao thông cầu Dậu, Công ty cổ phần Thương binh Minh Chính tự làm hàng rào sắt khoanh ô để làm điểm trông giữ xe và tập kết các xe ba bánh thương binh ngay chân cầu. Ngay đầu đường cao tốc Pháp Vân cắt cầu Thanh Trì, hàng nghìn m2 đất khu vực đảo xoay của nút giao thông này cũng bị “hô biến” thành địa điểm tập kết xe khách, các ga ra sửa chữa ôtô. Ngay cạnh đó, phần khung thép của các ga ra mới cũng đang đồng loạt được tiến hành xây dựng. Đánh giá kết quả thị sát thanh tra các gầm cầu trong ngày hôm nay, ông Nguyễn Văn Huyện, Chánh Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải cho biết, tại gầm cầu Pháp Vân vành đai 3 và chân cầu Thăng Long, các điểm trông giữ vẫn đang được sử dụng, gây mất an toàn giao thông và mỹ quan đô thị. “Vì vậy, Hà Nội cần phải giải toả các điểm trông giữ xe dưới chân các gầm cầu để tiến hành trồng cỏ nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị,” Chánh Thanh tra Nguyễn Văn Huyện khẳng định.
Thanh tra Bộ GTVT thị sát các gầm cầu bị “xẻ thịt” ảnh 2
Thanh tra Bộ GTVT thị sát các gầm cầu bị xẻ thịt. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Ngoài ra, Chánh Thanh tra Nguyễn Văn Huyện cũng tiết lộ, riêng toàn bộ gầm cầu và nút đảo xoay cầu Thanh Trì – Pháp Vân là cửa ngõ thủ đô, bộ mặt Thành phố nên sẽ trồng toàn bộ cỏ tại nút này để nâng cao hình ảnh Hà Nội khi mọi người đến.   “Có nhiều đoạn gầm cầu nếu không trồng cỏ sẽ làm hàng rào sắt bảo vệ để chống lấn chiếm kinh doanh trái phép,” người đứng đầu Thanh tra Bộ Giao thông cho hay. Bên cạnh đó, Chánh Thanh tra Nguyễn Văn Huyện cũng đề nghị, các cơ quan chính quyền và địa bàn có cầu đi qua sẽ phải đảm nhận việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông và mỹ quan của các gầm cầu./.
Điều 10 Thông tư 39/2011/TT-BGTVT ngày 18/5/2011 của Bộ GTVT hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 11/2010/NĐ-CP ngày 24/2/2010 của Chính phủ về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ quy định: "Không được sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi ở, hoạt động kinh doanh dịch vụ, điểm dừng xe, bến xe gây mất an toàn công trình cầu, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường".

Nghị định 34/2010/NĐ-CP ra ngày 2/4/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ nêu rõ: "Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi buôn bán, dựng lều quán, công trình tạm thời khai thác trái phép trong khu vực đô thị tại hầm đường bộ, cầu vượt, hầm cho người đi bộ".
Việt Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục