Tìm thấy chiến thuật "bên miệng hố chiến tranh" trong Brexit

Khả năng đạt được một thỏa thuận vẫn xa vời, chẳng khác nào thời điểm sau cuộc trưng cầu dân ý hôm 24/6/2016. Một vấn đề lộ rõ hơn lúc này là một nước Anh bị chia rẽ hơn bao giờ hết.
Tìm thấy chiến thuật "bên miệng hố chiến tranh" trong Brexit ảnh 1Toàn cảnh một phiên họp của Hạ viện Anh ở London ngày 30/1/2019. (Nguồn: THX/TTXVN)

Trang mạng eurasiareview.com/BBC.com đưa tin chỉ còn chưa đầy 50 ngày nữa là thời điểm Anh rời Liên minh châu Âu (EU) (hay còn gọi là Brexit).

Thế nhưng, cho đến thời điểm này, khả năng đạt được một thỏa thuận vẫn xa vời, chẳng khác nào thời điểm sau cuộc trưng cầu dân ý hôm 24/6/2016. Một vấn đề lộ rõ hơn lúc này là một nước Anh bị chia rẽ hơn bao giờ hết.

Quốc hội Anh đã bỏ phiếu về những đề xuất sửa đổi kế hoạch Brexit của nghị sỹ đảng Bảo thủ Graham Brady, trong đó kêu gọi “phương án thay thế” cho vấn đề “chốt chặn” để tránh đường biên giới cứng giữa Cộng hòa Ireland và vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh trong trường hợp Anh và EU không thể đàm phán một thỏa thuận thương mại tự do hậu Brexit.

[Hạ viện Anh bác kiến nghị của bà May về Brexit: Tín hiệu báo nguy]

Phần lớn khó khăn và trở ngại của quá trình Brexit xuất phát từ vấn đề mối quan hệ hậu Brexit giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland.

Khoảng 20 năm trước đây, Thỏa thuận Ngày thứ Sáu Tốt lành đã đem lại hòa bình cho Bắc Ireland sau cuộc xung đột sắc tộc vũ trang kéo dài hàng chục năm.

Việc mở cửa biên giới giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland là một phần của thỏa thuận hòa bình đó.

Vấn đề “chốt chặn” quy định rằng trong trường hợp EU và Anh không ký được một thỏa thuận thương mại nào thì Bắc Ireland sẽ vẫn nằm trong liên minh thuế quan, trong khi Vương quốc Anh lại có ít thỏa thuận hơn với EU.

Điều này là không thể chấp nhận được đối với Đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) ở Bắc Ireland với việc 10 thành viên của đảng này là nghị sỹ quốc hội Anh và là lực lượng ủng hộ quan trọng cho chính phủ thiểu số của Thủ tướng Theresa May.

Trong khi đó, phản ứng từ EU là một câu trả lời “không” hết sức rõ ràng đối với việc tái đàm phán thỏa thuận Brexit mà EU đã thống nhất với bà May.

Tuần trước, bà May đã đến thành phố cảng Belfast của Anh để đánh giá tầm quan trọng của thỏa thuận “chốt chặn.”

Nhưng khi đến Brussels để thương lượng thì những yêu cầu của bà May đã vấp phải sự phản đối. Tồi tệ hơn là việc lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn trước đó đã viết thư cho Thủ tướng May nói rằng đảng này sẽ ủng hộ thỏa thuận Brexit nếu Anh vẫn ở lại liên minh thuế quan.

Tuy nhiên, điều này rõ ràng lại là một “vùng cấm” đối với những người ủng hộ Brexit của đảng Bảo thủ cầm quyền. Vấn đề là ở chỗ thời điểm mà Corbyn tung ra bức thư nói trên lại là “cú đấm thép” vào cách thức làm hủy hoại quan điểm đàm phán của chính phủ.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cho biết EU để ngỏ khả năng Anh ở lại liên minh thuế quan và ông sẵn sàng thảo luận về tuyên bố chính trị, một tài liệu có ngôn từ không chặt chẽ vốn bỏ qua các đường hướng thảo luận về mối quan hệ tương lai giữa Anh và EU.

Tuy nhiên, ông Juncker và ông Tusk đều nhất quyết không đàm phán lại thỏa thuận Brexit.

Còn ở London, giới chính trị gia lâu nay vẫn gây ra những phiền toái. Việc ông Corbyn từ chối ủng hộ tiến hành cuộc trưng cầu dân ý lần 2 có nguy cơ gây chia rẽ nội bộ Công đảng.

Còn trong nội bộ đảng Bảo thủ, những người ủng hộ Brexit có quan điểm cứng rắn và những người ủng hộ tiến hành trưng cầu dân ý lần 2 lại tranh cãi nhau.

Thế nên, nguy cơ đảng Bảo thủ bị chia rẽ cũng hiện hữu.

BBC cho biết bà May đã có giọng điệu hòa giải với hai đảng này và muốn sớm tiến hành một cuộc thảo luận giữa hai đảng để sớm tìm ra cách thức tiến hành Brexit.

Nữ thủ tướng cũng kêu gọi giới nghị sỹ bình tĩnh để đưa ra những thay đổi cần thiết để thỏa thuận Brexit qua được “ải” Quốc hội.

Ông Nigel Farage, người “ủng hộ Brexit chính gốc,” thì lại hậu thuẫn việc thành lập một đảng ủng hộ Brexit mới để đặt mình vào thế tiên phong trong trường hợp tiến trình Brexit bị trì hoãn.

Trong khi đó, công luận thì hết sức bất bình. Những người ủng hộ Brexit cảm thấy bị lạc lõng đến mức họ lập nên một nhóm ủng hộ Brexit.

Ngân hàng Trung ương Anh đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Anh trong năm 2019 viện dẫn tình trạng bất ổn, đồng thời cảnh báo nguy cơ nước này rơi vào cuộc suy thoái.

Báo chí cũng đăng tải những bài viết về tình trạng không chuẩn bị của Anh khi rời EU mà không đạt được thỏa thuận nào.

Bộ Thương mại quốc tế Anh thừa nhận sau khi rời EU, Nhật Bản sẽ không sẵn sàng trao đổi thương mại với Anh theo những quy định của thỏa thuận hiện tại giữa Tokyo và EU.

Nhật Bản sẽ tìm kiếm những điều khoản tốt hơn cho mình và điều này cũng đúng với nhiều nước khác như Canada hoặc Mexico. Đây cũng sẽ là trở ngại không nhỏ với tuyên bố rằng việc Anh rời EU sẽ biến London trở thành một quốc gia thương mại toàn cầu thực sự.

Trong khi những vấn đề trên chưa được giải quyết thì đồng hồ Brexit vẫn không ngừng điểm.

Dường như sẽ chẳng có sự ủng hộ đa số ở Quốc hội cho thỏa thuận Brexit của Thủ tướng May cho dù thỏa thuận này có “ra ngô ra khoai” như thế nào. Và các cuộc đàm phán với EU rơi vào bế tắc.

Chính phủ Anh hiện đang có ý định nối lại các cuộc đàm phán với EU bên lề hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab và EU dự kiến diễn ra ở Cairo từ ngày 24-25/2 và hoãn cuộc bỏ phiếu ở Quốc hội cho đến sau thời điểm này.

Điều này mang dấu hiệu của chính sách “bên miệng hố chiến tranh” bởi càng thúc đẩy cho các cuộc thương lượng cuối cùng và tiến trình bỏ phiếu ở Quốc hội đi đến thời hạn chót thì Anh càng có nhiều khả năng rời EU mà không đạt được thỏa thuận nào./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục