Ngày 24/10, Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) đã phán quyết rằng Pháp thường xuyên vượt ngưỡng giới hạn khí nitơ điôxít (NO2), một khí gây ô nhiễm phát thải từ các phương tiện chạy diesel gây ra những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe.
Trong tuyên bố, ECJ nêu rõ Pháp vượt quá giới hạn hằng năm đối với khí NO2 một cách có hệ thống và kéo dài kể từ ngày 1/1/2010.
Với phán quyết trên, tòa án mở đường cho khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt vào giai đoạn sau nếu Chính phủ Pháp không làm gì để cải thiện tình hình này.
Vụ việc liên quan tới 24 địa phương tại Pháp, trong đó có các thành phố như Paris, Lyon, Marseille, Nice và Strasbourg....
Hồi tháng 5/2018, Ủy ban châu Âu (EC) đã đâm đơn kiện một số nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) lên ECJ vì vượt quá giới hạn ô nhiễm gây ra bởi các phương tiện chạy diesel trong suốt nhiều năm mà không cải thiện tình hình dù EU đã nhiều lần cảnh báo.
[Daimler bị phạt gần 1 tỷ USD do liên quan đến vụ bê bối khí thải]
Pháp là quốc gia đầu tiên trong số một vài nước thành viên EU, trong đó có Đức và Anh mà Ủy ban châu Âu (EC) kiện lên ECJ sau khi EC tăng cường cuộc chiến chống ô nhiễm sau khi bùng phát vụ bê bối gian lận khí thải mang tên "Dieselgate" năm 2015.
Trong vụ bê bối này, các hãng sản xuất ôtô đã lắp đặt thiết bị gian lận khí thải vào động cơ ôtô.
Đây chính là nguồn chính phát thải khí NO2 mà Cơ quan Môi trường châu Âu cho là nguyên nhân gây ra 68.000 trường hợp chết yểu mỗi năm trong EU.
Khí NO2 rất độc hại và có thể gây ra nhiều vấn đề về đường hô hấp cho người dân.
Theo quy định của EU, các nước thành viên phải duy trì loại khí này dưới mức 40 microgram/m3, song nhiều thành phố ở châu Âu thường xuyên quá ngưỡng giới hạn này./.