Tình trạng chậm, hủy chuyến của hàng không giá rẻ gia tăng

Theo thống kê và đánh giá của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, tình trạng các chuyến bay còn chậm giờ, hủy chuyến nhất là đối với các hãng hàng không giá rẻ có chiều hướng tăng cao.
Tình trạng chậm, hủy chuyến của hàng không giá rẻ gia tăng ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Bích Hằng/Vietnam+)

Theo thống kê và đánh giá của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, tình trạng các chuyến bay còn chậm giờ, hủy chuyến nhất là đối với các hãng hàng không giá rẻ có chiều hướng tăng cao trong sáu tháng đầu năm.

Cụ thể, thống kê của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho thấy, trong sáu tháng vừa qua, các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacifics có 13.493 lượt chuyến bay chậm khởi hành hơn 15 phút (chiếm tỷ lệ 24,09%).

[Số chuyến bay tăng vọt, tỷ lệ chậm hủy chuyến hàng không lại giảm]

Trong đó, hãng hàng không Vietjet Air dẫn đầu khi có tới 6.682 chuyến bay bị chậm (chiếm tỷ lệ 43,42%), xếp ngay sau đó là Jetstar Pacific với 2.370 chuyến (chiếm tỷ lệ 32,93%), Vietnam Airlines với 1.811 chuyến (chiếm tỷ lệ 10,46%) và cuối cùng là Vasco với 143 chuyến (chiếm tỷ lệ 8,01%). Các hãng quốc tế là 2.087 lượt chuyến chậm (chiếm tỷ lệ 17,38%).

Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đề nghị các hãng hàng không điều chỉnh lịch khai thác phù hợp nhu cầu tăng cường năng lực điều hành để giảm tình tramjg chậm, hủy chuyến bay.

Về việc tàu bay đỗ qua đêm, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đề nghị các hãng hàng không xem xét cân đối đội tàu bay đỗ qua đêm đúng với quy định đăng ký đầu tàu bay tại cảng, tránh việc tập trung quá nhiều tại Tân Sơn Nhất.

Thừa nhận quý 3 này là quý cao điểm Hè nên lượng hành khách đi tàu bay sẽ tăng cao và Cảng đang khai thác trong điều kiện vừa khai thác vừa thi công, cơ sở hạ tầng còn hạn chế, ông Nguyễn Nam Tiến, Phó giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đề nghị các đơn vị tiếp tục phối hợp với Cảng để đảm bảo an ninh cho toàn hoạt động bay, đảm bảo chất lượng dịch vụ phục vụ hành khách.

Báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, sáu tháng đầu năm nay, thị trường hành khách hàng không tiếp tục có sự tăng trưởng cao, đạt 30,3 triệu khách. Sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không, sân bay của Việt Nam đạt 46,3 triệu lượt hành khách (tăng 17,5%), vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam đạt 21,8 triệu hành khách (tăng 15,1%).

Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, do quy mô và tính chất khai thác nên tỷ lệ chậm của các hãng cũng khác nhau. Các nhóm nguyên nhân chính gây tình trạng chậm chuyến của các hãng vẫn chủ yếu do tàu bay về muộn (chiếm 70%) và nguyên nhân do hãng hàng không (chiếm 19,2%).

Được biết, thời gian chậm chuyến hiện được Cục Hàng không Việt Nam thống kê theo các 3 khung thời gian, cụ thể là các chuyến bay chậm trên 15 phút đến 1 giờ, trên 1-3 giờ và trên 3 giờ. Kết quả cho thấy, chủ yếu số chuyến bay chậm nằm trong khoảng thời gian từ 15 phút đến 1 giờ với tỷ lệ 91,3%, trên 1-3 giờ có tỷ lệ là 6% và trên 3 giờ là 2,7%. So với cùng kỳ 2016, tỷ lệ chuyến bay chậm nằm trong khoảng thời gian từ 15 phút đến 1 giờ đã tăng 3 điểm và tỷ lệ chuyến bay bị chậm trên 3 giờ giảm 2,7%.

Để giảm tỷ lệ chậm, hủy chuyến, Cục Hàng không Việt Nam đã chỉ đạo các Cảng hàng không bố trí đủ nhân lực, phương tiện bảo đảm công tác an ninh, soi chiếu người, hành lý trong các khung giờ cao điểm đồng thời yêu cầu Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất bố trí hợp lý mặt bằng nhà ga hành khách, bảo đảm lưu thông tại các khu vực làm thủ tục trong nhà ga, bố trí hệ thống máy soi chiếu an ninh.

Cục Hàng không cũng yêu cầu các hãng hàng không bố trí 10% năng lực số lượng máy bay khai thác làm dự phòng, ứng phó với các tình huống bất thường gây chậm, hủy chuyến./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục