Thời hậu khủng hoảng: Ưu tiên ổn định vĩ mô

Ưu tiên này xuất phát từ lo ngại về khả năng bất ổn vĩ mô do lạm phát trở lại, căng thẳng tỷ giá, thâm hụt cán cân thanh toán.
Tại hội thảo “Hoạch định chính sách tài chính thời kỳ hậu khủng hoảng” do Bộ Tài chính tổ chức ngày 26/1, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng đối với Việt Nam, ưu tiên chính sách trong năm 2010 là ổn định vĩ mô.

Ưu tiên này xuất phát từ lo ngại về khả năng bất ổn vĩ mô do lạm phát trở lại, căng thẳng tỷ giá, thâm hụt cán cân thanh toán và ngân sách.

Mặt khác, các chuyên gia cho rằng nếu chỉ chạy theo tốc độ tăng trưởng ngắn hạn thì nhiều khả năng nền kinh tế sẽ phải đánh đổi bằng sự bất ổn, thiếu bền vững và tăng trưởng chậm trong trung và dài hạn.

Theo ý kiến của các chuyên gia, để ngăn không cho lạm phát quay trở lại, Ngân hàng Nhà nước cần thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng nhằm kiềm chế tốc độ tăng trưởng tín dụng và cung tiền.

Về chính sách tài khóa ở Việt Nam, chi ngân sách trung bình trong mấy năm gần đây lên tới 32% GDP. Một hệ quả của tình trạng chi ngân sách cao trong khi hệ số ICOR (hệ số sử dụng vốn) lớn là thâm hụt cán cân tổng thể của Việt Nam trong năm 2008, theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), có thể lên tới 7% GDP.

Với việc thực hiện gói kích thích kinh tế, mức thâm hụt tổng thể trong năm 2009 theo ước tính của IMF lên tới gần 10%. Điều này một mặt đặt ra một bài toán khó cho tài trợ thâm hụt ngân sách, mặt khác làm gia tăng nợ của khu vực công và tạo sức ép lên CPI.

Không những thế, việc tăng thâm hụt ngân sách sẽ làm định mức tín nhiệm quốc gia suy giảm, do đó làm tăng chi phí vay vốn của Chính phủ và doanh nghiệp trên thị trường quốc tế, đồng thời, làm giảm hạn mức đầu tư vào Việt Nam của các nhà đầu tư quốc tế.

Vì vậy, các chuyên gia nhấn mạnh, định hướng chính sách được đề xuất thực hiện cho năm nay là chú trọng đến chính sách tài khóa thắt chặt nhưng đồng thời tăng hiệu quả của chi ngân sách. Đồng thời, Chính phủ cần thận trọng với những dự án đầu tư đòi hỏi nguồn vốn ngân sách lớn.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng giảm thâm hụt ngân sách và cải cách cơ cấu kinh tế cũng là điều kiện cần thiết để giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng bền vững./.

Thùy Dương (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục