Tổng thống Pháp tái khởi động chương trình năng lượng hạt nhân

Theo đó, Pháp sẽ "khởi động lại việc xây dựng các lò phản ứng ở trong nước," đồng thời tiếp tục "phát triển năng lượng tái tạo" nhằm mục đích đảm bảo sự độc lập về năng lượng.
Tổng thống Pháp tái khởi động chương trình năng lượng hạt nhân ảnh 1 Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Phát biểu trên truyền hình về các vấn đề thời sự chung, Tổng thống Emmanuel Macron đã chính thức thông báo quyết định khởi động lại chương trình hạt nhân của Pháp.

Theo đó, Pháp sẽ "khởi động lại việc xây dựng các lò phản ứng ở trong nước," đồng thời tiếp tục "phát triển năng lượng tái tạo" nhằm mục đích đảm bảo sự độc lập về năng lượng, đảm bảo nguồn cung cấp điện và đạt được các mục tiêu đề ra, đặc biệt là trung hòa carbon vào năm 2050."

Ông Macron nhấn mạnh đây lần đầu tiên Pháp khởi động một chương trình hạt nhân mới kể từ "nhiều thập kỷ qua," nhưng không cho biết thời điểm bắt đầu chương trình và số lượng lò phản ứng dự kiến xây dựng là bao nhiêu.

Tuy nhiên, kể từ năm 2019, Chính phủ Pháp đã xem xét khả năng xây dựng sáu lò phản ứng thế hệ thứ ba mới có công suất rất cao, được gọi là “EPR 2.” Tháng Năm vừa qua, công ty năng lượng EDF đã đệ trình báo cáo tính khả thi của dự án tiềm năng này theo yêu cầu của Nhà nước, cổ đông chính của công ty.

Thông báo của Tổng thống Macron đã nhận được sự ủng hộ của ngành công nghiệp hạt nhân hiện đang tạo hơn 200.000 việc làm tại Pháp. "Các lò phản ứng EPR 2 mới sẽ tạo ra nhiều việc làm có trình độ, nhân rộng các sáng kiến đổi mới và các bí quyết công nghiệp của Pháp sẽ một lần nữa được thừa nhận trên toàn thế giới," Cécile Arbouille, Tổng thư ký của Nhóm các nhà công nghiệp năng lượng hạt nhân Pháp (GIFEN), khẳng định.

[Ngoại trưởng Pháp kêu gọi khẩn cấp nối lại đàm phán hạt nhân với Iran]

Đại diện của Công ty năng lượng hạt nhân Pháp Valérie Faudon nhấn mạnh: "Chính phủ vẫn chưa công bố thông tin chi tiết về chương trình. Sẽ có một số bước phải tuân thủ và rất nhiều điều cần được quyết định, chẳng hạn điều tra dư luận, lựa chọn địa điểm, xây dựng mô hình tài chính. Ngành công nghiệp hạt nhân phải có sự chuẩn bị và lấy lại niềm tin để thành công với thách thức công nghiệp mới này.”

Hầu hết các lò phản ứng tại Pháp hiện nay được xây dựng từ giữa những năm 1970 đến đầu những năm 1990. Trên toàn lãnh thổ Pháp hiện có 56 lò phản ứng, góp phần quan trọng cho nỗ lực sản xuất điện ít phát thải carbon.

Tuy nhiên, công viên điện hạt nhân này đang già cỗi, trong đó nhiều cơ sở sắp hoặc đã đến tuổi 40. Trong 20 năm tới, phần lớn trong số đó sẽ phải ngừng hoạt động vì lý do lỗi thời và an toàn.

Để thay thế, Pháp đang đứng trước sự lựa chọn, hoặc xây dựng các lò phản ứng mới hoặc dựa hoàn toàn vào năng lượng tái tạo.

Bộ trưởng Chuyển đổi sinh thái Pháp Barbara Pompili cho biết, Tổng thống đã đặt ra một lộ trình rõ ràng để tuân thủ các cam kết về khí hậu và đảm bảo chủ quyền năng lượng của đất nước, dựa trên ba trụ cột, gồm tiết kiệm năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo quy mô hàng loạt và duy trì khả năng sản xuất điện hạt nhân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục