Đẩy mạnh đầu tư của doanh nghiệp vùng Kansai trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo, công nghiệp phụ trợ là một trong hai nội dung chính của Diễn đàn Đối thoại kinh tế Việt Nam- Kansai (Nhật Bản) lần thứ 5, được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng vào ngày 22/11.
Hơn 70 doanh nghiệp tên tuổi như Panasonic, Sharp, Sanyo, Hitachi Zosen, Sumitomo Metal, Takashimaya đến từ vùng Kansai (Nhật Bản) đã tham gia diễn đàn để tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung.
Ông Phùng Tấn Viết, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng, cho rằng đây là cơ hội để các tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước trực tiếp gặp gỡ, trao đổi hợp tác đầu tư kinh doanh trong những lĩnh vực mà khu vực và đối tác rất quan tâm.
[Khai mạc Diễn đàn đối thoại kinh tế VN-Kansai lần 5]
Diễn đàn cũng là cơ hội để Đà Nẵng nói riêng và các tỉnh miền Trung nói chung giới thiệu những tiềm năng hiện hữu đến các nhà đầu tư và kỳ vọng sẽ đón làn sóng đầu tư mới trong thời gian tới.
Xét về tiềm năng và cơ hội đầu tư, Đà Nẵng đã và đang trở thành điểm đến lý tưởng đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bên cạnh những chính sách thu hút đầu tư khá thông thoáng và ổn định, Đà Nẵng bám sát chủ trương “hạ tầng đi trước, dự án theo sau.” Theo đó, hàng loạt dự án hạ tầng trọng điểm đã được triển khai, trong đó đáng chú ý là dự án nâng cấp Sân bay quốc tế Đà Nẵng (tổng vốn đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng, sắp hoàn thành đưa vào khai thác); dự án nâng cấp cảng biển Tiên Sa, các dự án hạ tầng đường bộ, hàng loạt dự án cầu bắc qua sông Hàn.
Ngoài những khu công nghiệp đã hình thành và thu hút đáng kể các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã và đang tích cực xây dựng khu công nghiệp-công nghệ cao có diện tích 1.010ha.
Các tỉnh lân cận cũng đã và đang có những bước tiến vượt bậc về đầu tư hạ tầng, xây dựng những khu kinh tế trọng điểm, sẵn sàng quy hoạch những khu đất sạch để chào đón các nhà đầu tư; trong đó có Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô (Thừa Thiên-Huế), khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam), cảng và khu hậu cần cảng Tam Hiệp, kế hoạch phát triển Cụm cảng hàng không Chu Lai...
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP) là một kênh huy động vốn quan trọng trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng. Mô hình này được sử dụng thành công ở nhiều nước trên thế giới và đang được nghiên cứu, áp dụng tại Việt Nam.
PPP đã được triển khai tại Việt Nam dưới hình thức đầu tư theo Hợp đồng BOT, BTO và BT. Tính đến nay, đã có khoảng trên 90 dự án (bao gồm 9 dự án có vốn đầu tư nước ngoài) đầu tư dưới hình thức BOT, BT, hoặc các hình thức tương tự, với tổng vốn đăng ký đạt 7,1 tỷ USD, trong đó các dự án công trình giao thông chiếm 70% về số lượng dự án và 95% về vốn đầu tư. Các dự án còn lại bao gồm các công trình nhà máy điện, một số dự án viễn thông và nhà máy xử lý nước.
Hoạt động đầu tư theo các hình thức này đã góp phần đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư và trở thành một trong những mô hình đối tác đầu tư có hiệu quả giữa nhà nước và khu vực tư nhân trong phát triển cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư dưới các hình thức này còn một số hạn chế. Ngoài những yếu tố khách quan (như chi phí đầu tư lớn, độ rủi ro cao), những bất cập và chưa dự báo hết được thực tế của các quy định hiện hành về đầu tư theo hình thức BOT, BTO và BT là nguyên nhân làm giảm khả năng thu hút đầu tư trong lĩnh vực này.
Do vậy, Chính phủ chủ trương xây dựng khung chính sách PPP toàn diện, khả thi hơn nhằm đẩy mạnh hợp tác giữa Nhà nước và khu vực tư nhân. Khung chính sách PPP dự kiến sẽ được xây dựng theo thông lệ quốc tế, đáp ứng các tiêu chí về hiệu quả kinh tế, minh bạch, thị trường, tối đa hóa lợi ích, cạnh tranh bình đẳng giữa các nhà đầu tư, phân định và quản lý tốt rủi ro, vì lợi ích công cộng...
Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang khẳng định với các định hướng và giải pháp phát triển ngành công nghiệp chế tạo của Việt Nam đã và đang thực hiện tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ các quốc gia có nền công nghiệp chế tạo phát triển. Ưu tiên cho các dự án công nghiệp chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao. Khuyến khích, tạo điều kiện cho việc hình thành các khu công nghiệp chế tạo tập trung, các cụm liên kết (cluster) công nghiệp chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, nơi các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong các lĩnh vực kể trên có thể cung ứng sản phẩm cho nhau trong mạng lưới sản xuất.
Nhà nước hỗ trợ các hoạt động khoa học công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo, công nghiệp hỗ trợ; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao cho công nghiệp. Đây sẽ là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Nhật Bản vùng Kansai sang đầu tư tại Việt Nam, và là cơ hội lớn để Việt Nam có thể phát triển các ngành công nghiệp chế tạo cũng như các ngành công nghiệp hỗ trợ.
Trong thời gian 5-10 năm tới, Chính phủ Việt Nam đặc biệt khuyến khích và kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào các ngành công nghiệp chế tạo, các ngành công nghiệp công nghệ cao./.
Hơn 70 doanh nghiệp tên tuổi như Panasonic, Sharp, Sanyo, Hitachi Zosen, Sumitomo Metal, Takashimaya đến từ vùng Kansai (Nhật Bản) đã tham gia diễn đàn để tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung.
Ông Phùng Tấn Viết, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng, cho rằng đây là cơ hội để các tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước trực tiếp gặp gỡ, trao đổi hợp tác đầu tư kinh doanh trong những lĩnh vực mà khu vực và đối tác rất quan tâm.
[Khai mạc Diễn đàn đối thoại kinh tế VN-Kansai lần 5]
Diễn đàn cũng là cơ hội để Đà Nẵng nói riêng và các tỉnh miền Trung nói chung giới thiệu những tiềm năng hiện hữu đến các nhà đầu tư và kỳ vọng sẽ đón làn sóng đầu tư mới trong thời gian tới.
Xét về tiềm năng và cơ hội đầu tư, Đà Nẵng đã và đang trở thành điểm đến lý tưởng đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bên cạnh những chính sách thu hút đầu tư khá thông thoáng và ổn định, Đà Nẵng bám sát chủ trương “hạ tầng đi trước, dự án theo sau.” Theo đó, hàng loạt dự án hạ tầng trọng điểm đã được triển khai, trong đó đáng chú ý là dự án nâng cấp Sân bay quốc tế Đà Nẵng (tổng vốn đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng, sắp hoàn thành đưa vào khai thác); dự án nâng cấp cảng biển Tiên Sa, các dự án hạ tầng đường bộ, hàng loạt dự án cầu bắc qua sông Hàn.
Ngoài những khu công nghiệp đã hình thành và thu hút đáng kể các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã và đang tích cực xây dựng khu công nghiệp-công nghệ cao có diện tích 1.010ha.
Các tỉnh lân cận cũng đã và đang có những bước tiến vượt bậc về đầu tư hạ tầng, xây dựng những khu kinh tế trọng điểm, sẵn sàng quy hoạch những khu đất sạch để chào đón các nhà đầu tư; trong đó có Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô (Thừa Thiên-Huế), khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam), cảng và khu hậu cần cảng Tam Hiệp, kế hoạch phát triển Cụm cảng hàng không Chu Lai...
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP) là một kênh huy động vốn quan trọng trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng. Mô hình này được sử dụng thành công ở nhiều nước trên thế giới và đang được nghiên cứu, áp dụng tại Việt Nam.
PPP đã được triển khai tại Việt Nam dưới hình thức đầu tư theo Hợp đồng BOT, BTO và BT. Tính đến nay, đã có khoảng trên 90 dự án (bao gồm 9 dự án có vốn đầu tư nước ngoài) đầu tư dưới hình thức BOT, BT, hoặc các hình thức tương tự, với tổng vốn đăng ký đạt 7,1 tỷ USD, trong đó các dự án công trình giao thông chiếm 70% về số lượng dự án và 95% về vốn đầu tư. Các dự án còn lại bao gồm các công trình nhà máy điện, một số dự án viễn thông và nhà máy xử lý nước.
Hoạt động đầu tư theo các hình thức này đã góp phần đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư và trở thành một trong những mô hình đối tác đầu tư có hiệu quả giữa nhà nước và khu vực tư nhân trong phát triển cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư dưới các hình thức này còn một số hạn chế. Ngoài những yếu tố khách quan (như chi phí đầu tư lớn, độ rủi ro cao), những bất cập và chưa dự báo hết được thực tế của các quy định hiện hành về đầu tư theo hình thức BOT, BTO và BT là nguyên nhân làm giảm khả năng thu hút đầu tư trong lĩnh vực này.
Do vậy, Chính phủ chủ trương xây dựng khung chính sách PPP toàn diện, khả thi hơn nhằm đẩy mạnh hợp tác giữa Nhà nước và khu vực tư nhân. Khung chính sách PPP dự kiến sẽ được xây dựng theo thông lệ quốc tế, đáp ứng các tiêu chí về hiệu quả kinh tế, minh bạch, thị trường, tối đa hóa lợi ích, cạnh tranh bình đẳng giữa các nhà đầu tư, phân định và quản lý tốt rủi ro, vì lợi ích công cộng...
Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang khẳng định với các định hướng và giải pháp phát triển ngành công nghiệp chế tạo của Việt Nam đã và đang thực hiện tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ các quốc gia có nền công nghiệp chế tạo phát triển. Ưu tiên cho các dự án công nghiệp chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao. Khuyến khích, tạo điều kiện cho việc hình thành các khu công nghiệp chế tạo tập trung, các cụm liên kết (cluster) công nghiệp chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, nơi các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong các lĩnh vực kể trên có thể cung ứng sản phẩm cho nhau trong mạng lưới sản xuất.
Nhà nước hỗ trợ các hoạt động khoa học công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo, công nghiệp hỗ trợ; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao cho công nghiệp. Đây sẽ là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Nhật Bản vùng Kansai sang đầu tư tại Việt Nam, và là cơ hội lớn để Việt Nam có thể phát triển các ngành công nghiệp chế tạo cũng như các ngành công nghiệp hỗ trợ.
Trong thời gian 5-10 năm tới, Chính phủ Việt Nam đặc biệt khuyến khích và kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào các ngành công nghiệp chế tạo, các ngành công nghiệp công nghệ cao./.
Văn Sơn (TTXVN/Vietnam+)