Tổng công ty Đường sắt phản hồi sai sót tại dự án 133 đường ngang

Tổng công ty Đường sắt phản hồi sai sót liên quan đến triển khai kết luận thanh tra số 1725/KL-BGTVT về dự án xây dựng 133 đường ngang qua đường sắt trên toàn quốc.
Tổng công ty Đường sắt phản hồi sai sót tại dự án 133 đường ngang ảnh 1(Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN)

Liên quan đến triển khai kết luận thanh tra số 1725/KL-BGTVT về dự án xây dựng 133 đường ngang qua đường sắt trên toàn quốc, ngày 10/3, trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Đới Sỹ Hưng, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, Tổng công ty sẽ thực hiện nghiêm túc các nội dung kết luận thanh tra đã chỉ ra và sớm có báo cáo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải.

Cụ thể, ngày 6/3 vừa qua, VNR đã tổ chức cuộc họp với các đơn vị liên quan để triển khai các nội dung kết luận của Thanh tra Bộ.

Chia sẻ về những sai sót khi thực hiện dự án, Phó Tổng giám đốc Đới Sỹ Hưng cho hay: “Theo kế hoạch trước đó dự án xây dựng đường ngang dân sinh chỉ thực hiện đối với 56 đường ngang. Tuy nhiên, xét thấy tính cấp bách cần phải xây dựng thêm nhiều đường ngang trên hệ thống đường sắt toàn quốc, nên Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu VNR phải xây dựng ngay 133 đường ngang nhưng không được phát sinh thêm kinh phí.”

“Với yêu cầu như vậy nên các đơn vị của VNR cùng tư vấn giám sát, nhà thầu và các đơn vị liên quan đã phải khẩn trương thực hiện các thủ tục đấu thầu, thiết kế, thi công để đảm bảo tiến độ Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu. Chính vì vậy, trong quá trình thực hiện đã để xảy ra một số sai sót đã được Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải chỉ ra,” ông Đới Sỹ Hưng nói.

Cụ thể, về công tác lập, thẩm tra, thẩm định và phê duyệt dự toán của dự án được Thanh tra Bộ yêu cầu VNR rà soát giảm trừ giá trị dự toán, giá trị hợp đồng với số tiền là gần 595 triệu đồng.

Về nội dung này, ông Đới Sỹ Hưng cho hay, số lượng đường ngang bị mắc lỗi được Thanh tra chỉ ra chỉ là 29/133 đường ngang chứ không phải tất cả, VNR sẽ rà soát đối chiếu từng đường ngang cụ thể đối với đơn giá dự thầu và hồ sơ thanh toán của các nhà thầu.

Nếu có sự chênh lệch sẽ có sự điều giảm trong quá trình thẩm tra phê duyệt quyết toán hoàn thành và thu hồi nộp ngân sách nhà nước.

Theo Kết luận thanh tra Bộ Giao thông Vận tải về chi phí thẩm tra phê duyệt quyết toán, theo đó, Thanh tra Bộ yêu cầu VNR phải rà soát giảm trừ là 322 triệu đồng do tính sai chi phí thẩm tra phê duyệt quyết toán.

Nội dung này được ông Đới Sỹ Hưng chia sẻ trong tổng mức đầu tư xây dựng được duyệt, chi phí thẩm tra, phê duyệt quyết toán được tính 100% định mức.

Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật hiện hành trong trường hợp dự án đã thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán thì định mức cho công tác thẩm tra phê duyệt giảm 50% so với quy định.

“Trên thực tế Tổng công ty chưa tổ chức kiểm toán độc lập để kiểm toán báo cáo quyết toán dự án hoàn thành, nhưng trong kế hoạch báo cáo quyết toán năm 2016, Tổng công ty đã tự giảm trừ đi 50% như quy định và kinh phí này cũng chưa được giải ngân vì vậy số tiền này không phải thực hiện thu hồi,” ông Đới Sỹ Hưng cho hay và khẳng định “Thanh tra Bộ kết luận yêu cầu giảm trừ là mới xem xét trên tổng mức đầu tư được duyệt, chưa đối chiếu với báo cáo quyết toán và tình hình giải ngân thực tế.”

Về nội dung Thanh tra Bộ yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam rà soát thu hồi nộp ngân sách nhà nước trên 434 triệu đồng do việc khảo sát, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật không đúng.

Phó Tổng giám đốc Đới Sỹ Hưng thông tin: “Nội dung kết luận này nhiều nhà thầu tham gia dự án bày tỏ ý kiến không nhất trí với kết luận của Thanh tra Bộ là thu hồi toàn bộ kinh phí khảo sát thiết kế công trình nêu trên với lý do đã thiết kế đúng tiêu chuẩn kỹ thuật quy định. Đồng thời kiến nghị nếu thu hồi phải có tính toán cụ thể phần sai khác so với quy định và so với hợp đồng. Tổng công ty sẽ tiếp tục làm việc với các nhà thầu để có thống nhất về hình thức, cách thức thực hiện nội dung mà Thanh tra Bộ đã kết luận."

Đặc biệt, tại kết luận thanh tra của Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu VNR thu hồi nộp ngân sách nhà nước hơn 516 triệu đồng do không thực hiện đúng trình tự, thủ tục để thực hiện công tác giám sát tác giả.

Về nội dung này, lãnh đạo VNR giải trình là trong số 5 đơn vị tư vấn thực hiện công tác tư vấn giám sát tác giả. Có 4 đơn vị nhất trí với kết luận thanh tra về các nội dung còn thiếu và đồng ý nộp lại số kinh phí là trên 336 triệu đồng.

Riêng Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kiểm soát thi công công trình giao thông là chưa thống nhất.

Đại diện Công ty này cho rằng, đối chiếu với quy định hiện này (Nghị định 45/2015/NĐ-CP về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng) về giám sát tác giả của nhà thầu thiết kế trong quá trình thi công xây dựng công trình đã trình đoàn Thanh tra của Bộ đầy đủ các giấy tờ mà đoàn yêu cầu nhưng lại không được Thanh tra Bộ xem xét. 

Trước đó, kết luận thanh tra của Bộ Giao thông Vận tải do Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông ký về dự án xây dựng 133 đường ngang do VNR làm chủ đầu tư với mức đầu tư 170 tỷ đông đã để xảy ra một số sai sót; trong đó phải kể đến sai sót từ khâu lập dự án, khâu áp dụng đơn giá.

Đáng chú ý là dự toán duyệt đơn giá 6.100 đồng/lít nước xây dựng, trong khi giá thị trường là 10 đồng/lít (tức đội giá 610 lần). Tổng số sai sót liên quan đến dự toán được Thanh tra Bộ chỉ ra tại dự án lên tới gần 600 triệu đồng.

Đoàn Thanh tra của Bộ cũng nêu rõ, VNR lập kế hoạch đấu thầu phân chia các gói thầu theo từng đường ngang, áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu là chỉ định thầu rút gọn (giá gói thầu dưới 500 triệu đồng) là chưa hợp lý, làm tăng chi phí tư vấn đầu tư xây dựng. Hay như cả hạng mục bảo hiểm công trình, VNR cũng chia nhỏ ra các gói thầu là không phù hợp đã làm tăng chi phí của dự án.

Không chỉ làm thất thoát chi phí, trong quá trình thực hiện dự án, VNR không phân công một bộ phận chuyên trách, dẫn tới tồn tại như nhân sự tham gia quản lý dự án còn thiếu một số chứng nhận quản lý.

Thậm chí, kết luận nêu​ thời gian tổ chức thi công dự án chủ yếu tập trung vào tháng 12/2015. Trong khi có đến 36 người nhận lương kiêm nhiệm 12 tháng, nhiều người nhận lương kiêm nhiệm nhiều tháng ngoài thời điểm thi công.

Ngoài việc thu nộp lại tài chính, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng yêu cầu VNR và các đơn vị, cá nhân liên quan nghiêm túc kiểm điểm những sai sót nêu trong kết luận thanh tra, đề ra những biện pháp khắc phục, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân. Thời hạn thực hiện báo cáo về Bộ Giao thông Vận tải kết quả trước 31/3./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục