Thế giằng co mới trên chính trường Israel

Dù chưa có kết quả cuối cùng, nhưng dường như chính trường Israel lại đang rơi vào thế giằng co mới sau cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn cách đây hai ngày.

Dù chưa có kết quả cuối cùng, nhưng dường như chính trường Israel lại đang rơi vào thế giằng co mới sau cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn cách đây hai ngày. 

Lẽ ra phải hơn một năm nữa Quốc hội khóa 17 của Israel mới hết nhiệm kỳ, song do những rối loạn trong liên minh cầm quyền, nơi Đảng trung dung Kadima của Thủ tướng Ehud Olmert chiếm đa số, bắt đầu bằng việc ông Olmert liên tục bị điều tra về những nghi vấn tham nhũng, kế đến là những yếu kém của Chính phủ, làm sụt giảm thảm hại uy tín của cá nhân ông, của Kadima và chính phủ liên hiệp.

Và cuối cùng, vào trung tuần tháng 9 năm ngoái, ông Olmert buộc phải từ chức cả Chủ tịch đảng lẫn Thủ tướng, nhưng Ngoại trưởng Tzipi Livni, người được bầu làm tân Chủ tịch Kadima lại không duy trì được liên minh cầm quyền, không thành lập được chính phủ liên hiệp mới, buộc các chính trị gia phải đánh cược với vận may mới trong cuộc bầu cử trước thời hạn trên.

Chưa ai bảo làm chính trị nhàn hạ, nhưng nếu sống bằng nghề ấy ở Israel còn vất vả bộn phần vì chính trường ở đấy luôn bị giằng xé, co kéo với đủ loại sức ép, cả trong lẫn ngoài từ Mỹ đến Tây Âu, từ những nhóm người Do Thái lưu vong đến cộng đồng người Arập, từ thiện chí hòa bình, đến âm mưu gây hấn. 

Điều ấy giải thích vì sao ở đất nước chưa đầy 21.000 km2, với chừng 7 triệu dân này lại có tới trên năm chục đảng phái, phong trào chính trị "không ai chịu ai"; có tới 11 trong tổng số 17 khóa quốc hội đã qua phải giải tán sớm và cũng tại sao cả những người muốn hòa bình, lẫn mong chiến tranh đều đã từng bị bắn giữa thanh thiên, bạch nhật. Nếu nói thật ngắn gọn, những chiếc ghế cho các ông nghị ở đây bao giờ cũng nóng, rất nóng, theo cả hai nghĩa.


Nóng thế, nhưng tất cả đã vào cuộc chơi hôm 10/2, trừ một vài đảng nhỏ, kiểu đảng của những người thích bia, thích gà choi, để tranh 120 ghế nghị sĩ, từ đó có quyền lái con thuyền Israel theo ý mình hoặc là hòa bình với người Arập, hay "chôn vùi" Phong trào Hamas của Palestine; hoặc tấn công Iran hay giảm bớt quan hệ với Mỹ, thân thiện hơn với Tây Âu.

Tuy nhiên, với việc không một đảng nào giành được đa số ghế, đủ quyền đứng ra thành lập chính phủ mới, sẽ tạo ra thế giằng co mới trên chính trường nước này, thậm chí sẽ giằng co ngay trong việc tập hợp liên minh cầm quyền.


Với 28 ghế, chiếm 22%, đảng Kadima của bà Livni về nhất, nhưng cái khó cho người phụ nữ 50 tuổi, được coi là "bồ câu" và" sạch sẽ" về tiền bạc này, liệu bà có thuyết phục được các đảng khác tham gia liên minh không, vì bà đã một lần thất bại với đúng công việc ấy hồi cuối năm ngoái. Nhưng lúc ấy là thiếu 32 ghế, còn bây giờ là 33 ghế.

Mặc dù trong chiến dịch tranh cử, bà Livni tránh không nói tới hai từ "hòa bình", nhưng không vì thế mà các đảng cánh hữu dễ bắt tay với bà. Bởi với họ, đất đã chiếm được, bất chấp bằng cách nào, đều là "của mình" và người Palestine phải "đi chỗ khác"; Syria đừng mơ lấy lại cao nguyên Golan; Lebanon cũng đừng nghĩ đến Shaba Farms nữa; còn thành phố thánh địa Jerusalem đương nhiên là không bao giờ chia chác cho bất cứ ai.


Tuy về nhì, với 27 ghế, nhưng rõ ràng đảng Likud cực hữu của cựu Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã có cú bứt phá mạnh nhất, tăng 15 ghế so với khóa trước và không loại trừ khả năng ông sẽ được Tổng thống Shimon Peres chỉ định đứng ra thành lập chính phủ mới.

Nếu được như thế, ông sẽ không quá khó như bà Livni, vì kinh nghiệm chính trường của ông cao hơn nhiều bậc, chưa kể việc đảng về thứ ba trong cuộc đua này là "Yisrael Beiteinu" (Israel, ngôi nhà của chúng ta) của chính trị gia nhập cư gốc Mondova thuộc Liên Xô cũ; Avigdor Liberman, với 15 ghế (tăng 4 ghế) lại như "môi với răng" với Likud.

Tuy chỉ về ba, nhưng Liberman lại đang được coi là "Vua", vì nếu ông ngả sang đâu, nơi ấy sẽ "vọt" lên và dường như ông đang để mắt tới chỗ thâm tình môi - răng với mình, khi tuyên bố muốn thấy Israel có một chính phủ dân tộc, thiên hữu để "hạ gục" Hamas, giữ nguyên những gì (đất đai) Israel đang có.

Thất bại thảm hại nhất là Công đảng, nơi Tổng thống Shimon Peres đã từng nhiều khóa làm Chủ tịch, nhưng sau đó chạy sang Kadima và hiện do Bộ trưởng Quốc phòng Ehud Barak đứng đầu. Bị mất 6 ghế, chỉ còn 13 ghế, Công đảng đành chấp nhận về thứ tư, mất luôn cả vị thế "đối tác quan trọng" mà các đảng về đầu muốn nhắm tới.

Theo phân tích của đài truyền hình Al-Arabyia, thất bại này là kiểu "gậy ông đập lưng ông" đối với Barak, vì ông những tưởng mở chiến dịch đẫm máu tấn công Gaza ngay trước thềm bầu cử sẽ giúp ông tăng điểm, nhưng việc ông "nghĩ lại" sau đó, muốn rút quân sớm, đã bị dư luận coi là thiếu kinh nghiệm và chưa chín chắn, bất luận việc ông đã từng nắm ghế Thủ tướng từ 7/1999 đến 3/2001.

Với kết quả trên, không ai bảo chính trường Israel sẽ suôn sẻ hơn, bắt đầu ngay từ việc thành lập liên minh cầm quyền. Trong quyền hạn của mình, 7 ngày tới, đương nhiên Tổng thống Peres sẽ chỉ định thủ lĩnh các đảng về nhất, hoặc nhì đứng ra thành lập chính phủ mới chỉ với điều kiện đảng nào tỏ rõ sẽ làm được việc ấy trong vòng 28 ngày và có thể nới thêm 14 ngày nữa, theo luật định.

Ai đây?, đang là ẩn số, song theo một nhà báo Arập, làm việc cho tờ "Al-Ahram" nói với người viết bài này qua điện thoại, rất có thể, người ấy sẽ là Netanyahu, rồi thở dài ngao ngán, kiểu "thế là hết rồi", bởi lẽ đây là nhân vật cực kỳ cứng rắn, nếu lại có thêm Avigdor Liberman, hai từ "hòa bình" chắc chắn không thể có trong từ điển quan hệ giữa người Do Thái với dân Arập, chí ít trong 4 năm tới, khi họ chèo lái con thuyền Israel.

Ngược lại, nếu đảng Kadima của bà Livni liên minh được với Công đảng, đảng Shas chính thống cực đoan (có 11 ghế), cùng một số đảng nhỏ khác như Balad, Hadas, Meretz, mỗi đảng có chừng 3 - 4 ghế, "may ra ánh sáng mới le lói ở cuối đường hầm", ấy là chưa kể việc đảng Shas về thứ năm, chưa bao giờ có ý định ngồi cùng thuyền với Kadima.

Thế giằng co là hai từ được nói đến nhiều nhất về chính trường Israel lúc này, song giằng co đến mức nào và bao lâu nữa đương nhiên không chỉ phụ thuộc vào những người trong cuộc, vì ai cũng biết chính trường này luôn bị chi phối từ nhiều dữ kiện, nhiều người và nhiều hướng; trong đó, không thể không có Mỹ, đồng minh số một của Israel - nơi ông Barack Obama vừa lên nắm quyền và đây lại là cuộc bầu cử đầu tiên ở nước ngoài dưới triều đại ông, người đang muốn thay đổi tất cả.

Hy vọng sau cuộc bầu cử này, Israel cũng sẽ thay đổi, trở thành nhân tố tích cực của hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở Trung Đông. Tất cả sẽ ngã ngũ sau cuộc giằng co này./.

(Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục