Tình trạng sạt lở ở các bờ sông trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã khiến nhiều hộ dân trong khu vực gặp khó khăn trong sinh hoạt và sản xuất. Vì vậy, việc tìm giải pháp khắc phục tình trạng này, ổn định dân sinh, đảm bảo sản xuất là vấn đề mà các cơ quan chức năng ở nhiều địa phương Đồng bằng sông Cửu Long quan tâm.
Gặp khó vì sạt lở
Tình trạng sạt lở dòng sông Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang khiến các cơ sở sản xuất nước mắm ở địa phương phải sản xuất cầm chừng, khó tiêu thụ sản phẩm. Ông Lê Văn Năm, ngụ tại ấp Tân Thạnh, xã Bình Phan, huyện Chợ Gạo, là chủ cơ sở sản xuất nước mắm Thuận Phát cho biết, từ khi có thông báo nâng cấp sông Chợ Gạo, cơ sở không được xây dựng, sửa chữa và sản xuất nước mắm. Khách hàng cũ không còn, việc buôn bán cũng không bằng 1/10 so với trước đây. Khi chưa có quy định trên, mỗi tháng cơ sở có thể thu 100 triệu đồng, còn hiện nay, có tháng không thể bán được 10 triệu đồng. Cơ sở cũng không thể nhập nguyên liệu để duy trì sản xuất vì lưu thông rất khó khăn.
Còn tại Cà Mau, theo anh Lê Đức Chính, ngụ tại ấp Xóm Lớn Ngoài, xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn (tỉnh cà Mau) ngày 29/6, anh ra ngoài phát hiện hàng hiên trước nhà bị nứt 1 đường dài, nhìn qua nhà bên cạnh cũng thấy tình trạng tương tự.
Anh đã dùng 1 miếng cây chêm vào chỗ bị sụt lún, đến ngày hôm sau, miếng cây bị rơi mất. Anh lo lắng nên báo với chính quyền địa phương về tình trạng trên, đồng thời chuyển bớt đồ đạc ra ngoài, song những bể ươm tôm, cua giống thì không thể di chuyển vì đã được xây dựng cố định.
Đến 24 giờ ngày 30/6, nhà anh bị sụt hoàn toàn xuống sông, ước tính thiệt hại khoảng 600 triệu đồng. Đến nay, gia đình anh không thể di chuyển đi nơi khác vì không còn đất để di dời. Anh cho biết chỉ có thể chờ “nước êm” rồi xây dựng lại để tiếp tục sản xuất. Anh cho biết thêm, mỗi tối, anh phải gửi con đến nhà hàng xóm ngủ nhờ, đề phòng nếu có sập nhà thì con cái cũng được an toàn.
Anh Trịnh Thanh Lam, ấp Xóm Lớn Ngoài, xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn, Cà Mau cho biết, từ trước đến nay khu vực này không có xảy ra sạt lở. Nhiều người quen sống dọc bờ sông. Vụ sạt lở vừa xảy ra là một bất ngờ với nhiều người. Gia đình anh cũng bị thiệt hại về tài sản khoảng hơn 300 triệu đồng. Hiện nay, anh cũng rơi vào tình trạng không thể di dời vì không thể đổi nghề và cũng không còn đất để di dời .
Không chỉ gây khó khăn cho các cơ sở sản xuất, tình trạng sạt lở cũng gây khốn đốn cho người dân về nhà ở, sinh hoạt. Chị Nguyễn Thị Thu Nga, khóm Bình Đức 3, thành phố Long Xuyên, An Giang cho biết, khi sạt lở xảy ra vào năm 2012, chị và gia đình được Công ty Agifish (nơi hai vợ chồng đang làm việc) thuê cho căn phòng nhỏ của khu tập thể bệnh viện Sao Mai. Đến đây, chị chỉ chi trả tiền điện nước hàng tháng nhưng vẫn không đủ sống. Hai vợ chồng làm việc nuôi 6 miệng ăn, công việc lại không ổn định. Dự kiến đến năm 2016 bệnh viện Sao Mai sẽ kết thúc hợp đồng cho thuê phòng ở với Công ty Agifish, chị Nga cũng không biết phải chuyển đi đâu. Nhiều gia đình khác cũng rơi vào trường hợp như chị Nga.
Đẩy nhanh tiến độ các dự án chống sạt lở
Để có thể ngăn chặn tình trạng sạt lở bờ sông, ổn định cuộc sống của những người dân vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều ý kiến cho rằng, việc đầu tư khu tái định cư, di dời người dân vào ổn định cuộc sống là điều cần thiết. Các dự án kè sông cũng cần được triển khai đúng tiến độ, đảm bảo hoàn thành với chất lượng tốt nhất nhằm ngăn chặn sạt lở.
Theo ông Lê Văn Mỹ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang: Dự án nạo vét sông Chợ Gạo được khởi công từ cuối năm 2013, dự kiến đến tháng 4/2015 sẽ hoàn thành. Nhưng đến thời điểm này, dự án chỉ mới hoàn thành được 2 km kè trong tổng số 296 km kè dọc sông Chợ Gạo. Tiến độ thi công chậm gây ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của người dân dọc sông Chợ Gạo. Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải cần thúc đẩy tiến độ thực hiện dự án và công tác giải phóng mặt bằng, thực hiện đền bù giải tỏa để người dân có vốn di dời đến nơi ở mới, ổn định cuộc sống.
Vào tháng 6/2012, Trung ương đã hỗ trợ cho tỉnh An Giang 11 tỷ đồng đầu tư khu dân cư sạt lở, làm quốc lộ 91, lấp hố xoáy và kế hoạch tiếp theo là làm khu dân cư Bình Khánh – Bình Đức, nhưng cơ quan chức năng mới chỉ lập quy hoạch dự án mà chưa thu hồi đất.
Vì vậy, để giúp người dân có cuộc sống ổn định lâu dài, chính quyền phường Bình Đức đã nhiều lần kiến nghị với lãnh đạo tỉnh An Giang hỗ trợ vốn đầu tư khu tái định cư cho người dân - ông Lê Duy Linh, cán bộ Địa chính Xây dựng đô thị và Môi trường phường Bình Đức, thành phố Long Xuyên( An Giang) cho biết.
Còn tại Cà Mau, thời gian qua, huyện Năm Căn đã xây dựng 3 khu tái định cư cho người dân sạt lở tại 2 xã Tam Giang và Tam Giang Đông. Các khu tái định cư này vừa là dự án phối hợp với tổ chức Hội Chữ thập Đỏ Thụy Sĩ, vừa do chính quyền địa phương vận động các "Mạnh thường quân" góp vốn đầu tư, hỗ trợ cho những người ở vùng bị sạt lở.
Khi xem xét, những đối tượng thuộc diện hộ nghèo, chính sách, hộ gặp khó khăn trong việc làm sẽ được di dời vào khu tái định cư. Trong 3 khu này, khu tái định cư Hố Gùi do Hội Chữ thập đỏ Thụy Sĩ tài trợ đã hoàn thành năm 2006, hiện nay đã được "lấp đầy" với 275 hộ dân vào ở. Hầu hết các hộ này đều có việc làm, đời sống kinh tế phát triển hơn so với khi còn sống ở chỗ cũ. Trong thời gian tới, chính quyền địa phương xây dựng thêm các khu tái định cư ở những xã khác để di dời những hộ đang sống trong sạt lở nguy cấp.
Chị Phạm Thị Linh, được di dời vào khu tái định cư Hố Gùi, ấp Hố Gùi, xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn( Cà Mau) chia sẻ gia đinh chị vào ở khu này từ năm 2006. Thời gian đầu, gia đình gặp nhiều khó khăn vì chỗ ở lạ, chưa tìm được công việc thích hợp. Hai năm sau, gia đình làm được chiếc thuyền thúng, rồi mua thêm thuyền lớn ra biển đánh cá. Đến nay, từ căn nhà đơn sơ do chính quyền địa phương cấp, chị đã xây được nhà mới lớn hơn và nơi đây cũng là vựa thu mua cá kèo của bà con trong vùng.
Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi Cà Mau cho biết, Chi cục đã đề xuất thực hiện 9 dự án đầu tư xây dựng bờ kè chống xói lở các cửa biển, bờ sông ở các khu vực biển Khánh Hội, biển Tây, sông Gành Hào, sông Năm Căn, Mũi Cà Mau..., nhằm bảo vệ các cụm dân cư ven biển./.