Tổng thống Liban kêu gọi hướng tới một nhà nước thế tục

Tổng thống Aoun nhấn mạnh giới trẻ Liban đang kêu gọi thay đổi vì họ và tương lai của chính họ, đồng thời đây là thời điểm phù hợp để phát triển, điều chỉnh và thay đổi hệ thống đất nước.
Tổng thống Liban Michel Aoun phát biểu tại Baabda, Liban. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng thống Liban Michel Aoun phát biểu tại Baabda, Liban. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Tổng thống Liban Michel Aoun ngày 30/8 thừa nhận quốc gia này cần có sự thay đổi về hệ thống và kêu gọi hướng tới một nhà nước thế tục.

Trong bài phát biểu trên truyền hình cùng ngày, Tổng thống Aoun khẳng định mô hình nhà nước như vậy là cách duy nhất để tạo dựng sự đoàn kết thực sự cho quốc gia đa sắc tộc này, đồng thời kêu gọi mở một cuộc đối thoại có thể dẫn tới sửa đổi hiến pháp theo hướng trên. 

Ông Aoun nhấn mạnh giới trẻ Liban đang kêu gọi thay đổi vì họ và tương lai của chính họ, đồng thời đây là thời điểm phù hợp để phát triển, điều chỉnh và thay đổi hệ thống đất nước.

Ông cho biết sẽ kêu gọi đối thoại giữa các lãnh đạo chính trị và giới chức tôn giáo nhằm đạt một giải pháp có thể được các bên chấp nhận.

[Hezbollah để ngỏ đề xuất của Pháp về thỏa thuận chính trị cho Liban]

Trước đó, đồng minh chính trị của ông Aoun, thủ lĩnh phong trào Hezbollah, Hassan Nasrallah đã bày tỏ ủng hộ đề xuất của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về một thỏa thuận chính trị mới tại Liban, kèm theo điều kiện là việc này phải "đáp ứng nguyện vọng và sự đồng thuận của tất cả các phe phái ở Liban."

Trong khi đó, các nhân vật có trọng lượng khác thuộc dòng Hồi giáo Sunni ở nước này đã đồng ý một cái tên cho vị trí Thủ tướng đó là Đại sứ Liban tại Berlin, Mustapha Adib.

Theo hiệp định Taef năm 1989, kết thúc cuộc nội chiến 1997-1990, mô hình nhà nước hiện tại của Liban dựa trên việc phân chia vai trò giữa các sắc tộc khác nhau.

Tổng thống là tín đồ Công giáo Maronite, Thủ tướng là người Hồi giáo dòng Sunni, Chủ tịch Quốc hội là người Hồi giáo dòng Shiite. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng và Phó Chủ tịch Quốc hội dành cho tín đồ Chính thống giáo.

Trong cơ quan lập pháp Liban có 18 sắc tộc tôn giáo chính thức được thừa nhận và 128 ghế nghị sĩ được chia đều giữa người Hồi giáo và Cơ đốc giáo.

Chính phủ của Liban do Thủ tướng Hassan Diab đứng đầu đã từ chức sau vụ nổ kinh hoàng ở cảng Beirut khiến khoảng 190 người thiệt mạng và 6.000 người bị thương hôm 4/8.

Thảm họa này xảy ra khi Liban đang vất vả giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua và các tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Hiện Quốc hội Liban bắt đầu tiến hành tham vấn về ứng cử viên thủ tướng mới, thay thế ông Diab.

Theo kế hoạch, ngày 31/8, Tổng thống Pháp Macron, người dẫn đầu các nỗ lực kêu gọi Liban cải cách, sẽ đến Liban trong khuôn khổ chuyến công du thứ hai trong chưa đầy một tháng qua sau vụ nổ ở Beirut./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục