"Thuốc mới" để nâng cao chất lượng dân số

Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình triển khai 2 mô hình mới nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng đầu vào dân số, cải thiện giống nòi.
Hội nghị hướng dẫn triển khai mô hình tư vấn, kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân và mô hình can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống do Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tổ chức vừa diễn ra ngày 8/9 tại Hà Nội.

Tiến sĩ Dương Quốc Trọng - Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình nhận định đây là 2 mô hình rất mới, nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng đầu vào dân số, cải thiện giống nòi.

Ban đầu mô hình tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân được thực hiện thí điểm tại 20 xã thuộc 10 huyện của các tỉnh Hà Giang, Hà Tĩnh, Sóc Trăng, Hải Dương.

Còn mô hình can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống được thí điểm tại tỉnh Cao Bằng, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Đắk Lắk. Thời gian triển khai thí điểm 2 mô hình này từ tháng 9/2009- 12/2010.

Trên thực tế, tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống diễn ra khá nhiều và đặc biệt phổ biến ở các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Trong khi đó, đây chính là nguyên nhân cơ bản khiến trẻ em sinh ra bị khuyết tật hay mắc các bệnh hiểm nghèo do di truyền, làm suy thoái chất lượng giống nòi.

Chị H'Lê Niê - cán bộ tại Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Đắk Lắk cho biết, dở dĩ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn diễn ra là do tập tục lâu đời của các dân tộc.

Chẳng hạn, theo phong tục người Mnông, Êđê thì con cô và con cậu được phép lấy nhau. Cũng theo tập quán mẫu hệ, nữ giới 15 - 16 tuổi là phải đi lấy chồng, quá độ tuổi này thì coi như "ế"./.

(Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục