Tòa án Hiến pháp Romania tuyên bố nhiều mục trong dự luật cải cách tư pháp theo đề xuất của đảng Dân chủ xã hội (PSD) cầm quyền tại nước này là "vi hiến và cần được chỉnh lý."
Trong phán quyết ngày 30/1, Tòa án Hiến pháp Romania nhấn mạnh ngôn từ trong dự luật cải cách tư pháp nói trên "quá mơ hồ," do đó yêu cầu chính phủ "chỉnh sửa sáng tỏ hơn," đặc biệt liên quan tới một số khái niệm về mặt pháp lý.
Chánh án Tòa án Hiến pháp Romania Valer Dorneanu cho biết các thẩm phán sẽ hội thẩm vào ngày 13/2 tới để thảo luận kỹ hơn về nội dung cải cách nói trên.
Từ tháng 11/2017 đến nay, dự luật cải tổ hệ thống tư pháp của Chính phủ Romania đã vấp phải sự phản đối gay gắt của người dân, với các cuộc biểu tình quy mô lớn trên toàn đất nước, gây quan ngại cho các quốc gia từ châu Âu cho tới Mỹ.
Dự luật gồm nội dung cải cách toàn bộ hệ thống tư pháp, hạn chế quyền lực của Cơ quan Chống tham nhũng quốc gia (DNA), đồng thời giới hạn quyền của người đứng đầu cơ quan này trong việc bác bỏ quyết định bổ nhiệm các công tố viên cấp cao do chính phủ chỉ định.
Bất chấp các ý kiến phản đối cho rằng dự luật sẽ làm suy yếu nỗ lực chống tham nhũng và không trao quyền cho tổng thống chỉ định các công tố viên cao cấp, Chính phủ Romania tháng 12 vừa qua vẫn thông qua văn bản này.
[Đảng cầm quyền Romania đưa ra đề xuất gây tranh cãi về tham nhũng]
Hồi tuần trước, Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo Romania "đang đi ngược cam kết" chống tham nhũng, đồng thời khuyến cáo nước này "cần cân nhắc kỹ để xác định rõ tác động của các cải cách tới những nỗ lực bảo vệ tính độc lập của nền tư pháp và cuộc chiến chống tham nhũng."
Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Romania lần thứ hai giải tán chính phủ chỉ trong vòng một năm trở lại đây. Bà Viorica Dancila được chỉ định làm Thủ tướng thay thế người tiền nhiệm Mihai Tudose. Tuy nhiên, chính phủ mới dưới sự lãnh đạo của nữ thủ tướng này sẽ phải tiếp tục đối mặt với thách thức lớn liên quan tới dự luật cải cách tư pháp nói trên.
Tổ chức xếp hạng minh bạch quốc tế đánh giá Romania là một trong những quốc gia đang lo ngại nhất Liên minh châu Âu về vấn nạn tham nhũng. Trong khi đó, Brussels luôn đặt hệ thống tư pháp của quốc gia Đông Âu này dưới sự giám sát đặt biệt. Giới quan sát đều nhận định các nỗ lực chống tham nhũng Romania hầu như không hiệu quả./.