Tổng thống Mỹ Trump đương đầu với làn sóng chỉ trích mới

Các ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ đã đồng loạt lên tiếng chỉ trích việc Tổng thống Mỹ Trump đặt chân sang lãnh thổ Triều Tiên và sau đó có cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Tổng thống Mỹ Trump đương đầu với làn sóng chỉ trích mới ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp tại làng đình chiến Panmunjom ở Khu phi quân sự (DMZ) ngày 30/6/2019. (Nguồn: THX/ TTXVN)

Theo tờ The Hill, ngày 30/6, các ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ đã đồng loạt lên tiếng chỉ trích việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt chân sang lãnh thổ Triều Tiên và sau đó có cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khi cho rằng đây là hành động không được cân nhắc kỹ và làm lãng phí quyền lực thương lượng của Mỹ.

Chỉ trích trên được đưa ra sau khi ông Trump trong cuộc gặp lịch sử với ông Kim Jong-un tại làng đình chiến Panmunjom trong Khu phi quân sự chia cắt hai miền Triều Tiên đã bước qua đường ranh giới liên Triều, trở thành Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên trong lịch sử đặt chân lên lãnh thổ Triều Tiên.

Đây là cuộc gặp trực tiếp thứ ba giữa ông Trump và ông Kim Jong-un trong vòng một năm qua, song là lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều, hai nước đối địch trong hàng thập niên qua, gặp gỡ tại Panmunjom kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc với Hiệp định đình chiến năm 1953.

Theo thông báo, cuộc gặp trong gần một giờ đồng hồ giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều, sự kiện được tổ chức chỉ sau một ngày lên kế hoạch, đã đạt được những kết quả tốt đẹp. Hai bên nhất trí tái khởi động đàm phán hạt nhân, trước hết là đối thoại cấp chuyên viên trong 2-3 tuần tới. Sau cuộc gặp, ông Trump đã gọi "đây là một ngày lịch sử trọng đại," còn ông Kim Jong-un có những phát biểu "bóng gió" ca ngợi ông Trump, cho rằng ông đã thể hiện sự quyết tâm cũng như sẵn sàng xóa bỏ những mâu thuẫn trong quá khứ và cùng ông mở ra một tương lai mới.

Trong khi ông Trump ca ngợi cuộc gặp là một bước đột phá quan trọng trong tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, các ứng cử viên đảng Dân chủ lên án đây là hành động chính trị nghiệp dư khó có thể đem lại một thỏa thuận có ý nghĩa nhằm tiến tới việc dỡ bỏ hoàn toàn chương trình thử nghiệm tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Người phát ngôn của cựu Phó Tổng thống Joe Biden, ứng cử viên tổng thống sáng giá nhất của đảng Dân chủ, chỉ trích cuộc gặp của ông Trump với Tổng thống Nga Vladimir Putin và ông Kim Jong-un khi cho rằng cách hành xử "chiều chuộng" của ông Trump gây tổn hại tới an ninh và lợi ích của Mỹ và là một trong những cách thức nguy hiểm nhất làm giảm vị thế của nước này trên trường quốc tế cũng như lật đổ các giá trị của Mỹ.

Người phát ngôn của ông Biden cũng khẳng định Mỹ cấp thiết cần một Tổng thống có thể giúp khôi phục vị thế của Mỹ trên thế giới, hàn gắn mối quan hệ của nước này với các đồng minh quan trọng mà ông Trump đang xa lánh và mang lại sự thay đổi thực sự cho người dân Mỹ.

Thượng nghị sỹ Elizabeth Warren, ứng cử viên đứng thứ ba của đảng Dân chủ, trên mạng xã hội Twitter cũng cho rằng ông Trump không nên bỏ qua những ảnh hưởng của Mỹ chỉ để chụp ảnh và trao những bức thư tình cảm, mà thay vào đó nên đối phó với Triều Tiên thông qua chính sách ngoại giao theo nguyên tắc nhằm thúc đẩy an ninh của Mỹ, bảo vệ các đồng minh của Mỹ và bảo vệ nhân quyền.

Thượng nghị sỹ Bernie Sanders lên án sự mâu thuẫn đáng kinh ngạc của ông Trump. Theo ông Sanders, nếu muốn mang lại hòa bình cho thế giới, Mỹ cần thiết phải có một Bộ Ngoại giao mạnh và cần phải tiến tới về mặt ngoại giao chứ không chỉ là các cơ hội về hình ảnh.

Bên cạnh đó, các ứng cử viên tổng thống khác của đảng Dân chủ cũng nhanh chóng chĩa mũi tấn công vào ông Trump như Thượng nghị sỹ Amy Klobuchar và cựu Bộ trưởng Phát triển Nhà ở và Con người Julián Castro. Thượng nghị sỹ Klobuchar bày tỏ sự hoài nghi về cách tiếp cận quá đơn giản của ông Trump đối với một vấn đề chính sách ngoại giao mà Mỹ phải đối mặt trong nhiều năm qua và cho rằng cuộc gặp không dẫn tới bất cứ điều gì thực chất. Bà khẳng định Mỹ muốn thấy phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, giảm các tên lửa của quốc gia này, nhưng điều đó không dễ dàng. Bà Klobuchar chỉ trích ông Kim Jong-un là "nhà độc tài tàn nhẫn."

Bà nhận định nếu Mỹ muốn tiến tới một thỏa thuận thì nước này phải có sự tập trung rõ ràng, nhiệm vụ rõ ràng và mục tiêu rõ ràng bởi tại cuộc gặp Trump-Kim tại Singapore hồi năm ngoái, Mỹ đã không đạt được bất cứ kết quả nào trong việc ngăn chặn Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo.

Theo ứng cử viên Julián Castro, điều đáng lo ngại là ông Trump bất ngờ tổ chức cuộc gặp mà không có sự chuẩn bị của các nhân viên và dường như đó chỉ là để trình diễn chứ không phải là thực chất. Cuộc gặp đó chỉ giúp nâng cao vị thế của ông Kim Jong-un. Ông đồng thời cũng lưu ý rằng Triều Tiên đã không giữ lời hứa với chính quyền Trump trong việc đóng các cơ sở hạt nhân của họ.

Không chỉ các ứng cử viên đảng Dân chủ chỉ trích ông Trump mà cựu quyền Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) Michael Morell cũng cảnh báo Mỹ sẽ phải trả giá cho cách tiếp cận ngoại giao không chính thống của ông Trump đối với ông Kim Jong-un, đồng thời cho rằng cuộc gặp Trump-Kim vừa qua sẽ làm suy yếu việc thực thi các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên.

Ông Morell cũng khẳng định cuộc gặp sẽ đem lại cho ông Kim Jong-un nhiều tính hợp pháp và đây là cơ hội vàng đối với ông Kim Jong-un về mặt chính trị ở trong nước và trên thế giới. Tuy nhiên, ông Morell cũng thừa nhận việc nối lại đàm phán với Triều Tiên rất quan trọng bởi đàm phán là giải pháp duy nhất đối với vấn đề này, không có lựa chọn về mặt quân sự.

Trong khi đó, Hạ nghị sỹ bang Ohio Tim Ryan đã so sánh cuộc gặp trên như cuộc gặp giữa Thủ tướng Anh Neville Chamberlain với Adolf Hitler và cho rằng điều đó giống như một trò đùa khi chỉ vài tuần trước, Triều Tiên còn thử tên lửa trong khi ông Trump lại muốn đàm phán./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục