"Tiêu cực trạm cân xe sẽ được hạn chế tới mức thấp nhất"

Các trạm cân lưu động được trang bị đồng loạt cho 63 tỉnh, thành sẽ “siết” được xe quá tải, hạn chế tiêu cực từ nhân viên vận hành.
"Tiêu cực trạm cân xe sẽ được hạn chế tới mức thấp nhất" ảnh 1Lực lượng liên ngành kiểm tra tải trọng xe qua trạm cân lưu động. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Thời gian qua, liên ngành và các địa phương cũng như cả hệ thống chính trị đã vào cuộc rất quyết liệt về công tác kiểm soát tải trọng xe trên các tuyến Quốc lộ và bước đầu đã có những thành công, tạo dấu ấn trong việc “siết” lại kỷ cương hoạt động vận tải hàng hóa bằng đường bộ.

Tuy nhiên, liên tiếp trong thời gian vừa qua, tại các trạm cân lưu động thuộc 2 tỉnh, thành là Hà Nam và Thừa Thiên Huế, một số lái xe tìm mọi cách phá hoại các thiết bị cân tải trọng xe.

Những vụ việc này đã báo động thực trạng tài xế “làm liều” khi bị “siết chặt” về xe quá tải và khiến dư luận lo ngại về hoạt động của các trạm cân còn lại do chế tài chưa đủ sức răn đe.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải).

"Chở quá tải là cạnh tranh không lành mạnh"

- Năm 2013, cả nước lần đầu tiên triển khai công tác kiểm soát tải trọng xe trên hệ thống đường bộ trong phạm vi toàn quốc. Ông có thể đánh giá về những kết quả đạt được?

Ông Nguyễn Xuân Cường: Năm 2013, Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với Tổng cục Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an) và 53/63 tỉnh, thành phối hợp thí điểm triển khai kiểm soát xe quá tải trên các Quốc lộ đi qua địa bàn và đường bộ địa phương.

Mặc dù, các địa phương chưa làm đồng loạt, liên tục và thường xuyên nhưng kết quả bước đầu đã thức tỉnh và tạo sự chuyển biến trong nhận thức của một số doanh nghiệp vận tải, chủ hàng, lái xe đặc biệt là tạo sự quan tâm đồng thuận của dư luận xã hội.

Tại các đoạn, tuyến Quốc lộ có hoạt động kiểm soát xe quá tải của lực lượng liên ngành, số xe quá tải vi phạm đã giảm. Đây là thành công bước đầu, tạo dấu ấn trong việc “siết” lại kỷ cương về hoạt động vận tải.

- Thực tế, nhiều doanh nghiệp vận tải “than”, bắt buộc phải chở quá tải để bù đắp chi phí và có lãi để tồn tại. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?


Ông Nguyễn Xuân Cường:
Tôi cho rằng, nhận thức của doanh nghiệp vận tải, chủ xe như vậy là không đúng.

Việc chở quá tải thực chất là giảm giá vận chuyển, là một cách cạnh tranh không lành mạnh, tạo mặt bằng giá ảo, gây hỗn loạn thị trường và loại bỏ cuộc chơi của những đơn vị vận tải làm ăn nghiêm túc.

Còn nếu chủ hàng, chủ doanh nghiệp chở đúng tải trọng cho phép, chấp hành quy định Luật giao thông đường bộ thì sẽ không bị xử phạt hoặc sẽ không phải chịu những chi phí không chính thức như: xe ít bị hỏng, lâu bị khấu hao, giảm nguy cơ tai nạn, trả lương cho lái xe thấp hơn, năng suất vận chuyển lưu thông không giảm (trước chở 1 chuyến thì nay tăng lên 2 đến 3 chuyến)… Như vậy, nếu các chủ thể trên chở đúng tải trọng thì vẫn có lãi nhưng trước mắt thì lãi ít, tạo sự cạnh tranh lành mạnh về giá phù hợp với quy luật thị trường.

- Hiện, lái xe tìm mọi cách trốn tránh lực lượng chức năng bằng cách xếp hàng dài, tìm tuyến đường tránh để vượt trạm, thậm chí là chống đối. Vậy, lực lượng liên ngành sẽ có biện pháp nào để xử lý những sự việc này?

Ông Nguyễn Xuân Cường: Theo tôi, đây là một thực trạng đã xảy ra ở một vài nơi.

Để giải quyết vấn đề này, trong tháng 1 này, Bộ Giao thông Vận tải sẽ cấp đủ 63 bộ cân lưu động cho tất cả tỉnh, thành cùng đồng loạt kiểm soát xe quá tải. Một xe quá tải lưu thông qua 10 tỉnh có thể bằng cách này hay cách khác vượt qua vài trạm cân nhưng không thể “lọt” quá cả 10 trạm.

Mặt khác, trong quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng luôn luôn phải thực hiện đúng quy trình kiểm tra xử lý vi phạm ôtô chở hàng quá tải.

Đối với những lái xe có biểu hiện cản trở, chống đối không chấp hành hiệu lệnh và hướng dẫn, gây hư hỏng thiết bị cân thì lực lượng chức năng sẽ đề nghị cơ quan pháp luật xử lý nghiêm để làm gương.

Xử nghiêm lái xe phá hoại, loại bỏ tiêu cực

- Chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, hai trạm cân ở Hà Nam và Thừa Thiên Huế bị lái xe phá hỏng đang khiến dư luận lo ngại về hoạt động của các trạm cân còn lại do chế tài chưa đủ sức răn đe. Ông nghĩ gì về thực tế này?

Ông Nguyễn Xuân Cường: Hai trạm cân bị xe ôtô làm hư hỏng là do lái xe chủ động điều khiển phương tiện với tốc độ cao lao vào trạm cân làm thiết bị hư hỏng, thể hiện rõ ý đồ phá hoại tài sản Nhà nước.

Những đối tượng này làm việc đó nhằm mục tiêu để các lực lượng chức năng không kiểm soát được tải trọng xe giúp xe đi phía sau tiếp tục chở hàng quá tải đem lại lợi nhuận nhưng sẽ gây hư hỏng hệ thống cầu đường mất an toàn giao thông, tạo sự bất bình và bức xúc trong dư luận xã hội.

Theo tôi, với chế tài hiện nay đã đủ sức răn đe những ai có ý đồ cản trở, chống đối và cố tình phá hoại trạm cân. Đối với trạm cân Hà Nam, Thừa Thiên Huế, Ủy ban Nhân dân các tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan pháp luật khẩn trương, cương quyết xử lý thật nghiêm đối tượng phá hoại.

Hơn nữa, thực trạng này sẽ không thể tiếp diễn liên tục vì tới đây cả 63 tỉnh thành đồng loạt được trang bị trạm cân và kiểm tra tải trọng xe theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an thì tình trạng xe quá tải sẽ giảm và lái xe sẽ không có lý do gì mà cản trở, chống đối hay phá hoại.

- Dư luận lo ngại về tình trạng xảy ra tiêu cực tại các trạm cân như trước đây. Theo ông, có cách nào để phát hiện, xử lý vấn đề này?

Ông Nguyễn Xuân Cường: Hệ thống các trạm cân mới đã được hiện đại hóa, những khâu trong quy trình kiểm tra xử lý dễ xảy ra tiêu cực đã được tự động cập nhật vào phần mềm bảo mật mà nhân viên vận hành không thể tự ý sửa chữa, thay đổi kết quả.

Ngoài ra, việc ứng dụng thiết bị công nghệ hiện đại có kết nối với trung tâm của Tổng cục và kết nối với những đơn vị chức năng liên quan để công khai, minh bạch số liệu thực hiện cùng giám sát, hậu kiểm cũng sẽ giúp loại trừ các cơ hội tiêu cực.

Như vậy, so với trạm cân trước đây, tình trạng tiêu cực sẽ hạn chế tới mức thấp nhất.

Tuy nhiên, tôi cũng cho rằng, yếu tố con người vẫn là quyết định trong vấn đề này. Để giảm thiếu tiêu cực, Bộ Giao thông và Tổng cục Đường bộ sẽ tăng cường công tác giám sát, kiểm tra và cương quyết xử lý nghiêm các cá nhân vi phạm theo pháp luật đồng thời đề nghị người dân, cơ quan báo chí tăng cường giám sát quá trình hoạt động của các trạm kiểm tra tải trọng xe.

Mục tiêu cuối cùng là hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ được bảo vệ, tình trạng tai nạn giao thông giảm, nhân dân và Nhà nước không phải bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cho việc sửa chữa cầu đường do xe quá tải gây ra.

- Chủ đề Năm an toàn giao thông 2014 là “Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng xe” và mới đây Tổng cục Đường bộ đã bàn giao 53 trạm cân lưu động cho các địa phương. Ông kỳ vọng như thế nào về sự cơ động, hiệu quả của các trạm cân này?

Ông Nguyễn Xuân Cường: Tính ưu việt của các trạm cân lưu động là di chuyển được đến các vị trí đã chọn trên đoạn đường bộ để kiểm soát xe quá tải. Như vậy, việc kiểm tra tải trọng xe sẽ được thực hiện liên tục và cơ động trên tất cả các đoạn đường.

Với việc cấp đủ 63 bộ cân tải trọng lưu động cho tất cả các tỉnh thành trong năm nay, tình trạng xe quá tải sẽ giảm dần và tiến tới chấm dứt.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục