Thị trường hàng không Việt bắt đầu phục hồi từ giữa quý 3/2021?

Nhà chức trách Việt Nam nhận định thị trường hàng không sẽ bắt đầu phục hồi từ giữa quý 3/2021 với sản lượng thông qua các cảng hàng không của Việt Nam năm 2021 ước đạt trên 70 triệu hành khách.
Dự báo thị trường hàng không Việt Nam sẽ bắt đầu phục hồi từ giữa quý 3/2021. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Dự báo thị trường hàng không Việt Nam sẽ bắt đầu phục hồi từ giữa quý 3/2021. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết khi việc tiêm vaccine phòng COVID-19 được đẩy nhanh tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, dự báo thị trường hàng không Việt Nam sẽ bắt đầu phục hồi từ giữa quý 3/2021.

Một giai đoạn thăng trầm của ngành hàng không

Theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, đại dịch COVID-19 đã mang đến một giai đoạn đầy biến động đối với ngành Hàng không thế giới. Riêng trong năm 2020, ngành hàng không thế giới ước tính giảm 60% lượng khách vận chuyển (tương ứng khoảng 2,89 tỷ lượt hành khách khách) với doanh thu thâm hụt 327 tỷ USD, trong đó, khu vực châu Á-Thái Bình Dương ghi nhận mức sụt giảm mạnh nhất là 107 tỷ USD, chưa bằng 1/3 so với doanh thu năm 2019.

Đối với thị trường hàng không Việt Nam, năm 2020 là quãng thời gian đầy sóng gió thách thức với ngành hàng không do sự lan tràn của dịch COVID-19. Lệnh hạn chế bay, giãn cách, cách ly xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh đã khiến nhiều đường bay quốc tế phải dừng khai thác.

Sang năm 2021, thị trường hàng không Việt Nam vẫn liên tục có các bước thăng, trầm tương ứng với tình hình dịch bệnh COVID-19. Đến thời điểm hiện tại, chỉ còn khoảng 30 hãng hàng không nước ngoài từ các nước Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Trung Đông và Pháp khai thác các chuyến bay chở hàng hóa, nhà ngoại giao, chuyên gia, nhà đầu tư, người lao động tay nghề cao, sinh viên nước ngoài... đi/đến Việt Nam.

Đối với các hãng hàng không Việt Nam, trong điều kiện các đường bay quốc tế chở khách chưa thể khai thác trở lại, các hãng hàng không Việt Nam đã dùng phần lớn nguồn lực đội tàu bay vào khai thác trên các đường bay nội địa với năng lực tăng vọt cả về tần suất và số lượng đường bay.

Theo đó, số lượng đường bay nội địa của các hãng hàng không Việt Nam có thời điểm đã đạt 62 đường bay, tăng 10 đường so với năm 2019. Với việc đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa, trong sáu tháng đầu năm 2021 có nhiều giai đoạn số lượng chuyến bay cũng như lượng khách vận chuyển trên các đường bay nội địa đã cao hơn so với cùng thời điểm năm 2019.

Thậm chí, nhiều giai đoạn trong sáu tháng đầu năm, các hãng hàng không Việt gặp tình trạng không đủ Slot [tần suất lượt cất hạ cánh-PV] để tăng tần suất trên nhiều đường bay nội địa dù Cục Hàng không đã chủ động chia phần Slot do các hãng hàng không nước ngoài không khai thác trả lại theo quy định.

[Hãng bay Việt chuyển hướng 'cõng' hàng hóa để sống sót trước COVID-19]

Tuy nhiên, với 2 đợt dịch bùng phát mạnh vào đúng thời điểm bắt đầu giai đoạn cao điểm nội địa là Tết Nguyên đán và nghỉ Hè (từ 30/4-1/5), đặc biệt từ ngày 31/5/2021 khi Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 15, hoạt động vận chuyển hành khách nội địa bằng đường hàng không đã sụt giảm nghiêm trọng với sản lượng hàng ngày sụt giảm chỉ còn 20-30% so với giai đoạn tháng 3-4/2021. Thậm chí, các ngày của 2 tuần đầu tháng Sáu này chỉ tương ứng 5-10% lượng vận chuyển trung bình tháng 4/2021.

Đặc biệt, trong các ngày đầu tháng Năm khi dịch bùng phát khiến hoạt động bay bị ngừng trệ, tàu bay của nhiều hãng hàng không đậu lại qua đêm không theo phân bổ gây tình trạng quá tải vị trí đỗ tàu bay tại một số sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Ngay sau đó, Cục Hàng không đã phối hợp các cảng hàng không, các hãng hàng không Việt Nam điều chỉnh lịch khai thác để tàu bay đậu qua đêm tại nhiều cảng hàng không khác, giải quyết triệt để tình trạng đậu tàu bay qua đêm không theo phân bổ, hiệp đồng với các cảng.

“Khi hoạt động bay, đặc biệt là bay quốc tế được dần hồi phục thì 20-30% đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam sẽ không đậu qua đêm tại các cảng hàng không của Việt Nam do đang trong các hành trình quốc tế (phần lớn các chuyến bay đi châu Âu, Đông Bắc Á đều có hành trình bay đêm),” ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam nhìn nhận.

Sẽ bắt đầu phục hồi giữa quý 3/2021

Với tình hình biến động liên tục như thời gian qua, thống kê của Cục Hàng không cho thấy, sản lượng thông qua các cảng hàng không của Việt Nam sáu tháng đầu năm 2021 ước đạt 26,8 triệu lượt hành khách giảm 19,4% so cùng kỳ 2020 (145.000 khách quốc tế giảm 97,9% và 26,7 triệu khách nội địa tăng 1,4%) và 668.000 tấn hàng hóa tăng 12,7% so cùng kỳ 2020 (490.000 tấn hàng hóa quốc tế tăng 18,1% và 179.000 tấn hàng hóa nội địa tăng 0,3%).

[IATA: Hàng không thế giới sẽ có giai đoạn phục hồi bền vững lâu dài]

Ông Thắng cũng cho biết theo đánh giá, dự báo tình hình năm 2021 sẽ cải thiện so với năm 2020, đặc biệt vào nửa cuối năm 2021 khi việc tiêm vaccine phòng COVID-19 được đẩy nhanh tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Đặc biệt, tại nhiều thị trường trọng điểm của hàng không Việt Nam như Đông Bắc Á, châu Âu sẽ đủ điều kiện tạo miễn dịch cộng đồng, làm cơ sở từng bước mở lại hoạt động vận chuyển hàng không quốc tế vào cuối quý 3, đầu quý 4/2021.

“Với những đánh giá nêu trên, dự báo thị trường hàng không Việt Nam sẽ bắt đầu phục hồi từ giữa quý 3/2021 với sản lượng thông qua các cảng hàng không của Việt Nam năm 2021 ước đạt trên 70 triệu hành khách,” Cục trưởng Cục Hàng không kỳ vọng./. 

Về hạ tầng cảng hàng không, theo báo cáo Cục Hàng không Việt Nam, trong nửa đầu năm 2021, ngành hàng không đã hoàn thành đúng tiến độ và đưa vào khai thác giai đoạn 1 dự án cải tạo đường cất hạ cánh tại cả 2 Cảng hàng không Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Hiện tại, giai đoạn 2 dự án cải tạo đường cất hạ cánh 1B Cảng hàng không Nội Bài cũng đang được gấp rút thi công và dự kiến sẽ hoàn thành đúng kế hoạch trong tháng 7/2021, được kỳ vọng sẽ kịp thời đáp ứng nhu cầu khai thác trở lại của các hãng hàng không sau đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục