Thổ Nhĩ Kỳ với tham vọng thiết lập đế chế Ottoman ở Libya

Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách thiết lập sự hiện diện của họ ở Libya bằng cách xây dựng các căn cứ quân sự ở đây nhưng họ không thực hiện việc này một mình mà có cả Mỹ và Nga.
Thổ Nhĩ Kỳ với tham vọng thiết lập đế chế Ottoman ở Libya ảnh 1Binh sỹ và xe quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ triển khai tại Libya. (Nguồn: see.news)

Trang mạng Arab News ngày 1/8 đăng bài phân tích về những diễn biến ở Libya, đặc biệt là những động thái liên quan đến sự can dự của các thế lực bên ngoài vào cuộc xung đột ở quốc gia Bắc Phi này.

Arab News dẫn nhận định của chuyên gia cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang "ôm mộng xây dựng đế chế" của họ ở Libya, nội dung như sau:

Chuyên gia quân sự hàng đầu của Ai Cập, Thiếu tướng Nagy Shohood, đã nói với Arab News rằng Ai Cập sẽ không để bị lôi kéo vào cuộc chiến ở Libya với mưu đồ nhằm làm suy yếu quân đội nước này.

Tướng Shohood cáo buộc Ankara đang can thiệp vào Libya nhằm thực hiện "giấc mộng" khôi phục đế chế Ottoman.

[UAE đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ không can thiệp vào công việc của Arab]

Theo ông Shohood, Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách thiết lập sự hiện diện của họ ở Libya bằng cách xây dựng các căn cứ quân sự ở đây và họ không thực hiện việc này một mình mà có cả Mỹ và Nga.

Tướng Shohood cho rằng: "Thổ Nhĩ Kỳ đã thiết lập một căn cứ ở Somalia, sau đó là ở Qatar và tiếp đó họ tiến tới Libya. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vẫn ôm mộng về đế chế Ottoman."

Khu vực này bị chia rẽ theo cách này hay cách khác khi châu Âu và Mỹ đã thông qua kế hoạch do cựu Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice công bố hồi năm 2005.

Ông Shohood nói: "Thổ Nhĩ Kỳ là phương tiện thực hiện kế hoạch này ở cả Syria lẫn Iraq. Thổ Nhĩ Kỳ đang hoạt động ở khu vực này, nơi mà hành động phá hoại đang diễn ra và Syria đã bị chia rẽ bởi hệ tư tưởng và chủ nghĩa đề cao bộ lạc thông qua Ankara. Thổ Nhĩ Kỳ chưa trực tiếp tham chiến ở Libya nhưng phối hợp và nhất trí với nhiều bên khác."

Theo ông Shohood, Thổ Nhĩ Kỳ khó có khả năng thực thi hành động quân sự ở Libya vì điều này sẽ khó khăn khi tham chiến ở khu vực cách xa lãnh thổ của họ hàng trăm km.

Tướng Shohood nhận định: "Họ đang đạt được những gì họ muốn với lực lượng đánh thuê mà đang tham chiến với sự thiện chiến và năng lực của Thổ Nhĩ Kỳ. Sự hiện diện bán thường trực của Thổ Nhĩ Kỳ tại các căn cứ không quân và hải quân ở Libya là cần thiết."

Tướng Shohood chỉ rõ: "Nhân dân Libya sẽ phá bỏ sự thống trị đang được thiết lập này. Tuy nhiên, điều này sẽ phụ thuộc vào họ nếu họ chấp nhận làm nô lệ cho đế chế Ottoman một lần nữa."

Tướng Shohood cho rằng Cairo sẽ không để bị lôi kéo vào việc ra quyết định mà không phù hợp với lợi ích của nhân dân và Các lực lượng vũ trang Ai Cập. Ông Shohood nêu rõ: "Ai Cập sẽ không để bị lôi kéo vào cuộc chiến tranh ở phía Nam hay phía Tây ngoại trừ sau khi nghiên cứu tình hình một cách kỹ lưỡng và đảm bảo rằng điều này phù hợp với lợi ích của người dân Ai Cập."

Ông Shohood cho rằng "sự thận trọng và đề phòng" là cần thiết trong việc ứng phó với tình hình ở Libya. Quân đội Ai Cập phải tấn công trước tiên và không đợi phản ứng để tránh xung đột ở khu vực này.

Theo ông Shohood, "một số người đang hy vọng về một cuộc xung đột quân sự giữa Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ."

Mục tiêu bành trướng của Ankara đã dự báo điềm gở, vượt xa các dự án về kinh tế, văn hóa và bước vào lĩnh vực quân sự với sự hiện diện của binh lính Ottoman đang tái xuất ở thế giới Arab sau gần 100 năm.

Căn cứ quân sự Al-Rayyan được khai trương ở Qatar mới đây đánh dấu sự hiện diện quân sự đầu tiên ở Vùng Vịnh kể từ khi chấm dứt sự tồn tại của đế chế Ottoman, là một điểm khởi đầu cho những tham vọng này.

Ở phía bên kia của Bán đảo Arab, Ankara đã thiết lập một căn cứ quân sự bên bờ biển Somalia, hướng về phía Vịnh Aden chiến lược. Căn cứ này được thiết lập hồi tháng 7/2016 với chi phí đầu tư khoảng 50 triệu USD.

Vịnh Aden là cửa ngõ chính đối với hoạt động thương mại dầu mỏ toàn cầu. Việc xây dựng căn cứ này diễn ra cùng thời điểm bùng phát leo thang những hành động thù địch giữa Ankar và Cairo.

Vịnh Aden và Eo biển Bab Al-Mandab là lối vào chiến lược đối với Kênh đào Suez của Ai Cập nên sự hiện diện của Thổ Nhĩ Kỳ có thể gây sức ép đối với quốc gia Bắc Phi này trong tương lai.

Ngoài ra, sự hiện diện của Thổ Nhĩ Kỳ ở vùng Sừng châu Phi đã đánh dấu sự mở đầu về khả năng bành trướng ở quy mô rộng hơn tại lục địa này, vốn có nhiều thị trường hứa hẹn và nhiều cơ hội đầu tư.

Hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ đã vươn tới khu vực phía Bắc của thế giới Arab, với trại Bashiqa thuộc khu vực người Kurd ở miền Bắc Iraq.

Việc xây dựng căn cứ quân sự đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria, trên đỉnh núi Sheikh Barakat gần Aleppo, đã được hoàn thành hồi tháng 11/2019.

Sự can dự vào vấn đề Libya với sự can thiệp quân sự và điều động các tay súng từ Syria, đã "xác nhận" tham vọng của Ankara nhằm khôi phục đế chế Ottoman. Sự can thiệp này bắt đầu từ quyết sách của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 2/1 vừa qua về việc cho phép triển khai quân đội trên lãnh thổ Libya.

Ankara đã bắt đầu can thiệp bằng việc sử dụng các nhân viên tình báo cho đến khi họ triển khai đầy đủ lực lượng sát cánh cùng Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (GNA) ở Libya do ông Fayez Al-Sarraj đứng đầu để chống lại lực lượng tự xưng là Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của Tướng Khalifa Haftar.

Sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ đã phá vỡ sự cân bằng lực lượng khi GNA với sự hậu thuẫn của Ankara đang tìm cách đánh bật LNA ra khỏi thành phố Sirte./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục