Đảng cầm quyền Romania đưa ra đề xuất gây tranh cãi về tham nhũng

Một nhóm nghị sĩ thuộc PSD đã đề xuất các vi phạm liên quan đến hành vi lạm dụng chức quyền gây thất thoát tài chính dưới 200.000 euro (tương đương 237.100 USD) sẽ không còn chịu sự trừng phạt.
Đảng cầm quyền Romania đưa ra đề xuất gây tranh cãi về tham nhũng ảnh 1Chủ tịch PSD Liviu Dragnea (giữa) tại Cơ quan chống tham nhũng ở Bucharest, Romania ngày 21/11. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Đảng Dân chủ Xã hội (PSD) cầm quyền của Romania vừa đề xuất một loạt thay đổi mới đối với bộ luật hình sự, theo đó sẽ không hình sự hóa một số hành vi hối lộ, khiến dư luận lo ngại làm lung lay quyết tâm chống tham nhũng của nước này.

Trong dự thảo luật được công bố ngày 26/12, một nhóm nghị sĩ thuộc PSD đã đề xuất các vi phạm liên quan đến hành vi lạm dụng chức quyền gây thất thoát tài chính dưới 200.000 euro (tương đương 237.100 USD) sẽ không còn chịu sự trừng phạt. Các thay đổi khác được đề xuất bao gồm thời gian quản thúc tại gia không quá 3 năm, giảm án đối với việc nhận hối lộ và các hành vi tham nhũng khác. Ngoài ra, đề xuất mới cũng quy định không hình sự hóa đối với người nhận hối lộ hộ người khác hoặc hành vi lạm dụng chức quyền để đổi lấy tình dục.

Giới quan sát nhận định nếu được chấp thuận, những đề xuất thay đổi trên sẽ đặt dấu chấm hết đối với phiên tòa xét xử Chủ tịch đảng PSD, đồng thời là Chủ tịch Quốc hội Liviu Dragnea, người đang bị truy tố về tội danh lạm dụng chức quyền. Ngoài ra, hàng chục nghị sĩ và thị trưởng của tất cả các đảng ở Romania cũng sẽ hưởng lợi từ những điều chỉnh dự kiến này. Kể từ năm 2006, Romania đã truy tố 72 nghị sĩ quốc hội liên quan đến các cáo buộc tham nhũng và lạm quyền.

[Trung Quốc xây dựng luật về hợp tác quốc tế trong chống tham nhũng]

Hồi đầu năm nay, Chính phủ Romania cũng đã thông qua sắc lệnh miễn truy tố và trả tự do cho một loạt chính trị gia bị cáo buộc lợi dụng chức vụ gây thất thoát tài sản nhà nước, động thái làm bùng phát những cuộc biểu tình lớn nhất tại Romania trong vòng gần 30 năm qua. Những người phản đối cho rằng sắc lệnh sẽ đẩy lùi những tiến bộ Romania đã đạt được trong cam kết chống tham nhũng kể từ khi gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Trước sức ép từ nhiều phía, chính phủ sau đó đã buộc hủy bỏ sắc lệnh gây nhiều tranh cãi trên.

Là một trong những quốc gia bị coi la nghèo nhất trong Liên minh châu Âu (EU) song Romania đang phải đối mặt với nạn tham nhũng trong giới chức cấp cao. Tổ chức xếp hạng minh bạch quốc tế đánh giá Romania là một trong những quốc gia tham nhũng nhất trong EU và Brussels luôn đặt hệ thống tư pháp của quốc gia Đông Âu này dưới sự theo dõi đặt biệt. Giới quan sát đều nhận định những nỗ lực chống tham nhũng tại nước này hầu như không tạo nên những sự thay đổi đáng kể./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục