Từ ngày vào làm việc trong ngành hàng không, những tiếp viên hàng không luôn xác định là không bao giờ có ngày lễ, Tết.
Với họ, ngày Tết là một thứ xa xỉ và chưa bao giờ trọn vẹn cùng gia đình khi lịch bay dày đặc, đóng góp thầm lặng cho mỗi chuyến bay an toàn, để nối những nhịp cầu sum họp của nhiều người trên mọi miền đất nước.
Không có khái niệm lễ, Tết
Chuông điện thoại từ Trung tâm điều độ tiếp viên ngày 29 Tết vang lên. Vài tiếng sau, Tiếp viên trưởng hãng hàng không Vietnam Airlines Lê Hồng Minh, 33 tuổi, quê Quảng Bình đã có mặt tại sân bay Nội Bài cùng với chiếc valy để chuẩn bị hành trình sang Nhật Bản.
[‘Sải cánh vươn cao’ và câu chuyện về chiếc máy bay mơ ước]
Làm nghề tiếp viên từ năm 2005-2018, với 13 năm đón Tết xa nhà, chị Minh thành thật bảo, chồng và các con quen với việc đó, thậm chí chỉ hỏi “Tết này mẹ đón Giao thừa ở nước nào?”.
Giọng nói xen lẫn chút tự hào, chị Minh kể về duyên cớ dấn thân theo nghiệp bay.
Khi còn sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn trong thời gian nghiên cứu làm luận văn về ngành hàng không, đọc các tài liệu và biết được thông tin Vietnam Airlines tuyển tiếp viên, chị đi thi thử nhưng không ngờ lại đỗ và từ đó chuyển hẳn sang làm tiếp viên.
Với nền tảng tiếng Anh tốt, chị phải trải qua quy trình đà tạo tiếp viên 6 tháng, từ học cách sơ cứu, đi đứng, trang điểm, nở nụ cười, nhận biết phân biệt hàng hóa nguy hiểm, an ninh an toàn hàng không… Tất cả là một khối kiến thức khổng lồ, bắt buộc mọi tiếp viên đều phải nắm vững.
Để trở thành tiếp viên trưởng, ngoài việc có bằng đại học là một ưu thế, tiếp viên phải từng trải qua làm tiếp viên thường, tiếp viên khoang hạng thương gia, tiếp viên trưởng bậc 1 (bay tàu bay nhỏ như A321 hoặc ATR72) và tiếp viên bậc 2 (bay tất cả tàu bay).
“Đã từ lâu, những nữ tiếp viên không còn khái niệm ngày cuối tuần hay lễ Tết. Họ tính ngày tháng theo khái niệm ngày bay, ngày không bay, xa bố mẹ, chồng con,” chị Minh kể.
Nhớ lại những lần đón Tết trên máy bay, cô Tiếp viên trưởng không khỏi chạnh lòng lòng với rất nhiều cảm xúc lạ và nỗi nhớ nhà.
Cách đây 5 năm, sau hành trình bay từ Nhật Bản về, từ Thành phố Hồ Chí Minh, chị vội vã mua vé máy bay đi Vinh để tiếp tục về Quảng Bình. Tuy nhiên, do thời tiết xấu, chuyến bay đã phải chuyển hướng hạ cánh xuống Nội Bài (Hà Nội). Chị đành phải chờ đến ngày 1 Tết mới có thể mua vé bay về Quảng Bình.
Đêm Giao thừa, một mình chị Minh dạo bước đi xem bắn pháo hoa ở Hồ Hoàn Kiếm cảm thấy không khí Tết đến với mọi nhà nhưng trong lòng thấy trống vắng, buồn bã và bồn chồn vì nếu không có sự cố khách quan này thì giờ này chị đang cùng với gia đình nâng ly rượu, ăn chiếc bánh và hàn huyên chuyện của năm cũ.
“Tết vẫn vậy, phải có những người làm để nhịp sống vẫn giữ được thăng bằng, để những chuyến bay là cầu nối đưa hành khách về sum họp gia đình,” chị Minh nói chậm rãi.
Trên các chuyến bay từ nước ngoài về, chị Minh ấn tượng với kiều bào khi mặc những bộ trang phục truyền thống và mỗi lần tiếp viên cất tiếng chào, rất nhiều hành khách xúc động bởi chỉ nghe giọng nói họ đã cảm thấy thân thương, tiếng quê hương trong mỗi người con xa xứ.
Hay cách đây 5 năm, chuyến bay từ Bắc Kinh về Hà Nội, trên ghế ngồi phổ thông có bà mẹ và 1 trẻ nhỏ khoảng gần 1 tuổi nhưng lại không có đồ đạc, hành lý gì về ăn Tết. Lúc xuống máy bay và ra nhà ga hàng không, chị Minh nhận thấy hành khách đó vẫn ngồi tại ghế nhà chờ và vẻ mặt buồn bã, hoảng loạn.
Tiến lại gần hỏi, chị mới giật mình khi bà mẹ đó chia sẻ là người dân tộc Tày ở Lạng Sơn đi lao động Trung Quốc nhưng bị bắt về làm vợ. Sau 12 năm, chị trốn được khỏi nhà chồng và với sự hỗ trợ từ Đại sứ quán Việt Nam nên trở về quê đón Tết.
Chị Minh liên lạc với an ninh sân bay, nhờ liên hệ với gia đình ở Lạng Sơn để đưa bà mẹ trẻ này về quê. Sau 2 ngày ăn ở cùng hành khách, chị vội vã nhờ chồng mang quần áo của con mình để đưa cho em bé mặc. Ngày 30 Tết, người phụ nữ trẻ này gọi điện thông báo đã về tới nhà và cảm ơn vì sự giúp đỡ nhiệt tình này.
Đó là kỷ niệm đáng nhớ trong nghề tiếp viên mà mỗi lần nhắc lại chị Minh cảm thấy rưng rưng nước mắt trước hoàn cảnh và số phận của người phụ nữ trẻ sao bao năm lưu lạc xứ người đã được trở về đoàn tụ cùng gia đình.
Tiếp viên rất sợ “chết lâm sàng”
Đó là làm việc căng thẳng, quá sức và ngủ lệch múi giờ khiến nhiều tiếp viên sau khi bay trở về nhà đều cảm thấy mệt mỏi, muốn có không gian riêng để ngủ, nghỉ ngơi.
Thậm chí, một số tiếp viên mắc bệnh đau dạ dày do thời gian ăn uống thất thường, không đúng giờ, chưa kể sau khi ăn xong vào làm việc luôn nên dễ mắc phải. Tiếp viên cũng có thể bị cận thị do làm việc trong điều kiện khoang máy bay thiếu ánh sáng.
Đã có lúc, chị nghĩ rằng sẽ bay 4 ngày và nghỉ 4 ngày kế tiếp (bay 50/50) nhưng đợt nghỉ ốm 2 tuần lại thấy lòng trống vắng lạ kỳ, lắm lúc ngủ giật mình vì nghĩ rằng có điện thoại từ trung tâm điều độ tiếp viên nhắc nhở giờ bay và hành trình. Sau khi ốm, công việc cuốn theo nên chị lại từ bỏ suy nghĩ đó.
[Máy bay Vietnam Airlines hạ cánh khẩn để cấp cứu 2 hành khách]
Theo chị Minh, tất cả các chuyến bay ngày Tết, trước khi bay, lãnh đạo Vietnam Airlines đều mừng tuổi, tặng quà tổ bay để động viên, chúc Tết. Đội tổ bay cũng chuẩn bị bánh chưng, bánh kẹo mang lên máy bay. Khi các công việc hoàn thành, tiếp viên bóc bánh chưng ăn trên máy bay đó là cảm giác và hương vị khác so với ngày thường.
Đặc biệt, thời gian chờ để lên máy bay dịp Tết rất nôn nao và buồn bã vì nhớ nhà nhưng khi đã đặt chân lên máy bay, chị Minh không còn nghĩ đến bởi trách nhiệm công việc và nghề tiếp viên đòi hỏi phải tập trung cao nhất để đảm bảo chất lượng dịch vụ, an toàn bay cho hành khách.
Có chồng làm bên Công ty Kỹ thuật máy bay (VAECO), một thành viên của Vietnam Airlines nên cũng chia sẻ và thông cảm. Có Tết, cả 2 vợ chồng đều đi làm nên con cái phải gửi về nhà ông bà trước Tết để an tâm công tác.
“Con cái cũng có thiệt thòi so với bạn bè đồng trang lứa khi dịp Giao thừa gia đình hiếm khi được đầy đủ thành viên. Tuy nhiên, mọi người đều phải thông cảm và chia sẻ vì đặc thù nghề tiếp viên hàng không,” chị Minh nói.
Và, những chuyến bay cứ liên tục cất hạ cánh ở đường băng, bóng dáng khuất dần nơi khoảng trời xa giống như lát cắt nhỏ về cuộc đời của những con người nay đây, mai đó với thân phận “làm dâu trăm họ”…/.