Thỏa thuận thế kỷ - Khi kẻ mạnh áp đặt luật chơi ở Trung Đông

Các nhà phân tích từ phía Palestine cảnh báo cái gọi là “Thỏa thuận thế kỷ” sẽ đe dọa nền hòa bình Trung Đông và ổn định quốc tế, đồng thời làm lan truyền “luật của kẻ mạnh chèn ép kẻ yếu.”
Thỏa thuận thế kỷ - Khi kẻ mạnh áp đặt luật chơi ở Trung Đông ảnh 1Người dân Palestine biểu tình phản đối hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ tại thành phố Ramallah, Bờ Tây ngày 25/6/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tuần báo Ahram của Ai Cập số ra ngày 13/2 đăng bài phân tích về “Kế hoạch hòa bình Trung Đông” của Mỹ, còn được biết đến với tên gọi “Thỏa thuận thế kỷ” mà Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố cách đây không lâu. Bài viết có nội dung như sau.

Theo Ahram, các nhà phân tích và quan sát từ phía Palestine đã cảnh báo rằng cái gọi là “Thỏa thuận thế kỷ” sẽ đe dọa nền hòa bình và ổn định quốc tế, đồng thời làm lan truyền “luật của kẻ mạnh chèn ép kẻ yếu” nếu những biện pháp khẩn cấp không được thực thi nhằm ngăn chặn chính quyền Trump ép buộc người Palestine thực hiện thỏa thuận này.

Để đối phó với kế hoạch này, giới phân tích cho rằng người Palestine nên xúc tiến việc hòa giải nội bộ càng sớm càng tốt. Chừng nào người Palestine chưa thể hàn gắn những mối bất hòa vốn đã kéo dài bấy lâu nay thì họ sẽ không thể có được đối sách hiệu quả trước bản kế hoạch không công bằng này.

Walid Al-Qotati - nhà nghiên cứu và phân tích Palestine - đã mô tả bản thỏa thuận của Washington là một kế hoạch nhằm củng cố hiện trạng.

Việc Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thông báo về việc sáp nhập các khu định cư ở Bờ Tây và Thung lũng Jordan là “khúc dạo đầu” cụ thể cho kế hoạch này vốn bao biện cho sự chiếm đóng của Israel.

Al-Qotati hy vọng rằng người Palestine bây giờ có thể cùng đồng lòng bác bỏ kế hoạch của Tổng thống Trump, biến hành động này thành một chương trình quốc gia để giải phóng, kháng chiến và trở về.

Còn nhà phân tích chính trị Riham Awda đã đặt ra câu hỏi rằng liệu những hành động của Trump và Netanyahu sẽ thúc đẩy một cuộc khởi nghĩa (Intifada) thứ 3 hay cuộc chiến tranh giữa Israel và phong trào kháng chiến Palestine hay không?

Chuyên gia này dự đoán rằng hành động leo thang, nhưng có giới hạn - có thể là không vượt quá việc phong trào kháng chiến phóng một vài tên lửa vào lãnh thổ Israel và phía Israel oanh tạc đáp trả.

[Nhiều ủy viên HĐBA không đồng tình với Kế hoạch Hòa bình Trung Đông]

Awda nêu rõ: “Tôi không cho rằng có nhiều diễn biến sẽ xảy ra trước cuộc bầu cử ở Israel và một chính phủ mới được thành lập. Việc quyết định bước vào cuộc chiến là điều không hề dễ dàng khi nó cần phải có sự thông qua của nội các và một chiến lược quân sự toàn diện.”

Theo ý kiến của Awda, những tuyên bố hùng hồn, hiếu chiến của Netanyahu cũng như lời đe dọa phát động cuộc tấn công quân sự lớn là luận điệu tuyên truyền cho bầu cử. Netanyahu muốn tự thể hiện trước các cử tri Israel rằng mình có đủ sức mạnh và năng lực đảm bảo về an ninh.

Người giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới ở Israel sẽ là người phải quyết định có chiến tranh hay không. Awda tin rằng nếu ứng cử viên Benny Gantz, cựu Tham mưu trưởng quân đội Israel, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, dự kiến diễn ra đầu tháng Ba tới, nguy cơ về cuộc đối đầu quân sự lớn ở Dải Gaza sẽ cao hơn.

Tình hình tương đối yên tĩnh ở dọc biên giới phía Bắc giáp với Liban, Syria và cả Iran sẽ tăng thêm khả năng về một cuộc tấn công của Israel ở Gaza.

Dalal Arikat - Giáo sư Đại học Tổng hợp Mỹ Arab ở Bờ Tây đã đưa ra những phân tích về bản thỏa thuận nêu trên. Kế hoạch này được chia làm 2 phần chính, gồm chính trị và kinh tế, trong đó khía cạnh chính trị là đáng quan tâm hơn đối với người Palestine.

Kế hoạch đã một lần nữa khẳng định sự công nhận của Mỹ đối với Jerusalem là thủ đô không thể chia cắt của Israel và thủ đô được đề xuất cho “Nhà nước Palestine” nằm ở khu ngoại ô phía Đông của Jerusalem.

Những cư dân gốc Arab ở Jerusalem sẽ có 3 sự lựa chọn về quốc tịch: Họ có thể trở thành công dân của Nhà nước Israel, trở thành công dân của Nhà nước Palestine hoặc duy trì hiện trạng của họ là cư dân cư trú dài hạn ở Israel.

Kế hoạch này trao cho Israel chủ quyền về an ninh, nước, không phận, đường sá, biên giới và các cửa khẩu. Nhà nước Palestine ban đầu sẽ không có sân bay hay cảng biển và sẽ không có quyền thiết lập các mối quan hệ ngoại giao mà không sự cho phép của Israel.

Palestine cũng sẽ không có quyền tham gia các tổ chức quốc tế hoặc tiến hành hành động pháp lý chống lại Israel tại bất kỳ tòa án quốc tế nào, như Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) hay Interpol.

Có thể thấy bản kế hoạch này đã được công khai thừa nhận rằng nó “tập trung vào vấn đề an ninh”, trong đó Israel kiểm soát toàn bộ biên giới, các cửa khẩu, không phận, đất đai và biển. Nhà nước Israel được coi là nhà nước độc lập của người Do Thái, được công nhận ở khắp thế giới.

Trong khi đó, phía Palestine không có được quyền lợi tương xứng đáng kể nào. Nhà nước Palestine sẽ phải đảm bảo ở một mức độ an ninh khiến Israel “vừa ý," áp dụng chương trình giáo dục mà có thể thúc đẩy hòa bình, đồng thời đảm bảo gánh vác trách nhiệm chung với sự “chấp nhận và chịu đựng.”

Nhà nước này cũng sẽ được yêu cầu ngừng trả lương cho các gia đình của những tù nhân chính trị và những liệt sỹ của phong trào kháng chiến Palestine.

Những tù nhân được thả sẽ bị yêu cầu phải ký cam kết nhằm thúc đẩy lợi ích của việc cùng tồn tại giữa người Israel và Palestine. Những tù nhân từ chối ký cam kết này sẽ phải ở lại trong tù. Tất cả những người Israel bị phía Palestine bắt giữ trước hết phải trao trả cho phía Israel.

Một điểm đáng chú ý nữa là một khi thỏa thuận này được ký kết, Cơ quan cứu trợ và việc làm cho người tị nạn Palestine của Liên hợp quốc (UNRWA) sẽ kết thúc sứ mệnh của họ và các trại tị nạn sẽ bị tháo dỡ và được thay thế bằng những dự án nhà ở.

Giáo sư Arikat đúc kết lại rằng “kế hoạch này là một thỏa thuận mang tính thương mại và không nên ngụy tạo nó là sáng kiến hòa bình”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục