Tiềm năng Việt Nam-Na Uy trong chế biến phụ phẩm thủy sản

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Na Uy tại Thành phố Hồ Chí Minh chiều 14/11, iới thiệu các giải pháp công nghệ và kỹ thuật tiên tiến của Na Uy trong ngành chế biến thủy sản và việc tận thu phụ phẩm.
Tiềm năng Việt Nam-Na Uy trong chế biến phụ phẩm thủy sản ảnh 1Doanh nghiệp Việt Nam, Na Uy và các cơ quan quản lý của Việt Nam đang bàn về cơ hội hợp tác trong ngành chế biến phụ phẩm thủy sản và các biện pháp hỗ trợ của nhà nước đối với ngành. (Nguồn: Vietnam+)

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Na Uy về chế biến sản phẩm chất lượng cao từ phụ phẩm thủy sản đã diễn ra lần đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh chiều 14/11.

Diễn đàn do Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Thương vụ Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam tổ chức, thu hút sự tham gia của hơn 70 đại biểu là đại diện các công ty đến từ Na Uy, Tổng cục Thủy sản, Bộ Khoa học Công nghệ, Đại học Nha Trang, các công ty tiên phong của Việt Nam trong lĩnh vực chế biến phụ phẩm thủy sản từ cá tra và tôm là Vĩnh Hoàn và Vietnam Food, cùng nhiều doanh nghiệp khác.

Mục tiêu của sự kiện là giới thiệu các giải pháp công nghệ và kỹ thuật tiên tiến của Na Uy trong ngành chế biến thủy sản cũng như làm thế nào để tận dụng tối đa nguồn phụ phẩm của ngành vốn rất giàu giá trị dinh dưỡng.

Theo ông Trần Đình Luân, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, tổng sản lượng thủy sản khai thác mỗi năm là 7 triệu tấn, trong đó phụ phẩm chiếm 15 - 20%.

Để khai thác triệt để lợi ích kinh tế của nguồn phụ phẩm này cần phải đẩy mạnh đầu tư vào khoa học công nghệ, máy móc thiết bị, và thương mại.

Từ lâu, phụ phẩm thủy sản vẫn bị coi là phế liệu “tuy nhiên, cần phải thay đổi cách nghĩ của mọi người về điều này, đây là nguồn lợi chứ không phải phế liệu,” đại diện của Công ty Na Uy Skala AS nói.

Với công nghệ và các thiết bị tiên tiến, Na Uy đã và đang thành công trong việc sử dụng phụ phẩm thủy sản làm nguyên liệu sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng cao áp dụng trong nhiều lĩnh vực như dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng.

Ông Harald Navedal, Tham tán thương mại của Đại sứ quán Na Uy cho biết “Theo triết lý của người Na Uy, phụ phẩm thủy sản có giá trị cao tới mức chúng tôi phải sử dụng tất cả. Đây là lĩnh vực Na Uy sẽ hợp tác chặt chẽ hơn nữa với Việt Nam trong những năm tới.”

Công nghệ hiện đại và nguồn nguyên liệu đầu vào đạt chất lượng là các yếu tố quan trọng của ngành chế biến thủy hải sản.

Điều Việt Nam cần hiện nay là một chuỗi dịch vụ hậu cần hoạt động hiệu quả. Nguyên liệu thủy sản phải được bảo quản phù hợp ngay từ khâu đầu tiên. Khi chất lượng phụ phẩm thủy sản được đảm bảo, giá trị kinh tế của chúng sẽ lớn hơn.

Theo ông,  đối với đầu tư công nghệ, doanh nghiệp Việt cần nghĩ xa hơn, phải hướng tới những sản phẩm chất lượng cao đạt tiêu chuẩn dùng cho người như Omega 3, dầu cá, thực phẩm chức năng …

"Ngay khi chuỗi hậu cần vận hành hiệu quả, chúng ta sẽ sản xuất được các sản phẩm cao cấp có thể cạnh tranh với bất cứ công ty nào,” ông Harald Navedal nói.

Mười công ty Na Uy hoạt động trong lĩnh vực chế biến thủy sản hiện đang có chuyến công tác tại Việt Nam để tìm hiểu thị trường cũng như cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước trong lĩnh vực này.

“Chúng tôi đã gặp gỡ và làm việc với nhiều công ty Việt Nam, và nhận thấy tiềm năng hợp tác là rất lớn. Đã có một vài cái tên các doanh nghiệp Việt Nam có khả năng trở thành nhà cung ứng nguyên liệu phụ phẩm thủy sản đầu vào có chất lượng và trở thành một phần trong chuỗi giá trị của chúng tôi,” đại diện của hai công ty Firmenich Bjørge Biomarin AS và Tripple Nine chia sẻ.

Tiềm năng Việt Nam-Na Uy trong chế biến phụ phẩm thủy sản ảnh 2Đại sứ chỉ định của Na Uy tại Việt Nam Bà Grete Løchen (bên phải) đang trao đổi với Giám đốc công ty Vietnam Food (giữa) và doanh nghiệp Na Uy. (Nguồn: Vietnam+)

Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Bà Grete Lochen cho biết “Cơ chế phối hợp ba bên giữa Chính phủ, các trung tâm nghiên cứu và ngành từ lâu đã là mô hình hợp tác hiệu quả ở Na Uy góp phần vào sự thành công của nhiều lĩnh vực trong đó có chế biến phụ phẩm thủy sản.”

Các chính sách hỗ trợ của nhà nước đặc biệt trong chuyển giao công nghệ, quản lý hoạt động đánh bắt, bảo quản và chế biến, cần được xây dựng trên cơ sở đáp ứng nhu cầu cũng như mối quan tâm của doanh nghiệp.

Vì thế các chuyên gia tại Diễn đàn cũng đã trao đổi và bàn về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam vươn xa hơn nữa trong chuỗi giá trị đồng thời nâng cao giá trị kinh tế của ngành.

“Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và công nghệ tiên tiến để giúp Việt Nam phát triển hơn nữa ngành chế biến phụ phẩm thủy sản đồng thời mở ra cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước,” ông Harald Naevdal nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục