Thuế thuốc lá: Câu chuyện nghịch lý tồn tại suốt 20 năm qua

20 năm qua, giá thuốc lá sau khi đã điều chỉnh lạm phát hầu như không tăng, thậm chí giảm. Trong khi thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vẫn tăng đều đặn hàng năm.
Thuế thuốc lá: Câu chuyện nghịch lý tồn tại suốt 20 năm qua ảnh 1Kinh doanh thuốc lá trên phố Bảo Khánh, quận Hoàn Kiếm. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Tại cuộc họp về chủ đề liên quan tới các hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá mới đây, nhiều ý kiến tranh luận đưa ra cho thấy, ở Việt Nam, giá thuốc lá hầu như không tăng và tăng rất ít trong 20 năm qua, khiến người thu nhập thấp, thanh thiếu niên cũng rất dễ mua thuốc lá và đặc biệt tỷ lệ người hút thuốc lá khá cao ở nông thôn.

Giá thuốc lá không tăng, thậm chí còn giảm

Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng cục Quản lý Khám Chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, những năm qua, công tác phòng chống tác hại của thuốc lá còn gặp rất nhiều khó khăn.

Một trong những nguyên nhân chủ yếu của việc tỷ lệ hút thuốc lá còn cao và giảm chậm là do giá thuốc lá của Việt Nam vẫn rất rẻ, thậm chí ngày càng rẻ đi nếu so với thu nhập. Thuốc lá là sản phẩm gây nghiện, nhưng giá thuốc lá ở Việt Nam còn rất rẻ và được bày bán khắp nơi, khiến thanh thiếu niên, kể cả người nghèo, dễ dàng tiếp cận và sử dụng thuốc lá.

[Trên 20 triệu nam giới Việt Nam hút thuốc, đứng thứ 3 ASEAN]

Ông Khuê dẫn chứng, giá của một bao thuốc lá tại Việt Nam rẻ nhất là chỉ 6.000 đồng/bao, phổ biến là ở mức dưới 20.000 đồng/bao. Theo dữ liệu toàn cầu của WHO năm 2017, giá thuốc lá của Việt Nam nằm trong số 15 nước thấp nhất thế giới.

“20 năm qua, giá thuốc lá sau khi đã điều chỉnh lạm phát hầu như không tăng, thậm chí giảm. Trong khi thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vẫn tăng đều đặn hàng năm nên sản phẩm thuốc lá ngày càng trở nên dễ tiếp cận, với ngay cả nhóm thu nhập thấp và thanh thiếu niên,” ông Khuê nhấn mạnh.

Bàn về vấn đề giá và thuế thuốc lá tại Việt Nam, tiến sỹ Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam chỉ ra thực tế, thuế và giá thuốc lá tại Việt Nam đều thấp so với các nước.

Thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá của Việt Nam áp dụng trên giá bán ra của cơ sở sản xuất, vì vậy mặc dù tỷ lệ thuế hiện nay là 70% và tăng lên 75% vào năm 2019 thì tỷ lệ thuế (thuế tiêu thụ đặc biệt + VAT) trên giá bán lẻ chỉ chiếm từ 35% đến 40%.

Tiến sỹ Kidong Park phân tích, hiện thuế thuốc lá ở Việt Nam đang ở mức 35,6% giá bán lẻ, là mức thuế vào loại thấp trên thế giới do mức thuế thuốc lá bình quân của thế giới là 56% giá bán lẻ. So với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới thì càng thấp, bởi tổ chức này khuyến cáo thuế thuốc lá nên ở mức 70% giá bán lẻ.

Thuế thuốc lá: Câu chuyện nghịch lý tồn tại suốt 20 năm qua ảnh 2Tiến sỹ Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam (Thứ 2 từ phải qua). (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

“Với tỷ lệ 35%-40% thuế trên giá bán lẻ, Việt Nam nằm trong nhóm nước có thuế thấp nhất trên thế giới và khu vực ASEAN (chỉ cao hơn Lào và Campuchia),” tiến sỹ Kidong Park thẳng thắn.

Theo Điều tra Toàn cầu về sử dụng thuốc lá (GATS 2015), Việt Nam nằm trong số 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. Tỷ lệ hút thuốc của nam giới là 45.3%. 

Nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, hàng năm có trên 40.000 người Việt Nam tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Như vậy, mỗi ngày Việt Nam có khoảng 110 người tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá.

Các chuyên gia cảnh báo, nếu Việt Nam không có những biện pháp can thiệp kịp thời thì con số người tử vong vì thuốc lá mỗi năm sẽ gia tăng lên 70.000 người mỗi năm vào năm 2030.

Hai kịch bản tăng thuế thuốc lá

Thống kê của ngành y tế cho thấy, năm 2015, người dân Việt Nam đã chi 31.000 tỷ đồng cho mua thuốc lá. Ngoài ra, chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm cho 5 nhóm bệnh (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa-hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ) do hút thuốc gây ra là hơn 23.000 tỷ đồng/năm.

Trước thực trạng trên, Nghị quyết số 20/NQ-TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới đã yêu cầu: “Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các hàng hóa có hại cho sức khoẻ như đồ uống có cồn, có ga, thuốc lá để hạn chế tiêu dùng.”

Theo mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về phòng chống tác hại thuốc lá đến năm 2020, ngày 25/01/2013, của Thủ tướng Chính phủ: “sẽ phải giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nam giới còn 39% vào năm 2020, tức là giảm 6,3% so với năm 2015.”

Ông Kidong Park cho rằng, một trong những nguyên nhân của việc số người hút thuốc lá ở Việt Nam còn cao và giảm chậm là do giá thuốc lá còn rất rẻ, thậm chí ngày càng rẻ đi so với thu nhập.

Thuế thuốc lá: Câu chuyện nghịch lý tồn tại suốt 20 năm qua ảnh 3Có hơn 20 triệu nam giới Việt Nam đang hút thuốc lá. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Để đạt được mục tiêu quốc gia của Chính phủ, và đồng thời giảm tỷ lệ mắc và tử vong do thuốc lá gây ra, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, tiến sỹ Kidong Park cho hay, việc tăng thuế thuốc lá ở Việt Nam có thể theo 1 trong 2 phương án.

Phương án 1: Phương án góp phần đạt mục tiêu quốc gia về giảm tỷ lệ hút thuốc. Từ 1/1/2020, bên cạnh biểu thuế theo tỷ lệ hiện hành, bổ sung thuế tuyệt đối với thuốc lá ở mức 2.000 đồng/bao. Với mức thuế tăng như trên, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới có thể giảm 3%, giúp tránh được 300.000 ca tử vong sớm do hút thuốc, tăng doanh thu thuế thuốc lá thêm 6.300 tỷ/năm.

Phương án 2: Phương án tối ưu giảm tỷ lệ hút thuốc, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng. Từ 1/1/2020, bên cạnh biểu thuế theo tỷ lệ hiện hành, bổ sung thuế tuyệt đối với thuốc lá ở mức 5.000 đồng/bao. Với mức thuế tăng như trên, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới có thể giảm 6,3%, giúp tránh được 900.000 ca tử vong sớm do hút thuốc, tăng doanh thu thuế thuốc lá thêm 10.700 tỷ đồng/năm.

Vì thế, để đạt được mục tiêu giảm giảm tỷ lệ hút thuốc lá của nam giới từ 47% xuống 39% vào năm 2020, vị chuyên gia của WHO khẳng định Việt Nam cần áp mức thuế tối thiểu là 2.000 đồng một bao và tối ưu là 5.000 đồng.

Theo báo cáo của Qũy phòng chống tác hại của thuốc lá, hiện nay do thuế thuốc lá thấp, lượng thuốc lá tiêu thụ ở Việt Nam rất cao, trong khi mỗi năm thuế thuốc lá chưa đạt 1 tỉ USD, trong khi Thái Lan đã tăng thuế 11 lần trong hơn 20 năm qua, số người hút thuốc lá giảm xuống còn xấp xỉ 20% nam giới, nhưng thu được 2 tỷ USD thuế/năm.

Tại Thái Lan, tỷ lệ thuế rất cao, chiếm tới 70% giá bán lẻ (tương đương với việc Việt Nam đánh thuế tiêu thụ đặc biệt 600-700%). Với tỷ lệ thuế này, Thái Lan đã chặn được tốt độ tăng của tỷ lệ hút thuốc. Sản lượng thuốc lá điếu của Thái Lan là 2 tỷ bao tức là bằng một nửa Việt Nam. Nhưng số thu thuế của Thái Lan đạt 2 tỷ USD, gần gấp 3 lần số thu của Việt Nam là khoảng 700 nghìn USD.

Để giảm những nguy cơ sức khoẻ và tổn thất liên quan đến việc sử dụng thuốc lá và đẩy mạnh việc thực thi chính sách để giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá một cách hiệu quả, WHO khuyến cáo Việt Nam nói riêng và các nước cần áp dụng các biện pháp nhằm làm giảm sử dụng thuốc lá.

WHO chỉ rõ, việc tăng thuế cao đối với các sản phẩm thuốc lá để giúp giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá./.

Vì một thế giới không khói thuốc lá. (Nguồn: Vnews)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục