Giữa các cáo buộc lao động cưỡng bức liên quan đến người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác trong chuỗi cung ứng hàng may mặc, lĩnh vực máy dệt của Thụy Sỹ phải đối mặt với những câu hỏi hóc búa về mối quan hệ và sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Năm 2014, thỏa thuận thương mại tự do Thụy Sỹ-Trung Quốc có hiệu lực, một nhóm doanh nghiệp trong ngành bao gồm đại diện của công ty Thụy Sỹ Uster Technologies đã đến thăm các nhà máy kéo sợi và bông gin (động cơ bông tách sợi bông khỏi hạt) ở Tân Cương, miền Tây Trung Quốc.
Vài năm sau đó, ngành công nghiệp dệt may của Thụy Sỹ được hưởng lợi từ việc mở rộng sản xuất hàng dệt ở Tân Cương.
Theo số liệu hải quan, đến năm 2017, Thụy Sỹ là nhà xuất khẩu phụ kiện dệt kim lớn nhất sang Tân Cương.
Các công ty Thụy Sỹ như Rieter và Uster bán máy dệt cho các nhà máy ở Trung Quốc, bao gồm cả Tân Cương, hiện đang phải đối mặt với những câu hỏi khó về sự phụ thuộc nhiều của ngành này vào Trung Quốc.
Thị trường ngách và hoạt động M&A
Thật khó để biết có bao nhiêu máy dệt Thụy Sỹ xuất hiện ở Tân Cương. Dữ liệu hải quan cho thấy Tân Cương đã nhập khẩu máy móc các loại trị giá 6,4 triệu USD (tương đương 6 triệu CHF) từ Thụy Sỹ vào năm 2019, đưa quốc gia bao quanh bởi dãy núi Aples này trở thành nhà xuất khẩu máy móc lớn thứ 37 trong khu vực.
Thụy Sỹ là nước xuất khẩu lớn các phụ kiện của máy dệt như trục xoay, trục và chuyển động dừng tự động được sử dụng trong các máy kéo sợi, dệt vải hoặc dệt kim lớn.
Dữ liệu hải quan cho thấy trong năm 2019, phụ kiện dệt kim là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ hai của Thụy Sỹ sang Tân Cương, sau máy in công nghiệp.
Trong ba năm qua, Thụy Sỹ đã xuất khẩu các phụ kiện máy dệt kim sang khu vực tự trị này trị giá khoảng 2 triệu USD mỗi năm.
Nhưng dữ liệu xuất khẩu chỉ hiển thị một phần của bức tranh. Ernesto Maurer, Chủ tịch Hiệp hội Máy dệt Thụy Sỹ, đã lưu ý trong tập tài liệu kỷ niệm 75 năm thành lập của hiệp hội rằng “thông qua nhiều công ty con quốc tế của họ, các nhà sản xuất máy dệt Thụy Sỹ kiểm soát thị phần nhiều hơn so với số liệu thống kê hải quan quốc gia tiết lộ.”
Điều này là do hầu hết các công ty máy dệt lớn của Thụy Sỹ đều có đại lý bán hàng và các công ty con sản xuất trong nước tại Trung Quốc và chỉ xuất khẩu các linh kiện cao cấp từ Thụy Sỹ.
Trong khi đó, số lượng các vụ mua bán và sáp nhập (M&A) trong ngành cũng gây khó khăn cho việc quyết định hoạt động sản xuất sẽ diễn ra ở đâu.
Ví dụ, công ty máy dệt ITEMA, có trụ sở chính tại Italy, là kết quả sự kết hợp của nhiều thương hiệu khác nhau trong đó có thương hiệu Thụy Sỹ Sultex. ITEMA có cơ sở sản xuất ở một số quốc gia bao gồm Trung Quốc, Thụy Sỹ và Italy.
Trong khi đó, một số công ty đã bị các nhà đầu tư Trung Quốc mua lại hoàn toàn và chỉ duy trì văn phòng hoặc cơ quan nghiên cứu ở Thụy Sỹ.
Công ty Ningbo Cixing của Trung Quốc đã mua lại công ty Steiger của Thụy Sỹ vào năm 2010, giúp công ty này trở thành một trong những công ty dệt kim phẳng lớn nhất trên thế giới.
Một công ty khác của Trung Quốc Jinsheng đã mua lại thương hiệu Saurer 150 năm tuổi từ Tập đoàn Oerlikon vào năm 2012.
Trong báo cáo thường niên năm 2017, Saurer chỉ ra rằng 37% trong số 4.400 nhân viên của họ là ở Trung Quốc, trong khi chỉ 3% ở Thụy Sỹ.
Cùng năm đó, Saurer thành lập một công ty con chủ sở hữu hoàn toàn Saurer Tân Cương, sản xuất 2 triệu hệ thống chải thô, khung lưu động, kéo sợi và kéo sợi rôto để “đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng” khi sản xuất dệt may mở rộng trong khu vực. Nhà máy đã đi vào hoạt động trong năm 2019.
Đối mặt với rủi ro
Tại Tân Cuơng, máy móc có xuất xứ từ Thụy Sỹ, dù cuối cùng được sản xuất ở đâu, cũng đang được sử dụng trong các nhà máy bị Mỹ trừng phạt vì cáo buộc lao động cưỡng bức.
Vào tháng 5/2019, tờ Nhật báo Phố Wall đưa tin rằng người dân Tân Cương buộc phải tham gia các chương trình đào tạo đưa công nhân đến các nhà máy trong khu vực, một số trong số đó là dệt sợi hoặc kéo sợi cho các thương hiệu lớn.
Chính phủ Trung Quốc đã bác bỏ các cáo buộc và bảo vệ chương trình này là một chiến dịch huấn luyện hàng loạt nhằm mục đích đưa nhóm dân tộc thiểu số thoát khỏi đói nghèo và chống khủng bố.
Theo tờ Le Temps có trụ sở tại Lausanne, tập đoàn Thụy Sỹ Rieter đã bán 66 máy Ring Spinning G32, được sử dụng để dệt bông, cho công ty Trung Quốc Huafu Top Dyed Melange Yarn vào năm 2019.
Tờ báo cho biết công ty Thụy Sỹ Uster cũng đã bán thiết bị cho Huafu, công ty đã lọt vào danh sách đen của Mỹ vào năm 2020.
Một công ty khác trong danh sách đen của Mỹ là tập đoàn Esquel có trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc) cũng có các nhà máy sản xuất bông ở Tân Cương sử dụng thiết bị của Uster.
Hai trong số các nhà máy ở Tân Cương - công ty Dệt Changji Esquel và công ty trách nhiệm hữu hạn Dệt may Turpan Esquel - đã nhận được con dấu chất lượng từ Uster vào năm 2019.
Trong khi đó Esquel, hoạt động ở Tân Cương từ năm 1995, đã phủ nhận các cáo buộc về lao động cưỡng bức và lưu ý rằng một cuộc kiểm toán của bên thứ ba không tìm thấy bằng chứng nào về điều đó.
Công ty tuyên bố trên trang web của mình rằng nhà máy kéo sợi Changji của họ là một “nhà máy tiên tiến hiện đại, tự động hóa cao” chỉ yêu cầu 45 kỹ thuật viên so với một nhà máy truyền thống cần 150 nhân viên để vận hành.
Đồng quan điểm này, báo cáo thường niên năm 2019 của Saurer chỉ ra rằng nhà máy ở Tân Cương của họ đã tham gia vào kế hoạch của chính quyền địa phương nhằm tăng việc làm cho người dân tộc thiểu số, thuê 95 nhân viên người dân tộc thiểu số tại nhà máy mới của họ.
Có thể thấy các công ty đang ngày càng phải đối mặt với rủi ro danh tiếng từ bất kỳ mối quan hệ kinh doanh nào với Tân Cương hoặc các cáo buộc lao động cưỡng bức. Và vấn đề này nhiều khả năng sẽ còn kéo dài vì các báo cáo gần đây cho thấy công nhân đang bị cưỡng bức đã chuyển từ Tân Cương đến các tỉnh khác.
Các công ty máy dệt Thụy Sỹ đều thể hiện một thông điệp tương tự là không khoan nhượng đối với hành vi phân biệt đối xử hoặc lạm dụng nhân quyền. Trong một tuyên bố gửi qua email cho trang tin tức SWI swissinfo.ch, Rieter đã viết rằng công ty "từ chối lao động cưỡng bức."
Nguyên tắc này được gắn chặt trong Bộ Quy tắc Ứng xử của Rieter, và trong tất cả các mối quan hệ kinh doanh của mình, Rieter đều cam kết tuân thủ tất cả các luật và quy định có liên quan.
Trong khi đó, Saurer cho biết “rất tự hào khi đảm bảo rằng chúng tôi tôn trọng phẩm giá cá nhân, quyền riêng tư và quyền cá nhân của nhân viên còn Uster Technologies đã viết cho SWI swissinfo.ch rằng họ “chỉ làm việc với những đối tác đối xử công bằng với nhân viên của họ và tuân thủ luật hiện hành,” bao gồm cả việc hạn chế sử dụng lao động cưỡng bức và rằng “cho đến nay chúng tôi chưa bao giờ trực tiếp trải qua bất kỳ trường hợp nào cho thấy bất kỳ khách hàng đã hành động chống lại quy tắc ứng xử của chúng tôi."
Tuy nhiên, các công ty không bình luận về các cáo buộc cụ thể về Tân Cương hoặc cung cấp chi tiết về cách họ đảm bảo các nhà cung cấp hoặc khách hàng tuân thủ các tiêu chuẩn của họ.
Tình thế mong manh
Tình hình đối với các công ty Thụy Sỹ là đặc biệt mong manh bởi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ ba của Thụy Sỹ và Thụy Sỹ là quốc gia phương Tây đầu tiên ký thỏa thuận thương mại tự do với siêu cường này.
Trung Quốc đại diện cho khoảng 17% xuất khẩu máy dệt của Thụy Sỹ vào năm 2019 và 16% vào năm 2020 (474 triệu CHF). Thị trường Trung Quốc được coi là chìa khóa để hỗ trợ lĩnh vực xuất khẩu về thời tiết bất ổn trong đại dịch COVID-19.
Nhưng ngành dệt Thụy Sỹ cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ chính Trung Quốc. Tổng xuất khẩu máy dệt của Thụy Sỹ đã giảm trong vài năm qua do lĩnh vực máy móc của chính Trung Quốc trở nên tinh vi hơn và các công ty Thụy Sỹ thiết lập nhiều sản xuất địa phương hơn ở Trung Quốc. Hầu hết máy móc dệt may hiện nay được sản xuất tại Trung Quốc và bởi các công ty Trung Quốc.
“Các đối thủ nước ngoài không ngủ. Họ đang bắt kịp công nghệ,” Stefan Brupbacher, Giám đốc Hiệp hội của Thụy Sỹ về các ngành công nghiệp cơ khí và điện Swissmem, nhận xét: “Việc ngăn cấm các công ty Thụy Sỹ bán và phục vụ Trung Quốc như một thị trường sẽ mang lại cho các công ty Trung Quốc và nước ngoài một lợi thế lớn so với các công ty Thụy Sỹ trong một thị trường đang phát triển mạnh.”
Sản xuất của Trung Quốc không chỉ phục vụ thị trường nội địa mà còn nhiều thị trường sản xuất khác.
Với bước đi và phản ứng của Trung Quốc, không có khả năng các công ty sẽ lên tiếng hoặc thay đổi các hoạt động của họ mà không có một số áp lực hoặc sự hậu thuẫn chính trị.
Điều này đặc biệt đúng sau khi chứng kiến cách chính phủ và người tiêu dùng Trung Quốc trả đũa H&M và Nike vì những biểu hiện lo ngại của họ về tình hình ở Tân Cương.
Về phần mình, Chính phủ Thụy Sỹ không có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc. Cả Quốc hội Thụy Sỹ và chính phủ gần đây đã bác bỏ đề xuất về lệnh cấm nhập khẩu đối với hàng hóa được sản xuất thông qua lao động cưỡng bức, điều này sẽ tương tự như những gì được quy định trong Đạo luật thuế quan của Mỹ.
Trong khi đó, Giám đốc Brupbacher của Swissmem đặt câu hỏi về tính hiệu quả của các cuộc tẩy chay và các biện pháp trừng phạt đơn phương: “Thương mại giúp nuôi dưỡng một tầng lớp trung lưu. Chúng tôi đã thấy điều đó ở Trung Quốc, nơi thương mại đã giúp hàng triệu người thoát cảnh đói nghèo.”
Bộ Kinh tế Thụy Sỹ đã xác nhận với SWI swissinfo.ch rằng họ đã liên lạc với các công ty máy dệt riêng lẻ và họ đang "lên kế hoạch trao đổi với các công ty khác nhau từ ngành máy dệt về tình hình nhân quyền ở Tân Cương" nhưng chưa có ngày cụ thể.
Chính phủ Thụy Sỹ mới đây đã công bố chiến lược Trung Quốc lần đầu tiên, trong đó ghi nhận mong muốn tiếp tục đối thoại nhân quyền với Bắc Kinh.
Đại sứ của Trung Quốc tại Thụy Sỹ đã phê phán rằng những lời chỉ trích đã gửi tín hiệu sai và dựa trên những cáo buộc sai trái.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây trên tạp chí Zurich’s Neue Zürcher Zeitung, Ngoại trưởng Ignazio Cassis cho biết, các biện pháp trừng phạt đang được phân tích, nhưng Thụy Sỹ có “chính sách đối ngoại của riêng mình.”
Ngoại trưởng Cassis cũng nói rằng ông hoan nghênh các công ty chịu trách nhiệm về chuỗi cung ứng của họ. “Nếu các công ty không chịu trách nhiệm, nhà nước sẽ can thiệp và điều tiết”./.