Tòa án Anh bác vụ kiện Google lạm dụng thông tin từ hồ sơ y tế

Google và DeepMind đưa ra lập luận rằng không có cơ sở để khẳng định thông tin cá nhân của 1,6 triệu bệnh nhân đã bị lạm dụng, hoặc trước đó họ có yêu cầu bảo mật đối với các thông tin này.
Tòa án Anh bác vụ kiện Google lạm dụng thông tin từ hồ sơ y tế ảnh 1Bệnh viện The Royal Free London NHS Trust. (Nguồn: The Guardian)

Ngày 19/5, một thẩm phán Tòa án Cấp cao của Anh đã bác bỏ vụ kiện chống lại Google, liên quan cáo buộc lạm dụng hồ sơ y tế của 1,6 triệu người mà một bệnh viện Anh đã cung cấp cho "gã khổng lồ" công nghệ Mỹ.

Năm 2015, Royal Free London NHS Trust - thuộc Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) - đã chuyển hồ sơ y tế của các bệnh nhân cho công ty trí tuệ nhân tạo của Google - DeepMind Technologies, liên quan quá trình phát triển một ứng dụng điện thoại nhằm mục đích phân tích bệnh án và phát hiện sớm các tổn thương thận cấp tính.

Năm 2017, Văn phòng Ủy viên Thông tin (ICO) - cơ quan giám sát bảo vệ dữ liệu của Anh - tuyên bố Royal Free đã lạm dụng thông tin cá nhân của bệnh nhân khi chuyển những dữ liệu đó cho DeepMind Technologies. 

Đến năm 2022, bệnh nhân Andrew Prismall đã đại diện cho 1,6 triệu bệnh nhân nộp đơn kiện công ty Google và DeepMind liên quan cáo buộc lạm dụng thông tin cá nhân.

Tháng 3 vừa qua, hai công ty này đưa ra lập luận rằng không có cơ sở để khẳng định thông tin cá nhân của 1,6 triệu người này đã bị lạm dụng, hoặc trước đó họ có yêu cầu bảo mật đối với các thông tin này.

Trong phán quyết mới nhất, Thẩm phán Heather Williams đã bác vụ kiện, trong đó kết luận rằng các nguyên đơn không có cơ sở thực tế gắn quyền riêng tư đối với hồ sơ y tế của họ.

[Thêm 9 bang của Mỹ khởi kiện Google vi phạm luật chống độc quyền]

Trước đó, Tòa án Tối cao của Hàn Quốc ngày 13/4 ra phán quyết rằng Google phải công khai chi tiết bất cứ thông tin cá nhân nào của các công dân Hàn Quốc mà họ đã chia sẻ với các bên thứ ba, đồng thời đưa trả vụ kiện này lại một tòa án cấp dưới để xét xử lại.

Phán quyết trên nhằm hồi đáp một vụ kiện năm 2014 của một nhóm các nhà hoạt động chống lại tập đoàn công nghệ toàn cầu này và chi nhánh của Google tại Hàn Quốc, yêu cầu Google công khai cách họ xử lý thông tin cá nhân người dùng.

Bên nguyên đơn cáo buộc Google đã chia sẻ thông tin cá nhân của người dùng, trong đó có người Hàn Quốc, với chương trình tình báo “Prism” của Chính phủ Mỹ.

Một tòa phúc thẩm trước đó đã đứng về phía bên nguyên đơn nhưng phán quyết rằng Google có quyền từ chối đề nghị này theo luật pháp Mỹ.

Vụ kiện giờ đây đã được chuyển lại cho tòa cấp cao để xử lại, nơi mà phán quyết sẽ mang tính ràng buộc. Tòa án Tối cao ngày 13/4 cho biết việc Google có nghĩa vụ tuân thủ luật pháp Mỹ không hợp lý theo thông lệ tại Hàn Quốc.

Theo luật pháp Hàn Quốc, các nhà cung cấp dịch vụ mạng phải làm theo đề nghị của người dùng và cung cấp các thông tin về việc dữ liệu cá nhân của họ có bị chia sẻ với bên thứ ba hay không và chia sẻ như thế nào./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục