TP Hồ Chí Minh cần bổ sung hơn 71.000 tỷ đồng cho hạ tầng giao thông

TP.HCM cần bổ sung 71.692 tỷ đồng cho 61 dự án giao thông bộ, 27 dự án giao thông thủy và 2 chương trình đầu tư cho giai đoạn 2021-2025, trong đó dự án giao thông đường bộ cần bổ sung 66.828 tỷ đồng.
TP Hồ Chí Minh cần bổ sung hơn 71.000 tỷ đồng cho hạ tầng giao thông ảnh 1Nút giao Trần Quốc Hoàn-Phan Thúc Duyện là điểm đầu dự án xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn-Cộng Hòa. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Ngành giao thông Thành phố Hồ Chí Minh cần bổ sung hơn 71.000 tỷ đồng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để triển khai các dự án hạ tầng giao thông, qua đó thực hiện hiệu quả Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định đến năm 2026 hoàn thành đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh… Phấn đấu đến năm 2030: Hoàn thành đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh; tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình giao thông theo quy hoạch đã được duyệt như cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Chơn Thành; nâng cấp, mở rộng hệ thống cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương, Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây…

Cùng với đó, Nghị quyết 24-NQ/TW cũng xác định đầu tư hoàn thiện hệ thống đường ven biển qua tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh. Đẩy nhanh, hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến đường sắt đô thị kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, tuyến đường sắt Thủ Thiêm-Long Thành...

[Đề xuất sớm mở rộng cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương]

Tại buổi làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã chỉ đạo tập trung ưu tiên xây dựng, tạo bước đột phá mạnh hơn nữa về hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ và hiện đại.

Chủ động phối hợp với các bộ ban ngành Trung ương và địa phương trong vùng Đông Nam bộ tập trung xây dựng hệ thống giao thông công cộng có sức chở lớn, đường sắt đô thị; phát triển đường vành đai, đường trên cao, đường cao tốc, luồng tàu đường biển, đường sông, tạo sự kết nối thông suốt để phát huy tối đa các tiềm lực kinh tế của cả vùng và thành phố.

Sớm khắc phục tình trạng yếu kém về hạ tầng giao thông hiện nay, nhất là tình trạng ùn tắc giao thông ở thành phố và các tỉnh lân cận.

Trong Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2020-2030 của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố dự kiến đầu tư khoảng 454km (bao gồm các tuyến đường cao tốc, vành đai, quốc lộ, các tuyến giao thông trục chính, cầu lớn…) với tổng kinh phí giai đoạn 2021-2025 khoảng 266.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân thành phố khoảng 92.000 tỷ đồng (chiếm 34,6%), vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) khoảng 174.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, nguồn vốn ngân sách còn hạn chế, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được Thành phố Hồ Chí Minh thông qua bố trí cho lĩnh vực giao thông là 52.744 tỷ đồng, đạt 19,8% so với tổng nhu cầu.

Số vốn này chưa đáp ứng để thực hiện đầu tư phát triển kết cấu hệ thống hạ tầng giao thông theo các chỉ tiêu, định hướng của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 và các đề án đã được thành phố ban hành.

Sở Giao thông Vận tải kiến nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xem xét, chỉ đạo các sở ngành liên quan xem xét, tham mưu bố trí bổ sung nguồn vốn và thực hiện các giải pháp huy động nguồn lực để triển khai thực hiện các dự án giao thông trọng điểm, chiến lược với nhu cầu bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Cụ thể, thành phố cần bổ sung 71.692 tỷ đồng cho 61 dự án giao thông bộ, 27 dự án giao thông thủy và 2 chương trình đầu tư cho giai đoạn 2021-2025. Trong đó, dự án giao thông đường bộ cần bổ sung 66.828 tỷ đồng; hai chương trình đầu tư công (Chương trình tăng cường năng lực khai thác, đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn thành phố; Chương trình thực hiện phòng chống sạt lở bờ sông, kênh rạch) là 1.703 tỷ đồng; các dự án giao thông thủy như xây dựng kè, chống sạt lở, nạo vét luồng cần 3.163 tỷ đồng.

Số vốn này chưa bao gồm các dự án đường sắt đô thị. Nguyên tắc đề xuất vốn kế hoạch trung hạn được ngành giao thông xác định là hoàn thành cho dự án nhóm C; hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng cho dự án nhóm B; thực hiện 50% chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng cho dự án nhóm A.

Theo Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, việc bổ sung vốn đầu tư này để triển khai hiệu quả, đạt được những mục tiêu, chiến lược, các nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố đã đề ra và chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; qua đó phát huy hiệu quả mọi nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng giao thông vận tải một cách đồng bộ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục