Thụy Sĩ vẫn ưu đãi thuế cho người giàu nước ngoài

Chính phủ Thụy Sĩ đã bác đề nghị của phe cánh tả đòi bỏ các quy định ưu đãi về thuế cho các cư dân nước ngoài giàu có ở nước này.
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, Chính phủ Thụy Sĩ cuối tuần qua đã phản đối đề nghị của các đảng cánh tả và các tổ chức công đoàn muốn bãi bỏ các quy định ưu đãi về thuế cho phép những cư dân nước ngoài giàu có ở Thụy Sĩ trả thuế ít hơn, với lý lẽ cho rằng những quy định hiện nay vẫn là nguồn đóng góp quan trọng giúp tăng doanh thu, tới 668 triệu Franc Thụy Sĩ (705 triệu USD)/năm.

Tuy nhiên, chính phủ cho biết các quy định hiện hành sẽ được điều chỉnh từ năm 2016 theo hướng tăng thuế.

Các đảng cánh tả và tổ chức công đoàn cho rằng thật không công bằng khi người giàu Thụy Sĩ phải đóng thuế dựa trên tài sản và thu nhập của họ, còn người giàu nước ngoài thì không. Đáp lại, Chính phủ Thụy Sĩ coi việc điều chỉnh sắp tới sẽ là giải pháp đúng đắn dung hòa giữa tính bình đẳng và mục tiêu thu hút như một trung tâm tài chính của Thụy Sĩ.

Các quy định mới dự kiến sẽ mở rộng phạm vi đóng thuế đối với những người "siêu giàu" và sẽ áp dụng từ năm 2016 đối với những người chuyển đến Thụy Sĩ từ năm 2014. Những người nước ngoài hiện sống ở Thụy Sĩ sẽ được gia hạn thêm một vài năm trước khi áp dụng các quy định mới vào năm 2020.

Khoảng 5.000 người được hưởng lợi từ các quy định ưu đãi về thuế hiện nay, mà các chuyên gia thuế cho rằng nó là chỉ có giá trị đối với những cá nhân có tài sản trên 3,7 triệu phrăng Thụy Sĩ. Trong số những người nổi tiếng được hưởng lợi từ chính sách ưu đãi thuế hiện nay là nhà sáng lập tập đoàn chuyên kinh doanh đồ gia dụng Ikea Thụy Điển, Ingvar Kamprad.

Ông Kamprad được tạp chí kinh doanh Thụy Sĩ, Bilan đánh giá là người giàu nhất Thụy Sĩ với giá trị tài sản ròng lên tới 39 tỷ Franc.

Chính sách ưu đãi về thuế đã bị tranh cãi ở nhiều bang của Thụy Sĩ và Zurich là bang đầu tiên bãi bỏ ưu đãi này vào năm 2009. Tuy nhiên, trong hai năm qua sau khi chính sách thuế ưu đãi này bị bãi bỏ, gần một nửa số triệu phú nước ngoài ở Zurich đã rời khỏi bang này. "Sự chảy máu" triệu phú đã khiến Zurich mất đi khoảng 12,2 triệu phrăng tiền thuế trong năm 2011.

Chiến dịch vận động bãi bỏ các quy định này vẫn tiếp tục diễn ra ở nhiều bang trong số 26 bang của Thụy Sĩ. Những người tham gia chiến dịch tiến hành thu thập chữ ký để mở đường cho cuộc trưng cầu dân ý có thể diễn ra trong vài ba năm tới./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục