Thay đổi để đến Trung Đông

Người lao động Việt Nam cần thay đổi để phát triển

Người Trung Đông khen lao động VN cần cù, sáng tạo, song số khác lại cho rằng nhiều lao động Việt "nổi tiếng" về những thứ họ rất sợ.
Nhiều người ở Trung Đông khen lao động Việt Nam cần cù, thông minh, chịu khó làm và rất sáng tạo trong công việc, song số khác lại cho rằng không ít lao động Việt quá… "nổi tiếng" về những thứ họ rất sợ.

Đó là một thực tế mà những người trong cuộc đều thấy và cũng là lý do vì sao lao động Việt Nam cứ lận đận mãi với con số cỏn con vài chục nghìn người ở thị trường này, trong khi các nước khác, con số được tính bằng triệu, bằng trăm nghìn.

Tuyển chọn kỹ lưỡng


Xin được bắt đầu từ khâu tuyển chọn. Chúng ta nên tham khảo cách làm của các nhà tuyển dụng người bản xứ đã giới thiệu trong bài trước, để tuyển được những người lao động thực sự, có nhu cầu cải thiện cuộc sống gia đình một cách chân chính.

Người được tuyển dụng không chỉ có khả năng làm việc, dứt khoát phải có ý thức tổ chức kỷ luật, hiểu đúng vị trí, quyền lợi và trách nhiệm của mình. Vẫn còn nhiều trường hợp lao động Việt cãi lại giới chức trách địa phương, đại diện các cơ quan trong nước sang, hoặc lập nhóm này, hội đồng hương kia để phá bĩnh, đe dọa tất cả những ai muốn làm ăn yên ổn.

Một nhà quản lý người địa phương ở Trung Đông cho biết họ sẵn sàng tiếp nhận lao động kỹ năng làm việc còn yếu, nhưng dứt khoát phải có ý thức kỷ luật tốt.

Cách đây chưa lâu, có một doanh nghiệp đã lâm vào cảnh khốn đốn vì chậm giao hàng theo hợp đồng bởi lao động Việt đình công. Sau vụ ấy, chúng tôi có mỏi mắt cũng không thể tìm được đồng hương ở đó. Nhà tuyển dụng bằng nhiều biện pháp, nên sớm phát hiện để loại ngay từ đầu những “con sâu” máu me cờ bạc, đạo chích, băng đảng..., trước khi họ lên máy bay sang trời xa.

Có như thế mới hy vọng sớm chấm dứt dần tình trạng gây rối trật tự, ra ngoài sống lưu vong, hành nghề trộm cắp, thậm chí gây án mạng ở xứ người, khiến cả trăm người đang phải thụ án nơi đất khách, kể cả mức án cao nhất.

Sang thị trường Trung Đông là đến với thế giới Hồi giáo, dứt khoát người lao động phải được các công ty cung ứng lao động trang bị lượng kiến thức nhất định về tôn giáo ấy, trong đó, cần đặc biệt chú trọng các giáo lý, điều cấm kỵ, phong tục tập quán của người Hồi giáo.

Không thể chấp nhận cảnh một nhóm người nước ngoài hả hê ăn uống, cười đùa trước người bản xứ trong tháng lễ Ramadan linh thiêng của họ, hay không biết nhường chỗ cho người địa phương ngồi cầu nguyện la liệt trên những đoạn phố gần nhà thờ trong các ngày thứ Sáu. Ngay cả chuyện đi xe buýt, hay thực lòng muốn chìa tay giúp đỡ quý bà, quý cô người Hồi giáo cũng phải biết, phải học, kẻo mang vạ oan.

Như mọi dân tộc, người Arập rất thích tiếp xúc với những ai biết tiếng mẹ đẻ của họ, có lẽ cũng phần vì ngoại ngữ, kể cả những tiếng rất thông dụng, ít được sử dụng tại đây. Biết tiếng, nhất là có chút hiểu biết về đạo Hồi, đi đâu bạn cũng được giúp đỡ như người nhà.

Người lao động sẽ tốt hơn nếu trước khi sang Trung Đông được học một vài khóa tiếng Arập đủ cho những giao tiếp thông thường, dù vẫn biết đây là ngôn ngữ rất khó ngay cả với những ai có “khiếu” ngoại ngữ nhất. Cái cảnh “ông nói chợ nhà, bà bàn chợ huyện,” đốc công bảo làm ở điểm này, thợ lại vác búa sang chỗ kia, tạo sự bực bội, rồi đến mâu thuẫn là điều khó tránh khỏi.

Về điểm này, lao động Việt “yếu thế” hơn hẳn các nước Hồi giáo xuất khẩu lao động khác, bởi ngay từ tấm bé, hàng ngày họ đã được học kinh Koran, chỉ viết bằng tiếng Arập.

Nâng cao trách nhiệm

Người Arập có câu thành ngữ: “Ai biết mình bị muộn, người ấy sẽ không về cuối.” Đã đến lúc các đơn vị đầu mối xuất khẩu nhiều lao động sang đây dứt khoát phải chấp nhận chi phí, mở văn phòng đại diện ngay ở nước sở tại để giải quyết tại chỗ, tức thì mọi vướng mắc nảy sinh. Chẳng hạn như Công ty Cổ phần và Dịch vụ thương mại hàng không Airseco, đơn vị duy nhất đã làm như vậy mấy năm nay, đã rất thành công.

Cuộc sống và công việc nơi công trường luôn nảy sinh muôn hình vạn trạng các vấn đề, không thể cứ mãi kiểu “điều hành từ xa” hàng nghìn con người như bấy lâu nay được, như thế, chẳng khác gì mang con bỏ chợ.

Đã qua rồi cái thời “nói dối quanh” để kiếm những đồng tiền vay nặng lãi của người nông dân một nắng hai sương mong đỡ bần hàn, với những lời lừa phỉnh như đi làm việc tựa đi… du lịch, hoặc ấn vào tay họ những thị thực du lịch (chỉ được cư trú ít ngày) để đi lao động… dài ngày, thậm chí còn làm cả bằng lái xe giả để những chàng nông dân chưa một lần ngồi vào cabin ôtô sang Vùng Vịnh hành nghề… lái xe.

Thiết nghĩ, đã đến lúc cơ quan quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động và các cơ quan thực thi pháp luật phải thẳng tay với những hành động ấy. Nếu chỉ “rút giấy phép” như mấy lần vừa rồi, e rằng những kẻ hám tiền sẽ còn tiếp tục.

Trung Đông là thị trường lao động đầy tiềm năng, nhưng dường như chưa được chúng ta khai thác đúng. Hy vọng những điều kể trong loạt bài này mang lại những hiểu biết cơ bản cho những ai quan tâm tới thị trường lao động này./.

Phạm Phú Phúc (Báo Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục