Thương lượng để chấm dứt khủng hoảng ở Libya

Ngày 18/6, Tổng Thư ký LHQ cho biết tiến trình thương lượng để chấm dứt cuộc khủng hoảng Libya đã bắt đầu dưới sự bảo trợ của LHQ.
Ngày 18/6, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho biết mặc dù một thỏa thuận hòa bình để chấm dứt cuộc khủng hoảng Libya vẫn còn xa nhưng tiến trình thương lượng đã bắt đầu dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc.

Ông Ban Ki-moon nhấn mạnh tìm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng vẫn là ưu tiên cao nhất của Liên hợp quốc, vì vậy, các nỗ lực phối hợp và một thông điệp nhất quán từ cộng đồng quốc tế đến các bên trong cuộc xung đột Libya hiện nay có vai trò rất quan trọng và cần chuẩn bị "kế hoạch hậu xung đột đối với Libya."

Tổng Thư ký Liên hợp quốc bày tỏ lo ngại về tình hình nhân đạo ở Libya.

Trong khi đó, Chủ tịch Công ước Liên hợp quốc về chống mìn sát thương đã cảnh báo về việc sử dụng các loại mìn sát thương mới ở Libya đi ngược lại những tiêu chuẩn quốc tế thông thường.

Hiện tại, 1,5 triệu người Libya đang sống trong hoàn cảnh thiếu thốn lương thực, nhiên liệu, thuốc chữa bệnh, chỗ ở, nước sạch và họ cần hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp. Tuy vậy, các nỗ lực nhân đạo của Liên hợp quốc đang diễn ra trong các điều kiện cực kỳ khó khăn.

Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) mới chỉ chuyển các trợ giúp lương thực thiết yếu đến hơn 500 nghìn người dân Libya bị tác động của xung đột, đáp ứng 1/3 nhu cầu.

Văn phòng Liên hợp quốc điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) cho biết quỹ cứu trợ 408 triệu USD được Liên hợp quốc phát động trong tháng 5/2011 để cứu trợ nhân đạo dự kiến lên tới hai triệu người Libya trong vài tháng tới hiện mới nhận được 51% chỉ tiêu này.

Cùng ngày, tại thủ đô Cairo của Ai Cập, các quan chức cấp cao của Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu (EU), Liên đoàn Arập (AL), Tổ chức hội nghị Hồi giáo (OIC) và Liên minh châu Phi (AU) đã tổ chức hội nghị về tình hình Libya, đồng thời kêu gọi một giải pháp chính trị cho vấn đề bất ổn đang diễn ra tại quốc gia Bắc Phi này.

Hội nghị cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của Liên hợp quốc và sự cần thiết thực hiện đầy đủ các nghị quyết 1970 và 1973 của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.

Một thông cáo báo chí được đưa ra sau cuộc họp tại trụ sở của AL nhấn mạnh tầm quan trọng thúc đẩy đưa ra một giải pháp chính trị đáp ứng những nguyện vọng chính đáng của nhân dân Libya.

Tham dự cuộc họp cùng với Tổng thư ký mãn nhiệm của AL Amr Moussa và Chủ tịch AU Jean Ping, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU, bà Catherine Ashton phát biểu trước báo giới rằng cộng đồng quốc tế cần ủng hộ nhân Libya lựa chọn tương lai theo mong muốn của họ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục