Ecuador đã cho phép nhà sáng lập trang mạng WikiLeaks, Julian Assange, được phép tị nạn chính trị. Động thái này đã làm Anh nổi giận do nước này khẳng định cần phải dẫn độ ông Assange sang Thụy Điển, nơi ông bị truy tố vì tội xâm hại tình dục. Bộ trưởng ngoại giao Ecuador, Ricardo Patino, giải thích hành động của Quito rằng Thụy Điển có thể dẫn độ tiếp ông Assange sang Mỹ, nơi những người ủng hộ ông lo sợ ông có thể đối mặt với việc bị truy tố vì tiết lộ các tài liệu mật của Washington. “Chính phủ Ecuador, trung thành với truyền thống bảo vệ những ai xin tị nạn trong phái bộ ngoại giao, đã quyết định cho phép ông Assange tị nạn”, ông Patino nói trong một cuộc họp báo. Quyết định này đã làm gia tăng cuộc khủng hoảng bắt đầu từ ngày 19/6, khi ông Assange, một người Australia 41 tuổi, vào tị nạn tại đại sứ quán Ecuador ở London để tránh bị dẫn độ sang Thụy Điển. Những người ủng hộ ông Assange bên ngoài tòa đại sứ đã hô vang những khẩu hiệu ủng hộ quyết định từ Quito và nhà sáng lập WikiLeaks ngỏ lời cảm ơn Ecuador vì quyết định “can đảm” của nước này. “Trong khi hôm nay là một chiến thắng lịch sử, cuộc chiến chỉ mới bắt đầu. Cuộc điều tra chưa có tiền lệ với Mỹ chống lại WikiLeaks phải chấm dứt”, ông nói. Anh khẳng định họ sẽ thực hiện “đúng nghĩa vụ” dẫn độ ông Assange bất chấp quyết định của Ecuador và Thụy Điển đã triệu tập đại sứ Ecuador ở Stockholm yêu cầu giải thích về quyết định của ông Patino. Bộ trưởng ngoại giao Anh William Hague cảnh báo Quito về việc “chứa chấp kẻ bị tình nghi phạm tội và xâm phạm quy trình tư pháp ở một quốc gia không phải là chức năng ngoại giao được cho phép.” Tại London, cảnh sát Anh đã tăng cường sự có mặt bên ngoài tòa đại sứ, gần khu mua sắm nổi tiếng Harrods, với khoảng 30 sĩ quan và chín xe tải xung quanh tòa nhà. Trong khi đó Washington phủ nhận việc họ vận động Anh bắt ông Assange. “Liên quan tới cáo buộc Mỹ tìm cách truy tố ông ta, tôi hoàn toàn phủ nhận”, người phát ngôn Bộ ngoại giao Victoria Nuland nói. “Đó là vấn đề của các nước liên quan và chúng tôi không có ý định can thiệp.” Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) đã có cuộc gặp khẩn cấp ngày hôm qua và nói rằng sẽ ra quyết định vào ngày thứ Sáu về việc có triệu tập một cuộc họp cấp bộ trưởng ngoại giao hay không. Anh có tư cách quan sát viên trong OAS. Đại diện Anh tại đây, Philip Barton, nói London “cam kết tìm ra một giải pháp đồng thuận chấp nhận được cho vấn đề này.” Ecuador đã kêu gọi một cuộc gặp cấp bộ trưởng ngoại giao từ khối liên minh các nước Nam Mỹ UNASUR vào Chủ nhật. “Không ai có thể đe dọa chúng ta”, Tổng thống Ecuador, Rafael Correa, nói trên trang Twitter của ông về quyết định cho Assange tị nạn. Patino nói chính quyền Quito đã đi đến quyết định trên sau khi Anh, Thụy Điển và Mỹ từ chối cung cấp đảm bảo rằng ông Assange sẽ không bị dẫn độ sang Mỹ. “Nếu bị dẫn độ sang Mỹ, ông Assange sẽ không được xét xử công bằng”, Patino giải thích. Ông cũng cho rằng việc giam giữ ông ở Thụy Điển sẽ dẫn đến “những sự kiện dây chuyền” có thể kết thúc bằng việc ông bị dẫn độ sang một nước thứ ba. “Như vậy, Ecuador cho rằng những lập luận của ông ấy về điều ông ấy lo sợ là có thật, và ông ấy là nạn nhân của âm mưu chính trị vì việc ông ấy cương quyết bảo vệ quyền tự do ngôn luận và tự do truyền thông”, ông Patino nói. Ông cũng nói nếu Anh không để ông Assange an toàn ra khỏi nước này, ông sẽ tiếp tục ở lại “dưới sự bảo vệ của tòa đại sứ.” Luật sư nhân quyền người Tây Ban Nha Baltasar Garzon, người đã giúp đỡ Assange nhiều trong quá trình tố tụng, nói ông có thể đưa vụ việc ra Tòa án công lý quốc tế (ICJ) ở The Hague.
Người biểu tình ủng hộ Julian Assange đứng bên ngoài Đại sứ quán Ecuador ở London (Nguồn: Getty Images)
Tuy nhiên, Văn phòng ngoại vụ Anh nói quyết định của Ecuador không thay đổi được gì. “Theo luật của chúng tôi, khi ông Assange đã thực hiện hết các lựa chọn kháng án, nhà chức trách Anh có nghĩa vụ bắt buộc phải dẫn độ ông ấy sang Thụy Điển,” một người phát ngôn Văn phòng ngoại vụ nói. “Hệ thống pháp lý và hiến pháp vững chắc của chúng tôi đảm bảo quyền con người cho mỗi người và tất cả mọi người. Chúng tôi phản đối mọi cáo buộc nào khác,” Bộ trưởng ngoại giao Thụy Điển Carl Bildt nói trên trang Twitter của ông./.
Trần Trọng (Vietnam+)