Tổng đình công lớn tại Argentina đòi Chính phủ tăng lương

Cuộc tổng đình công trong vòng 24 giờ yêu cầu Chính phủ của Tổng thống Mauricio Macri tăng lương trong bối cảnh lạm phát leo thang và giá các dịch vụ công cộng tăng cao
Tổng đình công lớn tại Argentina đòi Chính phủ tăng lương ảnh 1Biểu tình đòi tăng lương ở Argentina.

Theo phóng viên TTXVN tại Buenos Aires, ngày 27/9, các tổ chức công đoàn lớn ở Argentina đã đồng loạt tổ chức tổng đình công trong vòng 24 giờ yêu cầu Chính phủ của Tổng thống Mauricio Macri tăng lương trong bối cảnh lạm phát leo thang và giá các dịch vụ công cộng tăng cao ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân nước này.

Hàng nghìn người đã xuống đường ở trung tâm thủ đô Buenos Aires hưởng ứng lời kêu gọi của Hiệp hội những người lao động nhà nước Argentina (ATE) và Trung ương Người lao động Argentina (CTA). Thư ký ATE tại Buenos Aires Daniel Catalano yêu cầu Chính phủ tiếp nhận trở lại những người lao động bị sa thải trong khu vực công và tăng lương, đồng thời cáo buộc Tổng thống Macri đưa ra những chính sách phục vụ lợi ích của những tập đoàn kinh tế và giới chủ, không quan tâm tới quyền lơi người lao động.

Theo ông Catalano, lương của người lao động trong khu vực nhà nước hiện không đủ sống và việc Chính phủ dự kiến tăng 17% lương tối thiểu vào năm tới là tỷ lệ quá thấp.

Ngành giáo dục và y tế là lực lượng hưởng ứng nhiều nhất lời kêu gọi tổng đình công của ATE và CTA. Các giáo viên phản đối việc Chính phủ hạn chế đầu tư cho ngành giáo dục ảnh hưởng tới điều kiện dạy học và cơ sở hạ tầng của các trường công.

Ông Roberto Baradel, Thư ký Công đoàn ngành Giáo dục tại Buenos Aires khẳng định sẽ xuống đường biểu tình tới khi nào Chính phủ tăng lương và cảnh báo chất lượng giáo dục công tại Argentina sẽ bị ảnh hưởng đáng kể trong bối cảnh khó khăn hiện nay của nền kinh tế. Một nhóm đông đại diện các phong trào xã hội cũng cắm trại tại Quảng trường tháng Năm, ngay trước Nhà Hồng (Phủ Tổng thống) phản đối việc Chính phủ tăng giá dịch vụ.

Kể từ đầu năm tới nay, các cuộc đình công của ngành giáo dục, y tế, ngân hàng, sinh viên và vận tải biển đã liên tục diễn ra, yêu cầu chính phủ tăng lương và giảm giá dịch vụ giao thông công cộng. Tại trung tâm thủ đô Buenos Aires, tình trạng giao thông hỗn loạn xảy ra gần như hàng ngày do người dân biểu tình phản đối các chính sách kinh tế của Tổng thống Macri.

Cùng ngày, Chánh văn phòng Nội các Marcos Peña cam kết sẽ nỗ lực giải quyết tình hình khó khăn hiện nay và yêu cầu người lao động không xuống đường ảnh hưởng tới giao thông thành phố.

Theo thống kê của các tổ chức tư vấn, hàng nghìn viên chức nhà nước cùng hàng trăm nghìn lao động trong khu vực tư nhân bị sa thải chỉ trong vòng 10 tháng cầm quyền của ông Macri. Đã có hơn 200.000 người bị mất việc làm và dự tính con số này sẽ còn tiếp tục tăng. Chính phủ thông báo sẽ tiếp tục sa thải người lao động với lý do tinh giảm bộ máy nhà nước cồng kềnh, nâng cao hiệu quả lao động, góp phần cắt giảm thâm hụt ngân sách.

Trong khi đó, Thống kê của Đại học Thiên chúa giáo Argentina cho thấy có tới 1,4 triệu người đã trở thành người nghèo tại nước này chỉ trong vòng ba tháng đầu năm nay, nâng tỷ lệ người nghèo lên 34,5%, từ mức 29% hồi cuối năm 2015. Nguyên nhân là do lạm phát cao, người lao động bị sa thải hàng loạt trong khu vực nhà nước cũng như tư nhân, và giá các dịch vụ công cộng tăng đột biến do Chính phủ của Tổng thống cánh hữu Macri cắt giảm trợ cấp đột ngột. Cũng theo nguồn tin trên, hiện Argentina có tới 13,8 triệu người nghèo trong tổng số 42 triệu dân.

Chỉ ít ngày sau khi nhậm chức, Tổng thống Macri đã quyết định phá giá đồng peso tới 40%, khiến giá cả leo thang liên tục. Trong nỗ lực giải quyết khó khăn của nền kinh tế và tình trạng thâm hụt ngân sách do thiếu đầu tư, Tổng thống Macri còn quyết định theo đuổi chính sách thắt lưng buộc bụng. Chính phủ liên tục tăng giá 2 đến 7 lần dịch vụ giao thông công cộng, giá điện, khí đốt, nước, và xăng dầu. Dự kiến lạm phát sẽ lên tới 40% trong năm nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục