TP. HCM: Đa dạng sắc màu âm nhạc tại không gian cộng đồng

Năm 2023, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức nhiều chương trình biểu diễn cộng đồng, nhằm tạo dựng thương hiệu, thu hút khách du lịch đến thông qua hình ảnh "Thành phố nghệ thuật."
TP. HCM: Đa dạng sắc màu âm nhạc tại không gian cộng đồng ảnh 1Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: TTXVN)

Năm 2022, nhiều dự án âm nhạc cộng đồng của Thành phố Hồ Chí Minh tại khu vực trước Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh, Bưu điện, phố đi bộ Nguyễn Huệ... đã tạo được ấn tượng với công chúng.

Một trong những dự án âm nhạc cộng đồng ấn tượng trong năm qua, có thể kể đến các đêm nhạc “Thành phố tình yêu - Lively SaiGon” được Trung tâm Ca nhạc nhẹ Thành phố Hồ Chí Minh duy trì tổ chức hằng tháng.

Trong năm 2022, chương trình “Thành phố tình yêu - Lively SaiGon” đã tổ chức 4 lần tại các địa điểm như Công viên Lam Sơn, Công viên Tao Đàn, Bến Nhà Rồng và trước Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh với các chủ đề “Thành phố lung linh những sắc màu,” “Tình ca phố,” “Gặp,” “Sài Gòn - Anh yêu em.”

Dù là chương trình được tổ chức biểu diễn phục vụ miễn phí cho người dân trong không gian mở nhưng các dự này đều được đầu tư chỉnh chu, từ âm thanh, ánh sáng đến nội dung chương trình.

Trong số đó, sân khấu được thiết kế đơn giản, đảm bảo không ảnh hưởng đến cảnh quan hiện hữu, mang đến những đêm nhạc ấm cúng trong không gian mở. Nghệ sỹ được tiếp xúc gần với khán giả, tạo thêm sự gắn kết với người hâm mộ.

Theo Trung tâm Ca nhạc nhẹ Thành phố Hồ Chí Minh, đêm nhạc “Thành phố tình yêu - Lively SaiGon” là một trong những dự án âm nhạc góp phần tăng cường hoạt động văn hóa nghệ thuật với các điểm đến văn hóa, lịch sử tiêu biểu của Thành phố Hồ Chí Minh.

[Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh sôi động trong dịp cuối năm]

Trong năm nay, đêm nhạc sẽ tiếp tục được khởi động vào đầu tháng 3, hứa hẹn mang đến những điều mới mẻ cho khán giả.

Diễn ra từ 17-19 giờ thứ Bảy hằng tuần tại ga tàu thủy Bạch Đằng trên đường Tôn Đức Thắng (Quận 1), Dự án “Có hẹn với Sài Gòn” biểu diễn miễn phí.

Trong ba số vừa qua, phần lớn khán giả đến xem là du khách tham gia trải nghiệm du lịch trên sông, học sinh, sinh viên và các gia đình. Chương trình được khởi động chưa lâu (từ giữa năm 2022) nhưng đã tạo được sức lan tỏa và càng có ý nghĩa trong thời điểm kích cầu du lịch, hứa hẹn là điểm dừng chân thú vị mỗi cuối tuần tại khu vực trung tâm thành phố.

Nghệ sỹ piano Nguyễn Long An, người khởi xướng dự án chia sẻ, nghệ thuật đường phố là phần không thể tách khỏi đời sống văn hóa nghệ thuật của một quốc gia, nhất là tại đô thị sôi động, có đông đảo du khách và là cầu nối giao lưu nhiều nền văn hóa như Thành phố Hồ Chí Minh.

Thông qua đây, các nghệ sỹ sẽ mang những thông điệp ý nghĩa truyền tải đến công chúng và bạn bè quốc tế, để biết về một Việt Nam đa dạng văn hóa, mến khách, nghĩa tình…

Theo các nghệ sỹ, hình ảnh “Trên bến dưới thuyền” cũng là một nét đặc sắc của vùng đất phương Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.

Không gian biểu diễn của dự án được chọn là bến Bạch Đằng để người dân và du khách đến đây sẽ được thưởng thức trọn vẹn âm hưởng sông nước hàng trăm năm của người dân thành phố.

Tương tự, chương trình “Âm sắc Việt” do Nhà hát ca múa ca nhạc dân tộc Bông Sen thực hiện biểu diễn định kỳ sáng thứ Bảy hằng tuần trước Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh cũng tạo hiệu ứng ngoài mong đợi.

Điều đáng chú ý, phần giới thiệu của chương trình này được thực hiện bằng song ngữ Anh-Việt để phục vụ cho du khách nước ngoài.

Song song đó, nhà hát cũng duy trì biểu diễn vào tối thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần tại phố đi bộ Nguyễn Huệ để phục vụ du khách. Đây là mô hình vừa thu hút khách du lịch, đồng thời lưu giữ, thúc đẩy giá trị văn hóa dân tộc đến gần hơn với cộng đồng, nhất là những công dân trẻ.

Đặc biệt, chương trình biểu diễn các loại nhạc cụ dân tộc và hát những làn điệu mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Nhằm quảng bá âm nhạc truyền thống cách mạng Việt Nam đến đông đảo công chúng, chương trình ca nhạc “Mùa thu và mãi mãi” do Trung tâm Tổ chức biểu diễn và điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện vào mỗi cuối tuần ở phía trước Nhà hát Thành phố cũng thu hút đông đảo người dân đến xem.

Nhiều người dân nhận định chương trình làm mới dòng nhạc truyền thống trở nên trẻ trung, mang hơi thở thời đại; đồng thời khẳng định ý nghĩa giáo dục truyền thống cách mạng tốt đẹp.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thanh Thúy, đây là sự cố gắng rất lớn của Sở cùng với các sở, ngành của thành phố, để tạo nên các dự án cộng đồng.

Trong năm 2023, các chương trình biểu diễn cộng đồng không chỉ tập trung ở khu trung tâm mà sẽ được tổ chức tại các quận, huyện để mọi người dân có thể thưởng thức.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy cho biết thêm chủ trương của thành phố là tạo dựng thương hiệu, thu hút khách du lịch đến Thành phố Hồ Chí Minh thông qua hình ảnh "Thành phố nghệ thuật."

Do đó, nhiều chương trình nghệ thuật cộng đồng sẽ được tổ chức trong năm nay với mục tiêu mang đến những nội dung nghệ thuật và thẩm mỹ chất lượng cao cho công chúng.

Tuy nhiên, nhằm định hình phong cách rõ nét, riêng biệt, các đơn vị cần đầu tư nhiều hơn về chất lượng, có hình thức biểu diễn phong phú hơn, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của khán giả.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy cho rằng để Thành phố Hồ Chí Minh thật sự trở thành một điểm đến hấp dẫn, cần phải có nhiều sản phẩm ngoài các không gian âm nhạc cộng đồng, trong đó Lễ hội quốc tế dành cho mọi người hằng năm rất cần thiết. Đây là một điều kiện thuận lợi để Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư những sản phẩm chất lượng và quy mô để thu hút du khách./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục