Thủ tướng Mark Rutte xin lỗi về vai trò của Hà Lan trong thời kỳ nô lệ

Ông Rutte nêu rõ trong nhiều thế kỷ, chính phủ nước này đã ủng hộ chế độ coi con người như hàng hóa, khai thác sức lao động và đối xử không tốt với người nô lệ.
Thủ tướng Mark Rutte xin lỗi về vai trò của Hà Lan trong thời kỳ nô lệ ảnh 1Thủ tướng Mark Rutte tại một cuộc họp báo ở La Hay, Hà Lan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 19/12, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã lên tiếng xin lỗi về vai trò của quốc gia này khi áp chế độ nô lệ ở các nước thuộc địa suốt 250 năm.

Phát biểu tại Cục quản lý hồ sơ và văn khố quốc gia ở La Haye, Thủ tướng Mark Rutte đã thẳng thắn thừa nhận với các tổ chức vận động nâng cao nhận thức về hậu quả của chế độ nô lệ rằng trong quá khứ nhà nước Hà Lan đã kích hoạt, khuyến khích, duy trì và hưởng lợi từ hoạt động này trong nhiều thế kỷ.

Ông Rutte nêu rõ trong nhiều thế kỷ, chính phủ nước này đã ủng hộ chế độ coi con người như hàng hóa, khai thác sức lao động và đối xử không tốt với người nô lệ, "làm suy yếu phẩm giá của loài người theo cách tồi tệ nhất."

[Mỹ thông qua dự luật dỡ bỏ các bức tượng liên quan chế độ nô lệ]

Đáng tiếc là từ sau năm 1863, có rất ít chính phủ từng điều hành Hà Lan nhận ra rằng chế độ nô lệ trong quá khứ đã và vẫn đang còn ảnh hưởng tiêu cực đến thế giới.

Vì vậy, đại diện cho chính phủ Hà Lan ngày nay, Thủ tướng Mark Rutte gửi lời xin lỗi vì những điều này.

Ông cam kết các thành viên Chính phủ Hà Lan sẽ bắt đầu thảo luận để tìm cách chuyển hóa những lời xin lỗi trên thành những hành động có ý nghĩa thiết thực, phối hợp với các tổ chức và cơ quan chức năng.

Lời xin lỗi được người đứng đầu Chính phủ Hà Lan đưa ra gần 150 năm sau khi kết thúc chế độ nô lệ mà nước này áp dụng ở các thuộc địa nước ngoài, trong đó có Suriname ở Nam Mỹ, Indonesia ở Đông Nam Á, các quần đảo ở Caribbe như Curacao và Aruba.

Các Bộ trưởng trong Chính phủ Hà Lan cũng đã đến bảy nước từng là thuộc địa của nước này tại Nam Mỹ và Caribbe nhân dịp này.

Đại diện cho Aruba, Thủ tướng Evelyn Wever-Croes đã chấp nhận lời xin lỗi trong khi một số bên khác mong muốn phía Hà Lan có hành động cụ thể hoặc tổ chức đối thoại về vấn đề này.

Chính phủ Hà Lan cho biết sẽ tổ chức nhiều sự kiện tưởng niệm lớn bắt đầu từ năm sau, đồng thời thông báo dành quỹ 200 triệu euro (212 triệu USD) cho các sáng kiến xã hội về vấn đề này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục