Tòa án Công lý quốc tế yêu cầu Israel dừng mọi hoạt động quân sự ở Rafah

Tòa án Công lý quốc tế yêu cầu Israel ngay lập tức dừng chiến dịch quân sự ở Rafah cũng như bất kỳ hành động nào có thể gây thương vong cho dân thường Palestine ở Gaza.

Cảnh đổ nát do xung đột Israel-Hamas tại thành phố Rafah, Dải Gaza. (Ảnh: THX/TTXVN)
Cảnh đổ nát do xung đột Israel-Hamas tại thành phố Rafah, Dải Gaza. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 24/5, Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) đã ra phán quyết yêu cầu Israel tạm ngừng các hoạt động quân sự ở thành phố Rafah, phía Nam Dải Gaza.

Đây được xem là phán quyết mang tính bước ngoặt có khả năng làm tăng thêm áp lực quốc tế đối với Israel sau hơn 7 tháng kể từ khi xung đột bùng phát ở Gaza.

Trong phán quyết, ICJ yêu cầu Israel ngay lập tức dừng chiến dịch quân sự ở Rafah cũng như bất kỳ hành động nào có thể gây thương vong cho dân thường Palestine ở Gaza.

Phán quyết cũng kêu gọi Israel tiếp tục mở cửa khẩu Rafah vào Gaza để việc cung cấp viện trợ nhân đạo "không bị cản trở."

ICJ là tòa án hàng đầu trực thuộc Liên hợp quốc và các phán quyết của tòa mang tính ràng buộc pháp lý. Tuy nhiên, ICJ không có công cụ thực thi các phán quyết của mình.

Ngoại trưởng Nam Phi Naledi Pandor đã ngay lập tức bày tỏ hoan nghênh phán quyết mới nhất của ICJ. Bà tuyên bố đây là một "lời kêu gọi ngừng bắn rất rõ ràng."

Người phát ngôn của Chính quyền Palestine (PA) Nabil Abu Rudeined cũng cho biết Palestine hoan nghênh phán quyết của ICJ.

Trong khi đó, lực lượng Hồi giáo Hamas ở Gaza kêu gọi Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế gây sức ép đối với Israel để nước này tuân thủ phán quyết.

Nam Phi đã đưa vụ việc ra trước ICJ vào tháng 12 năm ngoái với cáo buộc rằng cuộc tấn công của Israel vào Gaza vi phạm Công ước diệt chủng năm 1948 của Liên hợp quốc. Israel đã kiên quyết bác bỏ cáo buộc này.

Trong một phán quyết gây chú ý khắp thế giới, ICJ hồi tháng 1/2023 đã ra lệnh cho Israel ngăn chặn các hành động diệt chủng và cho phép viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza.

Tuy nhiên, tòa án đã không ra lệnh ngừng bắn và lập luận của Nam Phi là tình hình thực tế - đặc biệt là hoạt động ở thành phố đông đúc Rafah - đòi hỏi ICJ phải có hành động mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục