Thủ tướng Nhật Bản dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp thêm ở 3 tỉnh

Osaka, Kyoto và Hyogo được dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp sau khi có tỷ lệ số ca nhiễm mới trên 100.000 người dân bằng hoặc thấp hơn 0,5 trong bảy ngày liên tiếp.
Thủ tướng Nhật Bản dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp thêm ở 3 tỉnh ảnh 1Người dân Nhật Bản di chuyển trên một đường phố. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 21/5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp vì dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở ba tỉnh thuộc khu vực Kansai gồm Osaka, Kyoto và Hyogo.

Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Abe cho biết tình trạng khẩn cấp tại khu vực thủ đô Tokyo và tỉnh Hokkaido ở cực Bắc có thể dỡ bỏ sớm nhất vào ngày 25/5. Lệnh tình trạng khẩn cấp hiện nay có hiệu lực tới ngày 31/5.

Một trong những tiêu chí quan trọng mà Chính phủ Nhật Bản đưa ra để dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp ở một địa phương đó là tỷ lệ số ca nhiễm mới trên 100.000 người dân tại đó phải bằng hoặc thấp hơn 0,5 trong bảy ngày liên tiếp. Cho đến thời điểm này, ba tỉnh Osaka, Kyoto và Hyogo đều đã đáp ứng được tiêu chí trên.

Hiện số ca mắc COVID-19 mới ở Tokyo và các tỉnh lân cận đang có xu hướng giảm. Riêng tại thủ đô Tokyo ngày 20/5 chỉ ghi nhận thêm 5 ca mới. Đây là ngày thứ 11 liên tiếp, số ca nhiễm mới ở thành phố này nằm dưới ngưỡng 30.

Tuy nhiên, Tokyo hiện là địa phương có số người mắc COVID-19 nhiều nhất ở Nhật Bản với 5.075 ca, không kể các công dân Nhật Bản hồi hương từ thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), cũng như các du khách nhiễm bệnh trên du thuyền Diamond Princess, trong đó vẫn còn 887 người đang được chữa trị.

Riêng đối với tỉnh Hokkaido, chính phủ đang theo dõi một cách thận trọng tình hình dịch bệnh ở tỉnh cực Bắc này, nơi vẫn phát hiện một số ca nhiễm mới.

Trước đó, ngày 16/4, Thủ tướng Abe đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc vì dịch COVID-19. Gần một tháng sau đó, ngày 14/5, ông đã quyết định dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp ở 39 trong tổng số 47 tỉnh, thành ở nước này.

Tính đến nay, Nhật Bản đã ghi nhận hơn 16.300 ca nhiễm, trong đó có hơn 770 người tử vong.

[Nhật Bản: Dịch COVID-19 nghiêm trọng hơn khủng hoảng tài chính 2008] 

Cùng ngày, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho biết do tác động của dịch COVID-19, từ tháng Hai tới ngày 20/5, đã có 9.569 người nước này đã bị mất việc làm.

Làn sóng sa thải nhân công và chấm dứt các hợp đồng lao động, đặc biệt là tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Nhật Bản, đã tăng từ tháng Tư vừa qua khi Thủ tướng Abe ban bố tình trạng khẩn cấp.

Thủ tướng Nhật Bản dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp thêm ở 3 tỉnh ảnh 2Nhiều nhà hàng phải đóng cửa do dịch COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo bộ trên, số người mất việc làm trong tháng Hai và Ba vừa qua lần lượt là 282 và 835. Con số này trong tháng Tư tăng lên tới 2.654 và dù chưa hết tháng Năm song đã có tới 5.798 người mất việc làm.

Một quan chức cấp cao Nhật Bản quan ngại số việc làm bị mất có thể còn tăng thêm. Những người làm trong lĩnh vực du lịch, các doanh nghiệp vận tải bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Trước đó, theo dự báo của Viện Nghiên cứu kinh tế và xã hội vùng Chubu, có trụ sở tại Nagoya, miền Trung Nhật Bản, đưa ra ngày 20/5, dịch COVID-19 có thể khiến hơn 3 triệu người tại nước này bị mất việc làm trong tài khóa 2020 (đến hết tháng 3/2021).

Theo viện trên, trong tình huống xấu nhất tới cuối năm nay mới khống chế được dịch bệnh, Nhật Bản có thể chứng kiến số người lao động giảm 4,5% so với năm 2019.

Giới chuyên gia cho rằng tác động của dịch COVID-19 đối với nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này còn nghiêm trọng hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính hồi năm 2008-2009, khi chỉ có khoảng 950.000 người bị mất việc làm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục