Trong bối cảnh bệnh dại có xu hướng gia tăng tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh có công văn khẩn về việc tăng cường triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại trên địa bàn.
Sở yêu cầu các cơ sở tiêm chủng đảm bảo nguồn vaccine phòng dại để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng của người dân.
Cụ thể, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu Trung tâm Y tế quận, huyện và thành phố Thủ Đức tăng cường giám sát chặt chẽ các trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn để hướng dẫn tiêm phòng vaccine đầy đủ; phối hợp với các đơn vị có liên quan truyền thông về sự nguy hiểm, hậu quả của bệnh dại và các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên người và động vật.
Sở giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC) phối hợp tập huấn và tái tập huấn về chuyên môn cho cán bộ phụ trách công tác phòng, chống bệnh dại trên người; phối hợp cùng Chi cục Chăn nuôi thú y - Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong việc chia sẻ thông tin về tình hình bệnh dại và phối hợp điều tra, xử lý ổ dịch kịp thời.
Đối với các cơ sở tiêm vaccine phòng dại, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các cơ sở phải đảm bảo nguồn vaccine phòng dại để người dân tiếp cận đầy đủ; tập huấn cho cán bộ y tế kỹ năng tư vấn, xử trí các trường hợp bị động vật cắn (xử lý vết thương, chỉ định tiêm vaccine, huyết thanh kháng dại đúng, tiêm chủng an toàn).
Theo số liệu thống kê từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, trong 2 tháng đầu năm nay, đơn vị đã thực hiện hơn 5.300 lượt tiêm phòng vaccine ngừa dại cho người dân trên địa bàn do bị chó, mèo cắn, cào. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đã tiếp nhận điều trị 7 trường hợp mắc bệnh dại và cả 7 trường hợp này đều tử vong. Theo các bác sỹ, số lượt tiêm và ca tử vong đều cao hơn so với cùng kỳ năm 2023.
Các bác sỹ khuyến cáo, bệnh dại hiện không có thuốc điều trị đặc hiệu, khi bệnh nhân được xác định mắc bệnh dại thì tỷ lệ tử vong là 100%. Do đó, để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh, người dân khi bị chó, mèo cào, cắn cần nhanh chóng xử trí vết thương bằng cách rửa nước sạch liên tục khoảng 15 phút, dùng dung dịch iốt hoặc cồn 70 độ sát khuẩn lên vết thương, sau đó đến các cơ sở y tế để được tiêm vaccine phòng dại càng sớm càng tốt./.
Cần làm gì ngay sau khi bị chó, mèo cắn để phòng bệnh dại?
Nếu không may bị chó, mèo cắn, người bệnh cần ngay lập tức rửa vết thương dưới vòi nước chảy với xà phòng liên tục 15 phút; nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường.